Hát Mãi Ước Mơ: Lắng đọng tình nghệ sĩ ở Viện dưỡng lão Quận 8 Đời Sống - Tiêu Dùng

Đi sâu vào một con hẻm yên tĩnh trên đường Âu Dương Lân, quận 8, Tp HCM, Viện dưỡng lão dành riêng cho các nghệ sĩ sân khấu dần dần hiện ra. Khuôn viên xanh, không khí thanh tịnh tách biệt với cái xô bồ của thành phố hiện đại. Đây chính là nơi đang cưu mang hơn 20 mảnh đời nghệ sĩ tuổi xế chiều.

Những người bạn già nương tựa vào nhau mà sống, âu cũng là điều hạnh phúc cuối đời.

Các nghệ sĩ lẫy lừng một thời, thần tượng của biết bao thế hệ giờ đây đã là những cụ ông, cụ bà tóc điểm bạc, mắt mờ, chân run. Cái còn sót lại từ thuở xuân thì có lẽ chính là giọng hát và thần thái sân khấu mà không nhiều nghệ sĩ trẻ có được. Mỗi con người, mỗi số phận nương tựa nhau sống qua ngày nhờ khoản tiền trợ cấp ít ỏi. Đó quả thực là một nỗi xót xa cho những cái tên vang bóng một thời. Ở đây, các cụ che nắng che mưa trong những căn phòng nhỏ vỏn vẹn vài mét vuông, một cái giường và một cái tủ quần áo nhỏ. Trên tường, họ dán đầy những kỷ vật, những bức ảnh ghi dấu những mốc son chói lọi trong sự nghiệp. Mỗi năm, viện dưỡng lão đón thêm người mới cũng là khi họ nói lời chia tay với một nghệ sĩ nào đó đã ra đi mãi mãi. Ai có thể ngờ được rằng, đằng sau ánh hào quang rực rỡ của sân khấu lại là góc khuất nghẹn ngào đến thế.

CAC NGHE SI O VIEN DUONG LAO 1

Nghệ sĩ Ngọc Bê, cháu nghệ sĩ Phùng Há – người sáng lập ra nơi này có thể nói là một trong những thành viên lâu năm nhất của Viện. Bà năm nay đã gần 80 tuổi. Cả tuổi trẻ bà rong ruổi khắp nơi trên đất nước, đi đến đâu người hâm mộ bao vây đến đó, xin chữ ký, tặng quà… đủ cả. Bà đi theo nhiều đoàn lớn bé như Thanh Chung, Ngọc Nga… Khi còn hoạt động ở gánh hát, bà rất thích sáng tác và đàn, nhiều tác phẩm của bà được các gánh khác sử dụng lại. Thế nhưng… quá khứ thì cũng đã qua rồi. Bà cảm thán: “Chúng tôi giờ chẳng còn là những ngôi sao sáng giữa sân khấu nữa, mà chỉ còn là những ánh sáng le lói chờ tắt của ngọn đèn dầu”. Đời nghệ sĩ nó là như thế, chỉ thực sự tỏa sáng khi trên đỉnh vinh quang, còn sau cánh gà thì “nát” lắm. Bà cũng chia sẻ may mắn là được vào đây để ở cùng với các nghệ sĩ khác, cùng ôn lại kỉ niệm, cùng cất tiếng hát cho nhau nghe những đêm rằm. Âu cũng là điều hạnh phúc cuối đời người nghệ sĩ ban tặng.

“Với người nghệ sĩ, tiền chỉ là phù du. Người ta sống với nhau vì nghề, vì nghiệp…”

