TGD làng du lịch Tre Việt: cứ đi sẽ có đường Doanh Nhân
Thế nhưng, trò chuyện với Lê Đăng Khoa, mọi suy đoán đều ngược lại. Không chỉ cùng lúc điều hành ba công ty, thực hiện nhiều ý tưởng kinh doanh mới, táo bạo, Lê Đăng Khoa còn là thầy dạy kỹ năng và quản trị cho sinh viên, sáng lập và điều hành chương trình "Mái ấm ước mơ”. Năm 2013, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu "Doanh nhân - Doanh nghiệp tiêu biểu", được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng chữ "Tâm" trong kinh doanh.
* Hơn mười năm trước đã phải ngồi vào ghế tổng giám đốc, còn quá trẻ, lẽ nào ông không thấy áp lực?
- Tôi học ngành tâm lý học ở Mỹ, về nước và điều hành Công ty CP Phân bón Ba Lá Xanh khi mới 22 tuổi, kinh nghiệm và sự am hiểu thương trường chỉ là con số 0, làm sao không áp lực! Mặc dù Ba Lá Xanh là công ty do ba tôi gầy dựng, có thâm niên trên 20 năm và nằm trong top công ty có uy tín trong ngành, nhưng nói thật, một người trẻ từng quen với môi trường sống hiện đại, làm sao có thể thích ngành sản xuất... phân bón gắn liền với nông thôn, đồng ruộng, bùn đất và sình lầy. Vì vậy, suốt ba năm đầu, ở thế phải làm, trong đầu tôi vẫn luôn nghĩ làm cách nào để thoát khỏi công việc này.
Thấy người ta làm in ấn ngon ăn, cộng với suy nghĩ muốn làm một cái gì đó của riêng mình, tôi mở xưởng in, nhưng chỉ 6 tháng sau đã lỗ vài tỷ đồng. Trở lại chiếc ghế đang ngồi, nhận ra Ba Lá Xanh chính là duyên nghiệp, là cuộc sống của gia đình tôi, bởi nhờ nó mà tôi mới được ăn học thành tài, gia đình mới có cuộc sống ổn định như hiện nay.
Và nếu đã là duyên nghiệp, là cuộc sống thì mình chỉ có một chọn lựa: Phải yêu và phải hết lòng với nó. Từ suy nghĩ đó, tôi bắt đầu lăn vào công việc, làm hết mình, từ sáng sớm đến tối khuya, chỉ khi nhắm mắt ngủ tôi mới thôi nghĩ đến Ba Lá Xanh.
* Lăn vào công việc, ông thấy khó khăn nào là lớn nhất với một người lãnh đạo trẻ?
- Áp lực đầu tiên là tôi nhận ra mình còn lỗ hổng rất lớn về kiến thức quản trị và kinh nghiệm thị trường. Vậy nên, việc đầu tiên tôi phải làm là đi học cử nhân ngành thương mại Đại học RMIT. Lợi thế của tôi là vừa học vừa làm nên trong các giờ học thực tế, tôi thường đem trường hợp của Ba Lá Xanh ra chia sẻ và nhận được nhiều ý kiến rất hữu ích.
Một trở ngại nữa các CEO trẻ thường gặp là "trên bảo dưới không nghe", lúc đầu cũng buồn vì nhiều người tỏ ra khó chịu và biết đâu họ nghĩ, sao mình đáng tuổi chú, bác nó, kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề lại phải nghe một thằng bé chưa biết gì. Liệu làm theo lời nó có tốt không.
Rồi lúc đi gặp đại lý, nhiều người thấy tôi trẻ quá cũng không mấy tin tưởng, thậm chí khi được nhận danh hiệu "Doanh nghiệp - Doanh nhân tiêu biểu", nhiều cô chú là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các công ty còn nghĩ tôi đi nhận thay cho ba. Tuy nhiên, biết kết nối mọi người, tạo niềm tin và động lực cho nhân viên theo mình đã giúp tôi vượt qua trở ngại. Để làm được điều này, cách duy nhất phải chứng minh được thực lực và muốn vậy, tôi phải làm nhiều hơn nói.
* Nghĩa là, muốn lãnh đạo thành công thì phải "miệng nói tay làm", trong khi có ý kiến cho rằng, làm lãnh đạo chỉ cần định hướng giỏi?
