Ðầu tư nâng cấp cảng cá và các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Đời Sống - Tiêu Dùng

Thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, luồng lạch ra vào các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão (KNĐTTTTB) nhằm tăng hiệu quả sản xuất thủy sản, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân là việc làm cần thiết, được tỉnh chú trọng.

Tàu cá của ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm. Ảnh: T. SỸ

Quá tải

Tỉnh ta hiện có 3 KNĐTTTTB lớn, gắn liền với các cảng cá trên địa bàn tỉnh, gồm KNĐTTTTB Tam Quan tại cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) sức chứa 1.400 tàu; KNĐTTTTB Đề Gi, tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (Phù Cát), sức chứa 1.500 tàu; và KNĐTTTTB tại cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), sức chứa 2.500 tàu.

Các KNĐTTTTB vừa là nơi mua bán sản phẩm và lấy tổn phục vụ khai thác thủy sản, vừa là điểm neo đậu tàu thuyền trú tránh bão của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, các KNĐTTTTB đã được quy hoạch, xây dựng khá lâu, qua thời gian sử dụng bị tác động bởi thiên tai, bão lũ nên nhiều KNĐTTTTB đã bị đất cát bồi lấp nặng. Hơn nữa, những năm gần đây, số lượng tàu thuyền công suất lớn trong tỉnh tăng nhiều; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, nên ngày càng nhiều tàu cá của ngư dân ra vào khu neo đậu, dẫn đến tình trạng quá tải.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, KNĐTTTTB tại cảng cá Tam Quan thường xuyên chứa đến trên 2.200 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Điều đáng lo ngại là luồng lạch ra vào khu neo đậu này thường bị bồi lấp, tàu cá ra vào thường bị mắc cạn, hư hỏng. Hơn 1/2 diện tích khu vực neo đậu tránh bão cũng đã bị đất cát bồi lấp nặng.

Còn KNĐTTTTB tại cảng cá Quy Nhơn, từ khi Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn xây dựng cầu cảng, bao bọc gần như toàn bộ cảng cá, làm cho diện tích mặt nước trong cảng bị thu hẹp, tình trạng quá tải cũng đã xảy ra. Luồng lạch ra vào khu neo đậu không còn thông thoáng như trước, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi ra vào, neo đậu bán sản phẩm và lấy tổn. Nhiều tàu cá không cập trực tiếp vào cầu cảng được mà phải cập vào mạn tàu khác, làm cho việc lên xuống hàng hóa rất vất vả và mất an toàn. KNĐTTTTB Đề Gi cũng đã xuống cấp và cũng đã bị bồi lấp khá nặng.

Chú trọng đầu tư nâng cấp

Trước tình trạng quá tải KNĐTTTTB trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh ta đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình dự án để đầu tư nâng cấp các KNĐTTTTB. Riêng KNĐTTTTB tại cảng cá Quy Nhơn, năm 2007 và năm 2011 tỉnh ta đã đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá này (nạo vét vũng đậu tàu; xây dựng bến liền bờ, lắp đặt trụ neo tàu trên bến liền bờ; xây dựng kè bảo vệ bờ; nhà tiếp nhận hàng; đường nội bộ, bãi để xe, hệ thống cấp - thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy và hệ thống điện). Nhờ vậy hạ tầng cảng cá Quy Nhơn khá hoàn thiện, tàu thuyền và các loại phương tiện khác ra vào cảng ngày càng nhiều, hoạt động mua bán thủy hải sản diễn ra khá nhộn nhịp.

Đối với KNĐTTTTB tại cảng cá Đề Gi, thông qua Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2012-2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tỉnh ta đã đầu tư trên 40 tỉ đồng nâng cấp cảng cá này. Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện các hạng mục: nâng cấp, mở rộng cầu cảng; xây dựng hệ thống đường, sân bãi nội bộ; hệ thống nhà phân loại sản phẩm; nhà sửa chữa ngư cụ; hệ thống điện nước và hệ thống xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu về tiếp nhận, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu thuyền của ngư dân. Đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng cho khoảng 3.000 lượt tàu cập cảng mỗi năm và nâng cao chất lượng phục vụ hậu cần nghề cá sau thu hoạch, góp phần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ngư dân vào neo đậu trú tránh bão.

Với KNĐTTTTB tại cảng cá Tam Quan, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo UBND Hoài Nhơn khẩn trương thuê doanh nghiệp nạo vét luồng lạch ra vào cảng cá và KNĐTTTTB. Đồng thời giao Sở NN&PTNT thuê đơn vị tư vấn quy hoạch bài bản khu neo đậu, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Trước mắt, huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để tiến hành nạo vét đất cát bồi lấp ở khu vực Cồn Rớ và xây dựng kè chống sạt lở ở Bãi Dài, làm theo hình thức cuốn chiếu, tạo thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc khu đóng mới tàu cá.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đã giao cho Sở GTVT nghiên cứu phương án xây dựng mới cầu Thiện Chánh, báo cáo UBND tỉnh xem xét. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí vốn nạo vét luồng lạch, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá, KNĐTTTTB tại cảng cá Tam Quan, nhằm đảm bảo phục vụ cho tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ.

Riêng về công tác quản lý, khai thác, ông Phan Trọng Hổ cho biết, nhằm phát huy hiệu quả các cảng cá và KNĐTTTTB, năm 2013, tỉnh ta đã thành lập Ban quản lý (BQL) cảng cá Quy Nhơn. Thời gian qua, BQL cảng cá Quy Nhơn hoạt động có hiệu quả, tàu cá của ngư dân ra vào neo đậu để bán sản phẩm, lấy tổn, trú tránh bão được bố trí, sắp xếp hợp lý. Đối với cảng cá Đề Gi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT giao cho BQL cảng cá Quy Nhơn tiếp quản cảng cá. Hiện Sở NN&PTNT đang hoàn thiện tổ chức, xây dựng đề án hoạt động và quy chế quản lý, khai thác cảng cá nói trên. Với cảng cá Tam Quan, tỉnh giao cho UBND huyện Hoài Nhơn thành lập BQL chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các tàu cá neo đậu. Đến nay, huyện Hoài Nhơn đã thành lập đề án và đang chờ Sở Nội vụ xem xét trình UBND tỉnh quyết định.    

PHẠM TIẾN SỸ, Báo Bình Định

Viết bình luận