Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn Đời Sống - Tiêu Dùng

Rừng được bảo vệ tốt hơn

Ông Nguyễn Đức Chiến, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) thuộc Sở NN&PTNT, đánh giá: “Sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh”.

Theo ông Chiến, hàng năm, tổng số tiền DVMTR do đơn vị thu được thông qua Quỹ BV&PTR Việt Nam điều phối lại và thu nội tỉnh từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đạt 4,5 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị giải ngân 85% số tiền thu được cho các chủ rừng có diện tích rừng thuộc các lưu vực thủy điện: Trà Xom, Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, An Khê- Ka Nak, Định Bình, Văn Phong… Riêng năm 2015, diện tích rừng được Quỹ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh lên đến gần 60.000 ha, gồm rừng ở lưu vực thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh trên 2.673 ha; lưu vực thủy điện Định Bình 50.748 ha; lưu vực thủy điện Sông Ba Hạ trên 2.293 ha; lưu vực thủy điện Trà Xom 2.800 ha; các lưu vực rừng cung ứng nước sạch và dịch vụ du lịch 200 ha. 

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn, cho biết: Mỗi năm, Quỹ BV&PTR tỉnh hỗ trợ công ty kinh phí để giao khoán QL-BVR đầu nguồn của thủy điện Trà Xom với diện tích rừng 2.800 ha. Đây là diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu, góp phần giữ nguồn nước cho hồ thủy điện này. Từ năm 2013 đến nay, nhờ đẩy mạnh việc giao khoán, công ty không phát hiện vụ phá rừng nào lớn trên diện tích rừng được giao khoán.

Đẩy mạnh thực hiện DVMTR

Theo ông Nguyễn Đức Chiến, việc thực thi chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/CP đã tạo nguồn tài chính mới, giảm áp lực chi từ ngân sách cho lĩnh vực BV&PTR. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nhận khoán QL-BVR đầu nguồn thuộc các lưu vực nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Trà Xom được chi trả tiền QL-BVR với mức khá cao, bình quân từ 400 - 450 ngàn đồng/ha/năm. Nhờ vậy, thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, nguồn chi từ DVMTR cũng đã hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương, các công ty lâm nghiệp bảo vệ tốt hơn diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên tại các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, chính sách này còn giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc BV&PTR. Từ đó, nhiều thôn, làng đã xây dựng hương ước, quy ước BVR. Bên cạnh đó, chuyên môn và năng lực quản lý của cán bộ BVR cũng được nâng lên thông qua các lớp tập huấn về công tác QL-BVR.

Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: Từ khi thực hiện chính sách DVMTR, các Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã yên tâm hơn khi rừng được giao đến từng hộ gia đình. Đặc biệt, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy tại lưu vực các hồ thủy điện giảm rõ rệt, số vụ vi phạm trong QL-BVR cũng giảm đáng kể. Trên địa bàn tỉnh không còn các tụ điểm lớn về phá rừng. Hầu hết các vụ vi phạm về phá rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái phép đều được cán bộ QL-BVR cùng người dân nhận khoán phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Trong năm 2016 này, dự kiến nguồn chi trả DVMTR của Quỹ BV&PTR trên địa bàn tỉnh khoảng trên 5,3 tỉ đồng. Với kinh phí trên, Quỹ sẽ tiến hành chi trả cho diện tích rừng thuộc lưu vực thủy điện Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Định Bình, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, An Khê - Ka Nak... Để việc chi trả DVMTR đúng đối tượng, đúng diện tích, đơn vị đang đẩy mạnh công tác rà soát xác định chủ rừng; đo đạc, nghiệm thu diện tích rừng tại các địa phương để có cơ sở chi trả chính xác, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn lực vững chắc cho công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Ðức Chiến, Phó Giám đốc Quỹ BV-PTR: Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nhờ đẩy mạnh giao khoán QL-BVR, người dân đã gắn cuộc sống của mình với rừng, tự giác hơn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Nhiều thôn, làng ở các xã vùng cao đã xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình trạng phá rừng, cháy rừng giảm đáng kể, tỉ lệ độ che phủ rừng tăng theo từng năm. Rừng đã tạo tiền đề cho người dân phát triển KT-XH, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại địa phương.

NGUYỄN HÂN, Báo Bình Định

Viết bình luận