210 người giàu nhất Việt Nam có tài sản bằng 12% GDP Doanh Nhân

Đó là thông tin được Tổ chức phi Chính phủ Oxfam cho biết tại buổi công bố báo cáo Thu hẹp khoảng cách thu nhập ngày 12/1.

Người giàu nhất kiếm tiền 1 ngày bằng người nghèo nhất kiếm tiền 10 năm

Oxfam trích số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2012, tỷ lệ Palma (đo tỷ lệ giữa phần thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 40% có thu nhập thấp nhất) của Việt Nam là 1,74. Có nghĩa là nhóm 10% giàu nhất có thu nhập cao gấp 1,74 lần nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang tăng từ năm 2004 và số người siêu giàu cũng tăng.

210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước, hay 1/2 GDP của TP HCM. Knight Frank, công ty tư vấn tài sản toàn cầu lớn nhất thế giới, ước tính số người siêu giàu sẽ tăng đáng kể ở Việt Nam lên 403 vào năm 2025.

210 người giàu nhất Việt Nam có tài sản bằng 12% GDP - 1

Ảnh minh họa

Theo tính toán của Oxfam, mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam như sau: Người giàu nhất ở Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập 10 năm của người nghèo nhất. Tài sản của người này trị giá 2,3 tỷ USD, có thể giúp tất cả người nghèo ở Việt Nam (khoảng 13 triệu người theo tính toán năm 2014) thoát nghèo.

Đã giàu lại hay trốn thuế

Bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho hay, Việt Nam được ghi nhận là nước có thu nhập trung bình và đạt nhiều thành tựu trong giảm thiểu tình trạng đói nghèo với 30 triệu người thoát nghèo kể từ những năm 1990.

Theo Oxfam, Việt Nam có tiềm năng tăng thu thuế và làm cho hệ thống thuế luỹ tiến. Theo số liệu phân tích, hiện nay Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế xuất nhập khẩu. “VAT là thuế luỹ thoái, việc tăng thuế VAT đã tạo ra gánh nặng cho những người nghèo nhất”, bà Lefur nhận xét và phân tích, tỷ lệ thu thuế VAT trên GDP đã tăng từ 4,02% lên 7,89% trong giai đoạn 2001-2010. Trong khi đó, Việt Nam lại giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 20%. Điều này có nghĩa là các công ty đang chịu mức thuế thấp hơn thuế thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, các công ty cũng đang được Nhà nước trợ cấp dưới hình thức ưu đãi thuế và miễn giảm thuế trong thời gian nhất định, làm giảm thêm phần đóng góp của các công ty.

Hơn nữa, việc tránh, trốn thuế cũng đang khiến các công ty đa quốc gia giàu nhất nhẹ gánh và làm thất thoát nguồn thu ngân sách quốc gia. Oxfam trích dẫn từ Tổng cục Thuế, có 720 trong số 870 công ty nước ngoài ở Việt Nam gian lận thuế trong năm 2013, các công ty này đã bị yêu cầu hoàn trả gần 400 tỷ đồng tiền thuế và phạt. “Việt Nam đang đặt gánh nặng thuế lên nhóm người có thu nhập thấp hơn trong xã hội và bỏ lỡ cơ hội đánh thuế những chủ thể có khả năng chi trả cao nhất”, báo cáo kết luận.

Việt Nam là một trong những mô hình thành công trong đổi mới kinh tế đi cùng xóa đói giảm nghèo. Tốc độ xóa đói lớn và nhanh so với nhiều nước. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng tăng lên là mặt trái của sự phát triển của chúng ta.

Thất bại đó thuộc về ba nhân tố chính: Nhà nước, thị trường và xã hội. Thông thường khi nói về bất bình đẳng kinh tế và các mặt khác người ta hay đổ nhiều cho cơ chế thị trường, nhưng ở Việt Nam cơ chế thị trường không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhà nước cũng có lỗi, có khiếm khuyết.

Xã hội cũng thế, đáng ra phải làm giảm khiếm khuyết của Nhà nước và thị trường nhưng nhân tố xã hội ở Việt Nam chưa đủ khả năng đóng góp. Nếu muốn thay đổi thì phải thay đổi cấu trúc ba thành phần này, các trụ cột làm đúng vai trò của mình mới giải quyết được.

 

Theo Giao Thông

Viết bình luận