Nhắc đến sự hào hoa, phóng khoáng của người nghệ sĩ Nam bộ, chẳng ai qua được họa sĩ Đặng Hoài Nam. Ông năm nay đã ngoài 80, dáng đi lom khom nhưng tinh thần vẫn rất hào sảng, chất giọng đầm ấm, lạc quan pha chút tếu táo. Thời trẻ với ông là những cuộc rong chơi bất tận, một phần cũng vì gia đình chia ly sớm do chiến tranh loạn lạc. Ông mê vẽ nhưng làm gì có tiền đi học như người ta. Để thỏa đam mê, ông xin vào trang trí phông màn sân khấu cho đoàn kịch nổi tiếng Năm Châu và gắn sự nghiệp với sân khấu cải lương từ dạo đó. Kinh qua hết những đoàn cải lương như Thủ Đô, Út Bạch Lang – Thành Được, Kim Chung, danh tiếng của ông ngày càng một lan rộng. Sau đó, ông còn lấn sân điện ảnh khi dựng cảnh cho hàng loạt bộ phim nổi tiếng lúc bấy giờ như Nghêu sò ốc hến, Bàn thờ tổ với cô đào, Lan và Điệp… Cũng chính vì sự lãng tử, “mê chơi” đó mà ông chẳng buồn lấy vợ. Giờ đây, khi nhìn lại chẳng có lấy một gia đình, không con cái, sức khỏe cũng chẳng còn, ông tìm đến Viện dưỡng lão như một chốn nghỉ ngơi trong những ngày cuối đời, trước khi về với ông bà tổ tiên. “Với người nghệ sĩ, tiền chỉ là phù du. Người ta sống với nhau vì nghề, vì nghiệp chứ chẳng ai gắn bó với nghệ thuật vì tiền cả” – câu nói của người họa sĩ già quả thực có sức đánh động. Liệu, còn ai mang câu nói đó làm kim chỉ nam, hay vì “cơm áo gạo tiền” làm mờ mắt, quên đi đi những giá trị nghệ thuật thực sự?

CAC NGHE SI O VIEN DUONG LAO 2

Đã nói đi thì cũng phải nói lại, cũng có những trường hợp hiếm hoi sống được với nghề cho đến từng tuổi này của cuộc đời, đó chính là nghệ sĩ Thiên Kim. Tóc bà đã bạc phơ nhưng vẫn khá đắt show truyền hình, mặc dù chỉ là vai phụ. Tuy đồng lương cát xê chả đáng là bao nhưng với bà đó là niềm vui, là sự may mắn vì vẫn còn giữ được lửa với nghề. Bà có đến 5 đứa con trưởng thành, cháu chắt đầy nhà nhưng cuộc sống con cháu vẫn còn khổ cực, bà quyết định vào đây ở, phần vì sợ phiền con cháu, phần được sống với anh em bạn bè. Mỗi khi có cảnh quay, bà đều bắt xe ôm đi diễn rồi quay lại Viện dưỡng lão trong ngày. Nếu hỏi rằng bà có mệt không, có muốn nghỉ ngơi không, bà không ngần ngại lập tức trả lời: “Còn diễn ngày nào là hết mình với nghề ngày đó, chỉ có tình yêu với nghề mới giúp bà thấy khỏe hơn”.

Mỗi con người, mỗi số phận, đều quá khó khăn mới vào đây. Tuy vậy, họ đều cảm thấy bản thân đã quá may mắn. Hàng ngày, những người bạn già nương tựa vào nhau mà sống, vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần thì vẫn còn “sung” lắm. Thi thoảng, các cụ vẫn chạnh lòng, day dứt vì còn hàng trăm nghệ sĩ ngoài kia chật vật với cuộc sống nhưng vẫn chưa được hỗ trợ.

Trong thế giới showbiz đầy xô bồ, vẫn còn đó cái tình nghệ sĩ ấm áp, giản đơn

Anh Nguyễn Tấn Lợi là một người mến mộ cải lương lâu năm. Ngày còn nhỏ, anh được xem cô chú biểu diễn và mê mệt sân khấu từ đó. Đến với mảnh đất Sài Gòn đã được 8 năm, anh kiếm sống bằng việc đi hát đám tiệc. Chẳng nề hà tiệc đám cưới, đám giỗ, thôi nôi hay đầy tháng, anh đều nhận lời để có thu nhập, lo cho vợ và hai đứa con thơ. Mặc dù công việc đi hát mưu sinh còn lắm bấp bênh, anh vẫn kiên trì vì trót mê hát, mê sân khấu đến mức khó mà dứt ra được. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ là anh lại đến Viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ ở quận 8, Tp HCM để thăm hỏi và nghe các cô, chú nghệ sĩ tại đây biểu diễn. Khi được giới thiệu với chương trình Hát Mãi Ước Mơ, anh có đôi chút băn khoăn, phần anh muốn hát cho người vợ bị thoát bị đĩa đệm, không đi làm được suốt 10 năm nay, phần thương cho số phận những nghệ sĩ già sống trong cảnh khổ cực. Suy đi nghĩ lại anh quyết định hát giúp đỡ các thành viên tại Viện dưỡng lão.

