Hướng về sắc màu Tết xưa quê hương Bình Định Đời Sống - Tiêu Dùng

Ðón Tết Bính Thân 2016, ngành văn hóa TP Quy Nhơn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa, mang đậm bản sắc cổ truyền và hướng đến cộng đồng. Các hoạt động nối tiếp nhau diễn ra suốt từ cuối tháng Chạp sang tháng Giêng.

Những cây nêu đã đem lại sắc màu tết xưa ở TP Quy Nhơn trong  Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền lần II - Xuân Ất Mùi 2015”.

1.

Đây là năm thứ 2 Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức Cuộc thi Làm bánh chưng, bánh tét, lấy thành phẩm dành tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. 21 phường, xã của Quy Nhơn tham gia cuộc thi ý nghĩa này, số lượng bánh quy định cho mỗi đơn vị để chọn mang ra thi, chấm điểm là 5 cặp bánh chưng, 5 đôi bánh tét, trọng lượng mỗi chiếc bánh là 1,5kg.

Các cán bộ Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tâm sự, cũng cuộc thi này Tết năm ngoái, hơn 300 hộ nghèo đã được nhận bánh tặng, trong số này có người đã khóc vì xúc động. Tuy giá trị vật chất của món quà họ nhận không đáng là bao, nhưng cảm giác an ủi, ấm áp vì được quan tâm, sẻ chia đến từ cộng đồng dành cho mình trong những ngày năm hết tết đến là rất lớn. Điều này đã trở thành động lực để năm nay Ban tổ chức tiếp tục nỗ lực vận động kinh phí cho chương trình.

Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn Lê Ngọc Anh cho biết: “Năm ngoái chúng tôi đã vận động được 60 triệu đồng, đang lo vì đến giờ, tuy anh em vẫn đang nỗ lực “gõ cửa” các cá nhân, tổ chức hảo tâm nhưng mới có khoảng 40 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi mong muốn phần quà cho mỗi hộ ngoài 2 cặp bánh cố gắng kèm thêm số tiền nho nhỏ để tăng tính thiết thực; để đạt mục tiêu này lượng kinh phí phải nhiều hơn, rất mong sự ủng hộ của tất cả Mạnh Thường Quân cho hoạt động ý nghĩa này”.

Theo kế hoạch, chiều 4.2 (nhằm 26 tháng Chạp), Cuộc thi Làm bánh chưng, bánh tét sẽ khai mạc, những nồi bánh chưng, bánh tét sẽ đỏ lửa suốt đêm, để sáng hôm sau tổ chức chấm điểm, trao giải và quan trọng nhất - tặng bánh ăn Tết. Không khí làm bánh chưng, bánh tét sẽ càng rộn ràng bởi quang cảnh Tết từ “Phiên chợ ngày xuân” - một chương trình mới của Trung tâm được bắt đầu đưa vào tổ chức dịp Tết này - cũng khai mạc cùng địa điểm (47 Nguyễn Huệ). Đến thời điểm này, đã có 20 gian hàng đăng ký, với các mặt hàng đặc trưng ngày tết: hoa, bánh - mứt, trầu - cau, nếp, đậu, lá chuối, lá dong, lạt tre, tranh Đông Hồ, tò he, thư pháp…

2.

Vào sáng 6.2 (28 tháng Chạp), Hội thi Dựng nêu đón Tết cổ truyền (lần 3) sẽ diễn ra tại bãi cỏ trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn. Đã 2 cái Tết, phố phường và bầu không khí Quy Nhơn được “tô điểm” bởi những cây nêu thân tre cao thẳng, xanh um ngọn giữa trời, tung bay cờ hội…, sự nhìn ngắm ấy đi từ lạ lẫm đến dần quen.

Cây nêu được dựng lên trong một thời điểm, dịp đặc biệt, thiêng liêng nhất trong năm - Tết - mang ý nghĩa trừ tà, thông thiên đất trời và cầu ước. Để tránh những chi tiết không phù hợp, trong quy chế Hội thi gửi 21 phường, xã, Ban tổ chức đã nêu rõ về mục đích, ý nghĩa phong tục, yêu cầu về vật liệu, nội dung trang trí. Song song với việc tổ chức Hội thi, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn còn chú trọng vận động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các hộ gia đình có điều kiện trên địa bàn thành phố cùng hưởng ứng phục dựng cây nêu tại nơi thờ tự và gia đình, cùng tạo nên nét xưa cho không gian đô thị.

Tết Bính Thân này, lần đầu tiên UBND phường Đống Đa tổ chức Hội thi Dựng nêu đón Tết cổ truyền dành cho 13 khu vực của phường. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hữu Phúc, với mong muốn tham gia bảo tồn một phong tục đẹp của dân tộc, trên cơ sở học tập “mô hình” tổ chức của thành phố, đây chính là hoạt động điểm nhấn trong chương trình phục vụ nhân dân vui xuân đón tết ở phường. Hội thi sẽ diễn ra vào sáng 25 tháng Chạp, địa điểm dựng nêu là từ sân UBND phường đi theo chiều dọc (sát mé núi) đến ngã ba Đống Đa.

3.

Tết năm nay, được sự cho phép của Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn, lần đầu tiên Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tổ chức ban ấn cho rộng rãi đạo hữu, du khách thập phương đến thăm Đền (tại 596/17 đường Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn).

Theo Trưởng Phòng VH-TT TP Quy Nhơn Lê Ngọc Anh, từ trước nay tại nơi đây chỉ tổ chức lễ khai ấn mà không tiến hành ban ấn rộng rãi đến đạo chúng. Nguyện vọng đạo chúng là Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Bình Định cũng tổ chức ban ấn như rất nhiều ngôi đền thờ Ngài trên khắp cả nước, thông qua đó thu hút đạo hữu, du khách thập phương đến với Đền, phát huy giá trị di tích và hiệu quả tạo nguồn thu xã hội hóa để phục vụ cho công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích sau này.

Ông Nguyễn Bá Đạt, thành viên Ban quản lý Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cho biết, trong ngày mùng Hai Tết, sau lễ khai ấn vào buổi sáng, từ 14h30 đến 20h30 là khoảng thời gian cao điểm Ban quản lý Đền tổ chức ban ấn, sau đó duy trì đến hết tháng Giêng nhằm tạo điều kiện cho người ở xa có nhu cầu xin ấn.

Chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ vui xuân đón tết trên địa bàn thành phố còn rất dài, với Đêm hội tháp Đôi và Hội đánh bài chòi dân gian, biểu diễn tuồng (cùng thời gian vào tối mùng Hai), biểu diễn cờ người (tối mùng Ba), Liên hoan múa lân - sư - rồng (tối mùng Bốn), hô hát bài chòi dân gian (từ mồng Sáu đến mùng Tám)…

SAO LY, Báo Bình Định

Viết bình luận