- Theo tôi, làm lãnh đạo mà chỉ ngồi chỉ tay năm ngón, bắt nhân viên làm theo mệnh lệnh thì họ chỉ miễn cưỡng tuân thủ, đôi khi còn làm mất đi sự sáng tạo nơi họ. Khi cùng làm với nhân viên, mình sẽ kích thích tinh thần làm việc của cả tập thể và trong quá trình làm việc cùng nhau có thể vấp phải những trở ngại không lường trước, lúc đó mọi người sẽ phát huy tính sáng tạo, đóng góp ý kiến để giải quyết.
Tinh thần làm việc đội nhóm nhờ vậy cũng gắn kết, cởi mở hơn. Tôi còn nhớ khi trao quyền điều hành Công ty cho tôi, ba nói: "Mỗi sáng thức dậy của một người làm lãnh đạo sẽ có rất nhiều việc xảy ra, con phải là người đưa ra giải pháp và cũng là người quyết định cuối cùng. Trong tình huống đó, chính nhân viên là người trông chờ và thử thách con. Nếu con đưa ra giải pháp đúng, nhất là cùng làm với họ, họ sẽ tâm phục khẩu phục, thân thiện, tin tưởng và đi theo mình".
* Từng thất bại và đồng tình với quan điểm "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nhưng tại sao ông lại tiếp tục thực hiện ý tưởng nhiều người cho là mạo hiểm là làm khu du lịch sinh thái?
- Ông bà xưa có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nói vậy không có nghĩa cả đời làm kinh doanh mình cứ cứng nhắc đi theo một lĩnh vực. Nếu hội đủ thiên thời, địa lợi và có nhân duyên, cộng với chiến lược kinh doanh bài bản sẽ mở ra cơ hội mới.
Ảnh: Quý Hòa |
* Như vậy, khu du lịch sinh thái Tre Việt ra đời là nhờ thiên thời, địa lợi?
- Dự án Tre Việt "bật" ra từ nguyện vọng của ba mẹ tôi là muốn cải tạo mảnh đất của gia đình thành khu nghỉ dưỡng riêng cho cả nhà, bởi nơi đây gần con sông rất đẹp, khung cảnh hiền hòa và nguyên sơ. Tuy nhiên, tôi muốn nhân rộng mô hình này thành khu du lịch sinh thái để nhiều người có thêm điểm đến nghỉ ngơi, hưởng thụ cảnh đẹp thiên nhiên. Ý tưởng này đã được ba mẹ tôi đồng tình ủng hộ.
Song, từ ý tưởng đến thực hiện là cả một quãng đường dài tôi phải vật lộn với nhiều trở ngại, thử thách. Khó khăn đầu tiên là thiếu vốn vì lúc đó không có ngân hàng nào dám cho vay. Khi phái đoàn đến thẩm định, nhìn thấy đường đi vào khu du lịch toàn là đường đất, sình lầy, cảnh vật thì hoang sơ, heo hút, không một bóng cây, cư dân thưa thớt và điện đóm chập chờn, ai cũng nói tôi liều, ngay cả nhân viên xây dựng và kiến trúc sư cũng tỏ ra lo ngại: "Không biết anh nghĩ thế nào mà dám bỏ tiền đầu tư vào đây".
Tôi huy động vốn từ tất cả người thân trong gia đình, nhưng càng làm càng phát sinh và càng đuối. Chỉ mới thực hiện cơ bản về hạ tầng và trồng cây xanh đã thấy gần hết vốn. Lúc đó tôi cũng nản, nhưng mỗi lần muốn bỏ cuộc, nhìn ra con sông lại thấy lòng bình yên, như có thêm động lực và lại muốn tiếp tục, nhận ra hình như mình có nhân duyên với nơi này.
Bản thân tôi từng thất bại khi khởi nghiệp lần đầu, nếu lần này lại bỏ cuộc thì có thể có lần thứ ba và chẳng có ý tưởng nào của riêng mình trở thành hiện thực. Vì vậy, tôi không cho phép mình dừng lại và tự nhủ: "Cứ đi sẽ có đường".
