Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động lò gạch thủ công Đời Sống - Tiêu Dùng
Nghề cho thu nhập chính
Chúng tôi đến xã Bình Nghi, nơi được mệnh danh là “thủ phủ gạch ngói” của huyện Tây Sơn bởi tập trung khoảng 50% số lò GNTC của cả huyện, chứng kiến không khí làm việc tất bật bao trùm nơi đây. Ở các lò GNTC, dưới trời nắng gắt, những người đàn ông, thoăn thoắt đào, xúc từng khối đất sét láng mịn đắp thành đống để chuẩn bị hôm sau ra gạch. Còn tại các lò gạch theo công nghệ Hoffman, các công nhân nữ cũng không ngơi tay khi gạch được chuyển liên tục từ máy ra băng chuyền. Công nhân làm việc ở các lò gạch đều cho biết, ngoài làm nông thì đây là công việc mang lại cho họ nguồn thu nhập chính.
Lao động đang làm việc tại một lò gạch nung Hoffman ở xã Bình Nghi. |
Trong khi các công việc nặng như làm đất, đốt lò, đứng máy thường là của đàn ông thì những công việc nhẹ hơn nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn là xếp dỡ, phơi gạch ngói thì do các nữ công nhân đảm nhận. Chị Phạm Thị Xuân, 47 tuổi, thôn Lai Nghi, cho biết: “Dân Bình Nghi mà không làm gạch thì biết làm gì. Không kể các chủ lò, nhiều người làm công thôi cũng có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Riêng tôi mỗi ngày bốc dỡ gạch được chủ lò trả khoảng 180 ngàn đồng”.
Với gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, 51 tuổi, thôn 2, thì khoản thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng từ việc làm đất, đốt lò của anh được chi dùng vào việc thuốc men cho vợ bệnh nặng và nuôi 2 con nhỏ đang đi học. “Mấy năm trước gia đình có máy chạy gạch, cuộc sống cũng đỡ, ngày được hơn 200 ngàn đồng. Nhưng năm ngoái do cần tiền cho vợ chữa bệnh và hai con học nên tôi đành phải bán máy, giờ phải đi làm công cho người ta. Nghe nói cuối năm các lò GNTC ngừng hoạt động thì không biết cuộc sống sẽ như thế nào đây”, anh Sơn than thở.
Tăng cường hỗ trợ chuyển đổi nghề
Theo thống kê của huyện Tây Sơn, đến nay toàn huyện đã thực hiện tháo dỡ, chấm dứt hoạt động 168 lò GNTC. UBND các xã đã chi trả tiền hỗ trợ đối với 168 lò GNTC với số tiền trên 2,887 tỉ đồng, gồm hỗ trợ tháo dỡ trên 1,6 tỉ đồng và hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động trên 1,2 tỉ đồng.
Anh Trương Văn Pha, 49 tuổi, nhà ở thôn 1 (xã Bình Nghi), người 20 năm gắn bó với công việc đốt lò, làm đất tại các lò gạch trên địa bàn xã, cho hay: “Lúc trước tôi làm ở lò GNTC, cuối năm 2014 xin vô được lò gạch Hoffman Thành Đạt. Công việc giống nhau nhưng từ khi vô đây làm thu nhập ổn định hơn so với trước. Hiện tại, tôi đang nhận khoán đốt lò, mức khoán là 110 ngàn đồng/cửa, ngày đốt 3 cửa. Nếu gạch chạy đều thì mỗi tháng tôi được khoảng 10 triệu đồng. Ở nông thôn mà thu nhập như thế này thì cũng đủ để chi phí cho cuộc sống”.
Bên cạnh việc hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh, hiện nay việc tìm hướng giải quyết việc làm cho những lao động đang làm việc tại các lò GNTC đang gặp nhiều khó khăn. Bởi phần lớn những lao động này đã lớn tuổi, trình độ thấp. Ngoài một số ít người được nhận vào làm ở lò gạch Hoffman như anh Pha, chị Xuân, số đông còn lại hầu như chưa có định hướng về việc chuyển đổi nghề nghiệp sau khi các lò GNTC sẽ bị xóa bỏ theo lộ trình.
Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 8 lò gạch nung Hoffman, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động tại địa phương. Vấn đề việc làm cho số lao động khi các lò GNTC còn lại chấm dứt hoạt động, ở cấp độ xã, chúng tôi chỉ có thể vận động đi học nghề, làm thủ tục đề nghị hỗ trợ họ vay vốn thông qua các kênh khác nhau để họ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống”.
Ở cấp huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan vận động, tuyên truyền các lao động thuộc đối tượng trên tham gia các lớp sơ cấp nghề với các nghề cơ bản như: may dân dụng, đan lát, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng bắp, nấm. Kết quả, trong hai năm 2014 và 2015, Phòng đã mở 18 lớp/400 học viên, dự kiến trong năm 2016 này sẽ mở 16 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 450 học viên.
Nói về hướng giải quyết việc làm cho lao động tại các lò GNTC, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Theo lộ trình của tỉnh, đến ngày 31.12.2016 sẽ chấm dứt hoạt động đối với các lò GNTC trên địa bàn huyện. Đối với những lao động này, ngoài chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề theo quy định của tỉnh, nếu ai có nhu cầu học nghề thì huyện sẽ lập danh sách mở các lớp dạy nghề miễn phí. Còn những ai có nhu cầu đi làm thì huyện giới thiệu với các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Nay mai, khi KCN Nhơn Tân - Bình Nghi đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ kêu gọi các công ty hoạt động tại đây ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc nhóm đối tượng này”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC, Báo Bình Định
Viết bình luận