Thiết bị "thần kỳ" có thể sản xuất nước từ không khí trong hoang mạc Công Nghệ - Ôtô - Xe Máy

Không khí ở vùng hoang mạc rất khô với độ ẩm chỉ ở mức 10%, và các công nghệ hiện tại mới chỉ lấy được nước từ không khí có độ ẩm 50%. Tuy nhiên, một thiết bị mới ra mắt tên là MOFs có thể lấy được nước từ không khí hoang mạc 1 cách dễ dàng.

Đây được xem là một thành công ấn tượng của chiếc máy sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cấu tạo bởi khung kim loại hữu cơ – MOFs. Tạo nên thiết bị này là một nhóm nghiên cứu tại Viện MIT và MOFs đã được sử dụng thực địa tại vùng hoang vu Tempe của Arizona.

Thử nghiệm thực địa đã đạt được kết quả rất tốt khi trong bầu không khí khô nóng với độ ẩm 10%, MOFs có thể kéo được nước ra. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thiết bị bởi hiện tại MOFs mới chỉ thu được rất ít nước (tính bằng milimet). Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả khả quan bởi MOFs kéo ra được nước rất tinh khiết.

Sau khi quan sát trực tiếp quá trình hoạt động của thiết bị, kỹ sư hóa học Evelyn Wang đã viết một bài báo trong đó mô tả: "Không có bất cứ tạp chất nào từ khung kim loại hữu cơ rỉ trên mặt nước" và "Nó cho thấy các vật liệu cấu tạo rất bền bỉ, và có thể tạo ra nguồn nước chất lượng cao".

Thiết bị "thần kỳ" có thể sản xuất nước từ không khí trong hoang mạc - 1

Thiết bị "vắt" nước từ không khí hoang mạc.

MOFs hiện tại có kích thước nhỏ, sử dụng vật liệu khung hữu cơ, tỏ ra tiết kiệm điện và thích hợp với khí hậu mọi vùng địa lý trên thế giới. Trong tình cảnh ở rất nhiều nước trên thế giới bị khan hiếm nước sạch do biến đổi khí hậu, tàn phá môi trường hiện nay thì thiết bị có thể “vắt” nước từ không khí được xem là giải pháp tối ưu.

Điều thú vị hơn nữa là MOFs có thể hoạt động độc lập trong thời gian dài ở vùng hoang vắng do không có bộ phận nào của thiết bị này chuyển động. Khi các nhà nghiên cứu hoàn thiện được MOFs, thiết bị này sẽ rất hữu ích ở những nơi hoang mạc khan hiếm nước. Tuy nhiên, chưa rõ giá thành sản xuất thiết bị là bao nhiêu.

Theo Người đưa Tin

Viết bình luận