* Mong muốn xây dựng một khu du lịch đạt chuẩn từ dịch vụ đến nhà hàng, làm thế nào ông tuyển được nhân viên giỏi nghề, nhất là đầu bếp cao cấp, khi nơi đây còn hoang sơ và mọi thứ chỉ mới bắt đầu?
- Đúng là vấn đề nhân sự rất nan giải, nhất là khi thấy khu du lịch còn khó khăn, đi lại cũng vất vả vì phải qua phà, nên ít ai mặn mà. Nhưng nhờ tôi thuyết phục, cam kết đi với họ đường dài, trao cho họ quyền lực đủ để họ gắn bó, có trách nhiệm với Công ty nên nhiều người đã đồng ý về làm việc. Sau khi khai trương, khu du lịch còn vắng khách nhưng chi phí vẫn phát sinh liên tục mỗi ngày khiến tôi rối bời.
Hầu hết nhân viên giỏi đều lỡ nghỉ việc ở công ty cũ nên rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, "đi cũng dở, ở không xong". Lo buồn, mất ngủ, tôi sụt liền 3 ký lô.
* Vậy "phép mầu" nào giúp Tre Việt lấy lại vốn chỉ sau một năm và hiện còn có nhà đầu tư đề nghị mua lại khu du lịch?
- Đó là sự kiên trì và chiến lược đầu tư đúng đắn. Dù mấy tháng đầu chưa có khách nhưng tôi vẫn kiên trì nuôi quân, tiếp tục đầu tư cho cảnh quan và dịch vụ, chăm chút từ cái cây đến ngọn cỏ, từ cổng vào đến nhà vệ sinh, giữ cho môi trường sạch sẽ, trong lành. Đặc biệt là thức ăn ở nhà hàng luôn đảm bảo tươi ngon, thực đơn đa dạng dù chỉ có vài khách vãng lai. Tôi nghĩ, chỉ cần một người khách đến hài lòng sẽ có người thứ hai. Đó chính là chiến lược đường dài.
Và cột mốc đáng nhớ nhất, mở đầu cho sự tấp nập ở Tre Việt sau này là vào dịp lễ 30/4 và 1/5, có gần 4.000 khách du lịch đến đây vui chơi. Lần đầu tiên đón một lượng khách lớn như vậy, cả Công ty dù có đến cả trăm người cũng phục vụ không xuể, tôi và ba mẹ cũng phải làm nhân viên phục vụ, rửa chén.
Tất nhiên cũng có không ít lời góp ý, than phiền nhưng qua đó mới thấy, nếu không đầu tư đường dài, chắc chắn sẽ không đáp ứng được lượng khách lớn như vậy. Sau lần đón khách kỷ lục này, khu du lịch bắt đầu đông khách. Hiện có nhà đầu tư muốn mua lại khu du lịch nhưng tôi không bán.
* Theo ông, làm du lịch sinh thái cần nhất và khó nhất là điều gì?
- Muốn làm du lịch sinh thái, đầu tiên cần phải có tình yêu và có tâm với thiên nhiên. Vì vậy, tôi làm du lịch sinh thái không chỉ với mục đích khai thác mà còn muốn gìn giữ thiên nhiên. Trước đây, khu vực này không có cây xanh nào sống được, hễ trồng cây xuống là lún, nhờ cải tạo, bây giờ có cây xanh, đường đi, nhất là con sông trong xanh và không hề có rác, tất cả nguyên liệu sử dụng ở đây đều là thiên nhiên để bảo vệ môi trường.
Mỗi lần đến khu du lịch, tôi luôn đặt mình vào người khách khó tính nhất để tìm những cái chưa hoàn chỉnh mà khắc phục. Hiện tôi đang cùng nhóm đối tác nghiên cứu dự án trồng rừng ở Phan Thiết và Củ Chi, đây là dự án từ thiện tôi đang ấp ủ. Còn cái khó của làm du lịch sinh thái là phải liên tục tìm ra cái lạ, cái mới để thu hút khách.
* Trong kinh doanh, mỗi người thường có "kim chỉ nam" cho hành động. Vậy "kim chỉ nam" của ông là gì?
