Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông Đời Sống - Tiêu Dùng

Vịn là một trong những bản khó khăn nhất của xã Yên Thắng cũng như toàn huyện Lang Chánh. Nằm cách trung tâm xã khoảng 10km, lại biệt lập sau những dãy núi cao, lũ trò nghèo vùng cao ở đây không thể đến trường ở trung tâm xã học chữ. Bản có 105 hộ dân, để tạo điều kiện cho học sinh được học chữ, lớp học bậc tiểu học và mầm non được thành lập ngay giữa bản Vịn. Năm học mới 2016 - 2017 này, bản Vịn có 20 cháu ở bậc học mầm non và 48 học sinh bậc tiểu học.

Con sông Âm chảy vắt ngang qua chia bản Vịn thành hai làng mà bà con vẫn gọi tên là Vịn “trên” và Vịn “dưới”. Để tránh tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, lớp học dựng lên ở Vịn “trên”, nơi có 34 hộ dân. Cũng vì lẽ đó mà muốn đến được trường, con em của 71 hộ dân ở Vịn “dưới” lại phải lội qua sông.

Cô giáo Lò Thị Tuyền, người đã “cắm bản” suốt 14 năm qua, cho biết: “Ở lớp học mầm non do cô phụ trách, có tất thảy 20 cháu. Hàng ngày, các cháu ở Vịn “dưới” đến trường đều phải có người đưa qua sông. Không có cầu, nên dân làng góp lại bắc một chiếc cầu bằng ván gỗ cho bà con và học sinh qua sông. Thế nhưng, mỗi khi trời mưa, nước sông dân cao, chảy xiết, những chiếc ván tạm bợ cũng bị cuốn trôi. Những lúc như thế, học sinh chỉ còn cách phải lội sông hoặc chờ bố, mẹ hay giáo viên cõng các em qua”.

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 1.

Giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông dự khai giảng - Ảnh: Thanh Hoàng

Điều kiện ở điểm trường Vịn vô cùng khó khăn, đường xá đi lại rất vất vả, bản cũng chưa có điện lưới quốc gia. Điểm trường lẻ này chỉ có 1 giáo viên là người bản Vịn, giáo viên dạy ở bản đều phải điều từ khu chính ở trung tâm xã Yên Thắng vào dạy tăng cường. Những hôm trời mưa to, nước sông dân cao, các thầy, cô giáo phải huy động bà con dân bản khiêng xe máy qua sông, qua suối để vào trường đi dạy.

Chuyện học sinh mầm non và tiểu học ở bản Vịn cũng như các thầy cô giáo hàng ngày phải vượt sông Âm đến trường đã diễn ra từ bao năm nay. Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, nhưng các thầy, cô giáo ở đây vẫn luôn đến tận các gia đình trong bản động viên phụ huynh cho con, em được đến trường. Cũng do điều kiện quá khó khăn, thiếu thốn, nên cô giáo Lò Thị Tuyền đã vận động bà con trong bản đóng góp vật liệu và công sức để làm đồ chơi cho các cháu. Vật liệu để làm cầu trượt, thang leo, đu quay, bập bênh… đều được “sáng chế” bằng thân cây luồng. Dù chưa đáp ứng hết được nhu cầu vui chơi của học sinh nhưng những đồ chơi tự tạo đã phần nào thỏa cơn “khát” đồ chơi của lũ trò nghèo bản Vịn.

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 2.

Trẻ em bản Vịn hàng ngày phải vất vả qua sông đến trường bất chấp nguy hiểm - Ảnh: Thanh Hoàng

Đã bao nhiêu năm nay, không chỉ người dân trong bản, mà các thầy, cô giáo cũng như học sinh ở đây luôn mơ ước có một cây cầu bắc qua sông Âm, nối liền Vịn “trên”, Vịn “dưới”. Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh tâm sự: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có rất nhiều điểm trường khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, điểm trường bản Vịn là một trong những nơi đang rất cần Nhà nước đầu tư xây dựng cho một cây cầu treo qua sông Âm, để các em học đến trường an toàn”.

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 3.

 

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 4.

 

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 5.

 

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 6.

Giáo viên hàng ngày phải vất vả khiêng xe qua suối để vào bản dạy học - Ảnh: Thanh Hoàng

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 7.

Là một bản tách biệt, thầy cô nơi đây phải tự làm đồ chơi cho học sinh, từ cầu tuột đến bập bệnh - Ảnh: Thanh Hoàng

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 8.

Con đường lầy lội dẫn vào bản Vịn - Ảnh: Thanh Hoàng

Ngày khai giảng, giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông - Ảnh 9.

Giáo viên vất vả khiêng xe qua sông dạy học - Ảnh: Thanh Hoàng

Từ Công an TPHCM

Viết bình luận