Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh: Sẵn sàng các phương án PCLB cho hệ thống thủy lợi Đời Sống - Tiêu Dùng

Ðối với các hồ chứa lớn, Công ty đã lên phương án vận hành, điều tiết theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ.

Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Cát Trinh (Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN HÂN

Sửa chữa, nâng cấp 35 hạng mục CTTL

Hiện nay, Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định được UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ an toàn 15 hồ chứa nước lớn với tổng dung tích gần 458 triệu m3 nước cùng 24 đập dâng lớn trên sông Côn, sông Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang; 850 km kênh mương và hàng ngàn công trình trên kênh; phục vụ tưới tiêu cho trên 110 ngàn ha lúa và hoa màu mỗi năm.

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cùng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí của Trung ương, nhiều CTTL xung yếu do Công ty Khai thác CTTL tỉnh quản lý đã được tu sửa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên việc tu sửa chưa triệt để, vẫn còn nhiều CTTL đang xuống cấp. Nhiều hồ chứa nước bị rò rỉ ở hệ thống cống lấy nước; tràn xả lũ không đảm bảo; một số đập dâng trên sông bị xói lở mái hạ lưu, vai đập; kênh mương cấp 1, cấp 2 phục vụ tưới tiêu bị sạt lở nặng do chịu ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định, cho biết: Đáng lo nhất trước mùa mưa lũ năm nay là hệ thống cống lấy nước hồ chứa nước Núi Một dung tích chứa 110 triệu m3 nước nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) bị rò rỉ nước; phần bê tông tháp cống bị bong tróc, lão hóa, gây thấm nước hai bên mang cống, có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn. Hệ thống đập đất của hồ chứa nước Hội Sơn, trên địa bàn xã Cát Sơn (Phù Cát) cũng đang bị xuống cấp do tình trạng người dân thả bò bừa bãi trên thân đập chính. Ngoài ra, nhiều hạng mục CTTL trên các hệ thống sông Côn, La Tinh, Lại Giang, Hà Thanh cũng bị hư hỏng khá nghiêm trọng cần được nâng cấp, sửa chữa kịp thời.

Nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi, trước mùa mưa lũ năm nay, từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí của Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư nguồn kinh phí 14 tỉ đồng để sửa chữa, tu bổ, nâng cấp thường xuyên 35 hạng mục lớn - nhỏ thuộc các CTTL trên địa bàn tỉnh và nạo vét kênh mương, đảm bảo an toàn cho các CTTL trước khi mùa mưa lũ đến. Hiện nay, Công ty đang triển khai sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương Bờ Máng thuộc hệ thống tưới Thạch Đề (thị xã An Nhơn), vốn đầu tư 1,3 tỉ đồng; kiên cố kênh N8 hệ thống tưới Thạnh Hòa, vốn đầu tư 1,4 tỉ đồng; kiên cố kênh phía Nam Gò Đậu thuộc hệ thống tưới Tháp Mão (huyện Tuy Phước), vốn đầu tư trên 1,7 tỉ đồng; kiên cố hệ thống kênh tưới Suối Tre (huyện Phù Cát), vốn đầu tư 600 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, hiện nay, các đơn vị thi công đang thực hiện kiên cố trên 24 km kênh tưới hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn), vốn đầu tư gần 58,52 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa 26,4 km kênh tưới đập Lại Giang (Hoài Nhơn), vốn đầu tư gần 63,79 tỉ đồng; sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hội Khánh và hệ thống kênh tưới xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ), vốn đầu tư gần 50,7 tỉ đồng; kiên cố 17 km kênh thuộc hệ thống kênh tưới Văn Phong, vốn đầu tư trên 62,92 tỉ đồng.

Chủ động các phương án PCLB

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục CTTL bị xuống cấp, Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định đã kiểm tra toàn bộ các hồ chứa nước, đập dâng và hệ thống kênh mương, lập phương án PCLB phù hợp với tình hình thực tế mỗi công trình theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”. Công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai cho các công trình hồ chứa, chuẩn bị vật tư, phương tiện ở từng công trình xung yếu. Tại các công trình hồ chứa lớn như Định Bình, Hội Sơn, Thuận Ninh, Vạn Hội, Hòn Lập, Long Mỹ, Tà Niêng, Hà Nhe, Suối Tre, hệ thống đập dâng và kênh tưới Văn Phong, Công ty đã xây dựng phương án PCLB, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm: Công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa trước, trong và sau các đợt mưa lũ trong mùa lũ năm nay cũng được công ty đặc biệt quan tâm. Riêng quy trình vận hành, điều tiết nước tại các hồ thủy điện: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xom 1 và 3 hồ chứa nước lớn như: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh được đơn vị thực hiện theo Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 21.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh. Nguyên tắc vận hành điều tiết nước tại các công trình nói trên được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du; đảm bảo công trình đầu mối; góp phần cắt lũ ở khu đầu nguồn các sông lớn.

Trong suốt thời gian xảy ra mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn của Công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có CTTL phân công lực lượng trực tổ chức kiểm tra thường xuyên 24/24 giờ các hạng mục công trình, báo cáo tình hình ứng phó cho cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các công trình đập dâng trên sông, khi bước vào mùa mưa bão, đơn vị tiến hành tháo mở hết các ván phai đập, tổ chức phát dọn cây cối, khai thông dòng chảy nhằm tiêu thoát lũ an toàn, tránh nguy cơ xảy ra sự cố.

NGUYỄN HÂN , Từ báo Bình Định

 

Viết bình luận