- May mắn và cũng là hạnh phúc lớn nhất của tôi là có được sự dạy dỗ của ba mẹ cũng như học được rất nhiều từ những công việc thầm lặng của họ. Tôi xem họ là tấm gương để noi theo và hành động. Tôi học được ở ba tầm nhìn chiến lược và lòng thương người, học ở mẹ sự quyết liệt và tính chu đáo.
Những lúc gặp khó khăn và muốn bỏ cuộc, tôi lại nhớ đến lời dạy của mẹ: "Nếu muốn đối đầu với người mạnh hơn con, việc đầu tiên là con phải nghĩ mình sẽ thắng", còn lời nhắn nhủ của ba là: "Những gì người khác làm được, con cũng sẽ làm được".
* Nhiều bạn trẻ lầm tưởng khởi nghiệp phải bằng con đường kinh doanh. Ông có thể giải thích cho họ thế nào?
- Khởi nghiệp không đơn thuần là làm công việc kinh doanh kiếm tiền, mà phải xuất phát từ ý tưởng sáng tạo, mang lại giải pháp ứng dụng thiết thực. Tuy nhiên, một ý tưởng tốt, sáng tạo mà không có ê-kíp chuyên nghiệp thực hiện thì cũng sẽ thất bại. Và bài học thất bại của tôi khi mở xưởng in chính là sự là chủ quan, tự tin thái quá, nhất là không có ê-kíp có kinh nghiệm cùng làm.
* Vậy Zita.vn có thể xem là mô hình khởi nghiệp có tính ứng dụng thiết thực?
- Tôi vốn là người không thích dừng lại với những gì đang làm, đang có mà luôn muốn đi tìm cái mới. Nếu như với Tre Việt, tôi bán nơi thư giãn, thì với Zita.vn, tôi mang lại cho lĩnh vực bất động sản một giải pháp công nghệ với công cụ định vị độc đáo riêng.
Đơn cử, người mua nhà chỉ cần ngồi ở nhà, nhấp chuột vào nhu cầu tìm kiếm sẽ hiện lên toàn bộ hình ảnh chi tiết về những ngôi nhà đang rao bán cùng thông tin, hình ảnh chi tiết về khu vực xung quanh, cảnh quan và giá cả. Đây là công nghệ định vị bất động sản đầu tiên có ở Việt Nam nên sau khi nó ra đời, tôi đã được kênh truyền hình HTV9 mời tham gia phát biểu trong chương trình biểu dương các công ty có mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, độc đáo của thành phố.
* Ông có lường trước khó khăn khi đưa ra mô hình này?
- Lĩnh vực nào mới bắt đầu cũng có nhiều khó khăn, trong đó, làm sao thay đổi thói quen sử dụng cách truy tìm thông tin truyền thống để chuyển sang mô hình công nghệ mới hơn là bài toán khó. Và khó hơn nữa là làm sao để rất nhiều người biết đến Zita.vn. Tuy nhiên, nhu cầu bất động sản vẫn còn rất lớn, chỉ sau một tháng hoạt động, thống kê cho thấy lượng truy cập đã lên tới 170 ngàn lượt.
* Tâm huyết thực hiện chương trình "Mái ấm ước mơ” nhưng có người lại cho rằng ông đang "đánh bóng" hình ảnh thương hiệu, Ông có thấy khó chịu khi nghe điều này?
- Làm từ thiện là xuất phát từ trái tim nên dẫu ai nói gì tôi cũng không quan tâm. Chỉ mong thông qua hình ảnh của những chuyến đi thiện nguyện sẽ thu hút được thêm những tấm lòng cùng chung tay làm việc thiện. Tôi vô cùng hạnh phúc khi chương trình "Mái ấm ước mơ” đã xây được 45 căn nhà cho bà con nghèo ở Long An và Bến Tre.
* Còn động lực để ông thành lập Club M là gì?
- Lúc mới sang Mỹ học, tôi rất bỡ ngỡ, chỉ mong gặp được đàn anh, đàn chị dẫn dắt mình và ước nếu tôi thành công sẽ giúp những người khác". Vì vậy, tôi thành lập Club M để dạy kỹ năng và kinh nghiệm quản trị, kinh doanh cho sinh viên, truyền đạt cho họ những điều giúp mình thành công và khiến mình thất bại để họ đừng đi vào vết xe đổ của tôi.
Từ DNSG
Viết bình luận