TAN LOI

Tấn Lợi tự tin cống hiến hết mình qua các bản nhạc Tình anh bán chiếu, Ly rượu nghĩa tình, Xuân đời con có mẹ. Anh được nhận xét sở hữu giọng ca đầy cảm xúc, kết hợp cùng cách diễn, cách pha trò đậm chất nghệ sĩ khiến ban giám khảo và khán giả theo dõi từng câu hát của anh, tò mò xem diễn biến câu chuyện tiếp theo như thế nào. Anh xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trị giá 50 triệu đồng. Giám khảo Trấn Thành chia sẻ nỗi lòng của bản thân với tư cách là một người nghệ sĩ: “Cái nghề này theo anh là khổ biết chừng nào mà người ta cứ cắm đầu vô, có những cái không giải thích được, nó là cảm xúc, nó là đam mê, nó là lý tưởng sống. Khi chứng kiến trên màn hình, NSƯT Ngọc Hương chua xót: “Tôi không nghĩ là sẽ vô đây. Tôi muốn đi hát, dầu cho thế nào, tôi dứt khoát muốn chết trên sân khấu”, Trấn Thành bật khóc vì câu nói này cũng là nguyện vọng anh từng bày tỏ trước đây. Có lẽ, đối với bất kỳ ai đã trót mê ánh đèn sân khấu, họ đều muốn chết trên đúng cái nơi mà tâm hồn thăng hoa nhất. Cái tình nghệ sĩ mà Tấn Lợi mang lại tuy nhỏ nhưng sức lan tỏa của nó rất đáng được trân trọng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, có khán giả lắng nghe đã là điều hạnh phúc

Khi đã bước vào Viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ này, tức là họ đã không còn con đường nào khác để đi.NSƯT Diệu Hiền buồn bã: “Tất cả đều là nghệ sĩ nhưng mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng tay trắng, cũng xong hết rồi mới vô đây”. Nghệ sĩ Hoài Nam cũng khắc khoải: “Hết rồi, cái này đường cùng rồi, còn đường là còn muốn đi”. Tủi thân là thế nhưng họ cũng dần quen với cuộc sống ở đây, thậm chí cảm thấy vui và nhớ da diết khi có việc đi đâu vài ngày. Mỗi năm hai lần, Viện dưỡng lão đều đặn tổ chức đêm diễn trên sân khấu cho các cô, chú biểu diễn, phần nào vơi bớt nỗi nhớ nghề. Các mạnh thường quân cũng thường xuyên lưu tới thăm hỏi, động viên khiến các cụ rất vui.

TAN LOI 1

Đối với các nghệ sĩ ở tuổi xế chiều, vật chất bây giờ chẳng có ý nghĩa gì lắm, có chăng là để giúp đỡ cho con, cho cháu. Điều khiến các cụ hạnh phúc nhất đó chính là có khán giả đến nghe mình hát. Mỗi khi có đoàn sinh viên hay nghệ sĩ nào ghé thăm, các cụ chộn rộn đón tiếp, chuẩn bị những bài cải lương hay thật hay để phục vụ khán giả. Niềm vui tuổi già đơn giản chỉ có thế. Có thể thấy đâu đó giữa mảnh đất Sài thành hoa lệ, niềm đam mê với nghề của những nghệ sĩ ở tuổi bên kia sườn dốc khiến cho thế hệ trẻ nối bước phải khắc khoải nhiều nỗi niềm suy tư.

Sau những ồn ào, thị phi của showbiz về cách ứng xử, đối nhân xử thế giữa các thế hệ nghệ sĩ thì câu chuyện của anh Tấn Lợi như một làn gió mới cuốn trôi hết xô bồ của showbiz những ngày qua. Tình nghệ sĩ, đặc biệt là giữa những thế hệ khác nhau vẫn tồn tại bình dị và an nhiên như thế.

Tập 6 chương trình Hát Mãi Ước Mơ sẽ lên sóng vào lúc 20g30, thứ Tư, ngày 31/05/2017 trên kênh HTV7.

Mai Thủy - VDTOnline.vn

Viết bình luận