PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn: Khởi nghiệp là chương trình dành cho tất cả sinh viên Đời Sống - Tiêu Dùng

Trao đổi với PV Báo Bình Định, PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, khẳng định đây là một chương trình dài hơi, sẽ ngày càng được hoàn thiện để hướng sinh viên đến việc tự thân lập nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.

Các tân cử nhân của Trường Đại học Quy Nhơn.

* Chương trình khởi nghiệp đã được nhiều trường đại học trong nước tiến hành vài năm qua, vì sao đến giờ Trường ĐH Quy Nhơn mới quan tâm, thưa ông?

- Đúng là đã có nhiều trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa. Khởi nghiệp từ lâu đã trở thành một môn khoa học rồi. Không chỉ các trường có chương trình đào tạo các ngành kinh doanh mà cả các chương trình đào tạo kỹ sư theo định hướng ứng dụng cũng có học phần khởi nghiệp. Bởi, suy cho cùng, sinh viên tốt nghiệp ra trường luôn có mong muốn lớn nhất là có việc làm, từ đó tạo ra của cải, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, trong đó có bản thân và gia đình mình.

Trong xu thế đó, trong các cuộc họp giữa lãnh đạo nhà trường với Thường vụ Đoàn thanh niên, Hội sinh viên bàn về nội dung hoạt động công tác Đoàn năm 2016, đã đặt ra vấn đề phải tổ chức chương trình khởi nghiệp với mục đích cơ bản là làm cho mọi sinh viên muốn khởi nghiệp, dám khởi nghiệp và biết cách khởi nghiệp thành công. So với nhiều trường đại học ở một số tỉnh, thành phố lớn, đến giờ Trường ĐH Quy Nhơn mới khởi động việc này cho sinh viên là chậm hơn họ. Tuy nhiên, cùng với Chương trình Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Bình Định, tôi cho đây là thời điểm thích hợp để tiến hành mọi việc bài bản, hiệu quả.

* Nói đến khởi nghiệp, không ít người cho rằng, đối tượng chủ yếu là sinh viên các ngành kinh tế…

- Nghĩ vậy là không đúng đâu. Hệ sinh thái khởi nghiệp gắn liền với tất cả các lĩnh vực khác nhau.Vì vậy, không chỉ sinh viên các ngành kinh tế mà sinh viên ở mọi ngành đều hưởng lợi.

Khác với một doanh nghiệp bình thường, doanh nghiệp khởi nghiệp (Start up) là nơi nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ý tưởng mà thị trường có nhu cầu, nhưng chưa thấy ai cung cấp hoặc cung cấp chưa tốt. Sinh viên của trường chưa có ý tưởng, hoặc có ý tưởng nhưng không dám làm, không biết cách làm để thành công thì chương trình khởi nghiệp sẽ giúp các em thấy được những nhu cầu còn bỏ ngỏ của thị trường, cung cấp kiến thức để các em tự tin tiếp cận và biết cách làm hiệu quả.

PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ

* Vậy cho đến nay, Trường ĐH Quy Nhơn đã làm gì và khi nào chương trình Khởi nghiệp của trường được khởi động?

- Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể cho việc này. Trước hết, nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của khởi nghiệp trong sinh viên để họ nghe, hiểu, thấy có lý và tích cực tham gia. Tiếp đó là tổ chức những buổi tập huấn về cách khởi nghiệp. Rồi đến những buổi hội thảo bàn về các chiến lược khởi nghiệp, lựa chọn lĩnh vực hướng sinh viên theo. Ví dụ, Bình Định đang nỗ lực phát triển du lịch thì có thể gợi mở đến việc thiết kế các sản phẩm du lịch.Cần có hội thảo, đưa ra lĩnh vực cụ thể, để tránh việc nói chung chung thì một là mơ hồ và hai là không đạt được mục tiêu chung trong phát triển tổng thể.

Trường ĐH Quy Nhơn đang tính toán tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên với sự kết hợp của các thành tố trong hệ sinh thái gồm các ban ngành của tỉnh, doanh nghiệp… Dự kiến, tháng 9.2016, trường sẽ phối hợp với Sở KH&CN tổ chức cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Quang Trung và các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Tỉnh đoàn cũng vừa gửi cho chúng tôi kế hoạch phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu-Khởi nghiệp.

Khác với một doanh nghiệp bình thường, doanh nghiệp khởi nghiệp (Start up)là nơi nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ý tưởng mà thị trường có nhu cầu, nhưng chưa thấy ai cung cấp hoặc cung cấp chưa tốt

 

Nhà trường còn có ý tưởng sẽ thông qua Tỉnh đoàn, gợi ý thêm đối tượng tham gia là thanh niên các phường, xã trong tỉnh. Đối tượng này đến với chúng tôi, tham gia các buổi tập huấn, hội thảo và sẽ thu nhận được những thông tin bổ ích vì có thể họ cũng muốn khởi sự kinh doanh nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Trên tinh thần đó, khởi nghiệp là một câu chuyện tốt cho từng đối tượng một, là một chương trình dài hơi chớ không phải là phong trào (thường phồng lên rồi xẹp xuống - cười). Thật ra, trước nay, trường đã tổ chức thường niên cuộc thi “Tài năng sinh viên” và các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì ý tưởng của khởi nghiệp sát với thực tế nhu cầu xã hội hơn nên sẽ dễ được xã hội tiếp nhận. 

Chúng tôi xác định, nhà trường sẽ không thực hiện chương trình khởi nghiệp một mình mà phối hợp, kết hợp với Sở KH&CN, Tỉnh đoàn, các đơn vị liên quan để chương trình này thực sự hiệu quả, trong đó, ĐH Quy Nhơn sẽ cung cấp nguyên liệu chính là các ý tưởng của sinh viên.

Thông qua việc này, chúng tôi cũng nhận ra lâu nay ĐH Quy Nhơn chưa đẩy mạnh việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp không chỉ trong tỉnh mà còn trong phạm vi cả nước. Một chương trình khởi nghiệp bài bản, hiệu quả sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp khắp nơi đến với trường, tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC TÚ (Thực hiện)

Ở nước ta, từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Gần đây, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng cũng đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển. Trong các diễn đàn khác nhau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rất rõ vai trò kiến tạo và phục vụ của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề khởi nghiệp.

 

Từ Báo Bình Định

Viết bình luận