Về làng làm nghề đan ghế nhựa Đời Sống - Tiêu Dùng
Nghề mới
Căn nhà của chị Võ Thị Tư nằm sát đường liên thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng, lúc nào cũng chộn rộn tiếng cười nói của chị em, tiếng “tách”, “tách” ghim bấm. Cách đây 2 năm, chị Tư cùng 10 chị em khác trong xã được học lớp đan bàn ghế nhựa do Hội LHPN xã Cát Hưng và Công ty TNHH Hoàng Gia (CCN Cát Nhơn) tổ chức.
Sau khi thành thạo nghề, chị Tư được chọn để mở cơ sở làm hàng gia công cho Công ty TNHH Hoàng Gia và được hỗ trợ 1 máy nén khí, 4 súng bắn ghim để làm nghề.
Chị Tư kể: “Ban đầu, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, chồng không thể lo cho cả gia đình. Tôi nghĩ phải có cái nghề gì làm để đời sống gia đình khá hơn. Do đó, khi nghe tin có lớp học nghề, tôi xin đi học ngay. Sau khi học xong, tôi nhận hàng gia công về và rủ thêm mấy chị em trong thôn cùng làm. Ai chưa biết thì tôi hướng dẫn với mong muốn chị em có được việc làm, tăng thu nhập”.
Toàn xã Cát Hưng hiện có 6 cơ sở đan gia công bàn nghế nhựa như của chị Tư với gần 100 nữ lao động. Chị Nguyễn Thị Ngọc Diêu, Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Hưng cho biết: “Điều đáng mừng là 90% số lao động nữ này trước đây đều làm nghề thu mua ve chai ở TP Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Từ ngày có nghề mới, các chị, nhất là những người có con nhỏ, rủ nhau về nhà học và làm nghề, không đi làm xa nữa. Bởi đã có nhiều trường hợp, gia đình thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ nên con cái hư hỏng, bỏ học, chồng thì rượu chè, bài bạc, gia đình mất hạnh phúc. Giờ đây, đời sống kinh tế của các gia đình ổn định mà việc dạy dỗ con cái, tình cảm vợ chồng cũng tốt hơn”.
Tại thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, cơ sở đan ghế nhựa giả mây của chị Nguyễn Thị Nhàn có tới 25 lao động nữ. Chị Nhàn nhận gia công hàng cho các công ty ở TP Hồ Chí Minh; hai năm nay, hàng nhiều, cơ sở của chị tuyển thêm nhiều lao động nữ trong xã đến học nghề để cùng làm.
Chị Nhàn kể: “Các chị em làm việc ở đây được tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc con cái, lo việc gia đình. Lúc nào nhàn rỗi thì đến làm, thu nhập tính theo sản phẩm nên không mấy lo ngại. Vì vậy, nhiều chị em có hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn đã yên tâm chọn cách ở lại quê nhà làm ăn”.
Từ ngày làm nghề này, chị Phan Thị Dung, thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng có thể vừa chăm sóc con vừa có thêm thu nhập. |
Thu nhập ổn định
Nghề đan bàn ghế nhựa khá đơn giản và không nhọc công. Sau 10 ngày học nghề, chị em có thể nhận nguyên liệu (dây nhựa, khung ghế) về nhà đan, hoặc đến làm việc tại cơ sở. Tiền công đan bàn, ghế từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc tùy loại. Người giỏi nghề có thể đan được 3 chiếc/ngày. Thu nhập bình quân của thợ đan hàng nhựa giả mây khoảng 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phan Thị Dung, ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng là hộ nghèo trong xã. Trước đây, chị làm nghề mua bán ve chai ở TP Quy Nhơn. Khi có con, chồng bỏ đi, chị ở nhà với 1 sào ruộng, cuộc sống chật vật. Chị Dung kể: “Từ ngày làm ở cơ sở của chị Tư, tôi có thêm thu nhập, lại vừa trông nom được con cái. Thu nhập của tôi không cao như các chị em cùng cơ sở vì sức khỏe của tôi yếu nhưng cũng đủ cho hai mẹ con sống là vui lắm rồi”.
Tùy theo hoàn cảnh gia đình, người ta có thể xem đây là nghề chính hay phụ. Chị Nguyễn Thị Bích Liên, ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng là thợ giỏi, có thể kiếm được 4,5 triệu đồng/tháng; chị Trần Thị Hoa, ở thôn Trung Chánh, xã Cát Minh cũng thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng… Với mức thu nhập trên, lại có điều kiện ở nhà chăm sóc gia đình, cuộc sống của các nữ lao động ở các cơ sở nghề đan bàn nghế nhựa trở nên bớt vất vả, ổn định hơn nhiều.
Có thể nói, nghề đan bàn ghế nhựa khá phù hợp với nhiều lao động nữ ở nông thôn. Sau khi thuần thục nghề, chị em có thể tự dạy nhau, nhận nguyên liệu về nhà làm, giúp cải thiện thu nhập của gia đình.
HẢI YẾN , Báo Bình Định
Viết bình luận