Bài học từ chuyện khởi nghiệp thành công của cô bé 12 tuổi Doanh Nhân
Việc kinh doanh đến với Mikaila Ulmer một cách rất tình cờ. Năm lên 4, Ulmer đã bị ong đốt tới 2 lần chỉ trong 1 tuần. Khác với những đứa trẻ khác, cô bé quyết định tìm hiểu về loài ong và nhận ra những con ong có vai trò rất quan trọng trong việc thụ phấn và phát triển của cây cối. Thời điểm đó, Ulmer cũng nghe được thông tin rằng loài ong trong khu vực đang bị khủng hoảng bầy đàn.
Ulmer với sản phẩm nước chanh mật ong của mình
Cùng năm, bà của Ulmer sống tại Cameron, bang Nam California đã gửi tặng gia đình cô bé một cuốn sách dạy nấu ăn in năm 1940. Ulmer đã rất nhanh chóng tìm thấy công thức pha chế nước chanh đặc biệt và nảy ra ý tưởng pha chế nước chanh với mật ong của địa phương để giúp bảo tồn, phát triển loài ong.
Mùa thu năm đó, cha mẹ Ulmer đã khuyến khích cô bé pha nước chanh mật ong để tham gia cuộc thi kinh doanh dành cho trẻ em tại Hội chợ doanh nghiệp trẻ em Acton và Ngày nước chanh Austin. Chia sẻ với CNBC về cuộc thi đầu tiên trong cuộc đời này, Ulmer nói: “Lần đầu tiên bán nước chanh, cháu đã nghĩ “Đây chỉ là một cuộc thi thôi mà. Mình sẽ chỉ làm nó 1 lần, nhận tiền thưởng, tặng cha mẹ một ít, tiết kiệm một ít còn lại để mua đồ chơi thỏa thích”. Cháu cũng chẳng nhớ rõ cháu đã làm những gì nhưng cháu nhận ra rằng cháu thực sự rất yêu thích công việc pha chế này”.
Gian hàng bán nước chanh đầu tiên của cô bé
Sáu tháng sau cuộc thi, Ulmer cùng gia đình bắt đầu pha chế nước chanh để bán. Năm cô bé 7 tuổi, một cửa hàng pizza gần đó đã đặt mua sản phẩm nước chanh của gia đình cô với số lượng lớn. Công việc kinh doanh phát triển dần, từng bước mở rộng thị trường, cuối cùng, thương hiệu nước chanh mật ong “Me & the Bees” của Ulmer đã xuất hiện trong hệ thống siêu thị Whole Foods.
Nước chanh mật ong thương hiệu Me & the Bees bày bán trong hệ thống siêu thị Whole Foods.
Một thời gian ngắn sau đó, Ulmer tham gia chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank” nổi tiếng của đài ABC. Giám khảo cuộc thi, ông Daymond John đã đầu tư 60.000 USD để đổi lấy việc nắm giữ 25% cổ phần trong doanh nghiệp của Mikaila Ulmer. Chỉ 1 năm sau khi chương trình phát sóng, tỷ lệ tiêu thụ nước chanh mật ong đã tăng tới 231%.
Khởi nghiệp từ khi còn quá nhỏ, Mikaila Ulmer đã được cha mẹ giúp đỡ rất nhiều. Trong khi mẹ Ulmer phụ trách việc tiếp thị sản phẩm thì bố cô bé có trách nhiệm quản lý về tài chính của công ty. Ngoài ra, Ulmer cũng cần làm hết các bài tập về nhà, đảm bảo việc học như bao cô cậu bé cùng tuổi khác rồi mới được phép làm việc cho công ty của chính mình.
Ulmer và cha tại chương trình "Shark Tank"
Công việc chính của Ulmer tại công ty là giới thiệu sản phẩm tại các buổi triển lãn thương mại, tham gia phỏng vấn truyền thông, thuyết trình kinh doanh, kiểm tra email và đăng tải quảng cáo lên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy mới 12 tuổi nhưng cô bé đã được giới thiệu với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ và cũng từng được vinh danh tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ.
Hiện nay, nước chanh thương hiệu Me & the Bees đã được bày bán tại 20 quốc gia trên khắp thế giới. Trong năm 2016, lượng tiêu thụ nước chanh của công ty đạt hơn 300.000 chai. Ulmer dành 10% lợi nhuận thu được quyên góp cho các tổ chức từ thiện như Heifer International, Dịch vụ Công viên quốc gia và Trung tâm Lương thực Bền vững của Austin. Nói về tương lai, Mikaila Ulmer cho biết, cô bé đang có dự định mở rộng thị trường và phát triển thêm một số sản phẩm khác.
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, Mikaila Ulmer đưa ra 3 lời khuyên dành cho những người đang muốn start-up để kiếm tìm thành công:
1. Hãy bắt đầu từ sự đam mê
Mikaila Ulmer nói: “Đam mê nhiều khi còn quan trọng hơn những việc bạn làm, nó mang lại niềm hứng khởi cả trong và sau khi làm việc, có đam mê sẽ giúp bạn và công ty dễ dàng vươn tới thành công hơn. Đó là lí do tại sao trong kinh doanh, điều quan trọng mà mọi người thành công hướng tới không chỉ là kiếm được thật nhiều tiền mà còn là tìm thấy niềm vui trong công việc”.
2. Tin rằng bạn không hề cô đơn
“Rất nhiều người nghĩ rằng họ phải làm tất cả mọi việc một mình nên trong lúc khó khăn, họ không đề nghị được giúp đỡ. Điều quan trọng trong kinh doanh là đề nghị sự giúp đỡ và hợp tác từ mọi người. Hãy tin rằng, đằng sau bạn luôn có rất nhiều người sãn sàng dang tay ra lúc bạn gặp chuyện, vì thế, đừng sợ khởi nghiệp”.
3. Suy nghĩ như một đứa trẻ
“Giấc mơ lớn, hãy mơ những giấc mơ lớn nhưng cũng đừng quên ước mơ như một đứa trẻ. Khi trẻ con có một giấc mơ, chúng sẽ luôn muốn biến nó thành sự thật bằng mọi cách. Chúng không thấy bất cứ trở ngại nào ngáng đường và chỉ biết cố gắng hết mình để thực hiện mà không lo lắng quá nhiều. Đôi khi, bạn cần suy nghĩ và ước mơ như những đứa trẻ để có thể thiết lập mục tiêu lớn cho doanh nghiệp của mình”
Viết bình luận