Người thầy vùng biên giới bỏ phố thị nuôi 7 học sinh nghèo Đời Sống - Tiêu Dùng
Cuộc sống hiện đại sung túc, với mỗi chúng ta một bữa tiệc đầm ấm vào đầu năm là điều dễ làm, tuy nhiên đó lại là ước muốn xa xỉ của nhiều người. Trong đó có người thầy giáo 13 năm dám bỏ phố thị để ở lại vùng núi xa xôi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lặng lẽ gieo chữ và lấy đồng lương ít ỏi nuôi học trò nghèo.
Trường tiểu học B An Hảo điểm phụ tọa lạc tại ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tịnh An Giang. Ngôi trường nhỏ với chỉ 5 phòng học và khoảng 70 học sinh nằm lọt thỏm giữa 2 dãy núi cao sừng sững là núi Cấm và núi Dài.
Một ngày cách đây 13 năm, thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Thắng đã vô cùng hồ hởi, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiểu học tại Đại học An Giang đến với trường tiểu học B An Hảo, ngôi trường đầu tiên mình được phân bổ về. Thế nhưng, mọi sự tưởng tượng ban đầu nhanh chóng tan biến để nhường chỗ cho một thực tế khác: Một ngôi trường nghèo lụp xụp và thiếu thốn về mọi thứ, kể cả điện cũng không có. Lúc ấy, chàng thanh niên trẻ định bụng sẽ cố bám trụ 3 năm rồi chuyển về 1 ngôi trường nào đó có điều kiện tốt hơn. Ấy thế mà thời gian thấm thoát trôi, miền đất nghèo này lại có những điều níu chân người thầy giáo trẻ ngày nào suốt 13 năm trời...
Thầy tâm sự: “Điểm xuất phát từ nhà nông đi lên, mình luôn cố gắng học để thành tài, và khi lên đây thì mình thấy nó cũng giống một phần nào mình của ngày xưa. Cộng thêm là mình nghĩ tới các em, nghĩ tới học trò, nơi đây tuy buồn thật nhưng khi được bên lũ trẻ mình cảm thấy thời gian trôi rất nhanh, chẳng còn khoảng thời gian cho mình suy nghĩ về sự cô đơn hay cảm thấy lạc lõng nữa.”
Ông Huỳnh Văn Xem, bảo vệ trường tiểu học B An Hảo và là người gặp thầy Thắng từ những ngày đầu tâm sự: “Mới đầu tiên thấy còn đứt ruột hơn, có cái nhà lá bề ngang chừng 3 mét, dài chừng 4 mét. Thầy Thắng được phân công xuống đây đích thân tôi mở chìa khóa, dọn dẹp cho nó nghỉ, nhớ hôm đó trời mưa nước ngập ngang đầu gối, ấy vậy mà đến tận bây giờ nó vẫn còn miệt mài với mấy đứa nhỏ”.
Trải lòng về lí do ở lại suốt 13 năm qua để nuôi dạy trò nghèo, thầy Thắng nói: “Tôi muốn giúp đỡ, xóa bớt cái nghèo khổ về vật chất và tri thức mà các em ở đây đang gặp phải, từ đó các em có niềm hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp hơn, sau này giúp đỡ mọi người nhiều hơn”.
Thầy Thắng được mọi người gọi vui là “Gà trống nuôi con”, bởi ngoài việc dạy học ở trường, thầy còn dùng tiền lương của mình để nhận nuôi 5 em học sinh tại trường là Bảo, Trí, Linh, Thắng, Lượm và 2 anh em mồ côi người Khmer (Neang Thương, Chau Tha) tại xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, cách trường 20 km.
Không ai có thể nghĩ tới việc một người thầy lại có thể hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho học trò nơi biên giới xa xôi này. Ông Xem bày tỏ cảm xúc về thầy Thắng: “Ai làm gì làm, nó tối ngày cặm cụi lo cho mấy đứa học sinh thân yêu, nó không hề nghĩ tới danh lợi cho bản thân, nó làm được thì nó vẫn làm, rồi ngày mai nhịn đói cũng được. Như ông tiên vậy”.
Với đồng lương ít ỏi của giáo viên, trang trải cho cuộc sống của bản thân còn gặp nhiều khó khăn, để lo lắng cho 7 “đứa con” nhiều khi thầy Thắng phải ứng trước lương rồi trừ lại vào tháng sau. Ấy vậy mà người thầy vẫn lạc quan nói: “Điều đó với mình không quan trọng, quan trọng là các em được đến trường, học được con chữ”.
“Thầy cũng như người cha bất đắc dĩ vì trẻ em nghèo ở vùng quê mà thầy đã gắn bó với nơi đây, chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ cho từng đứa trẻ”, cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên trường tiểu học B An Hảo xúc động nói.
Em Lượm, một trong 7 học sinh được thầy Thắng nuôi dạy chia sẻ: “Con học lớp 5, con học buổi sáng, trưa con ở lại trường ăn cơm với thầy Thắng, thầy nuôi con được 6 năm rồi. Thầy rất tốt với con, thầy lo cho con và các bạn từng bữa cơm, giấc ngủ và dạy chúng con học bài, thầy hớt tóc và tắm cho con, mua sách vở, dép và quần áo cho con”. Do điều kiện dân cư thưa thớt, không tập trung, các em xem trường là một trung tâm giải trí của khu vực này. Vì lẽ đó, dường như các em thích đến trường hơn, có bạn bè để chơi đùa và có người thầy yêu thương.
Em Đoàn Thị Trúc Linh, học sinh lớp 5B, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha bị bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng đã 8 năm, mẹ mắc bệnh nặng nhiều năm nay. Trúc Linh nói về người thầy, “người cha” của mình: “Con thích ở trường, vì ở trường có bạn để chơi, có thầy. Thầy cũng hay lên thăm ba mẹ con, giúp đỡ cha mẹ con. Con biết ơn thầy vì thầy lo cho các con ăn học. Con ước mơ sau này trở thành cô giáo dạy vẽ”.
Nếu không phải tình yêu thì ắt hẳn sẽ không thể có được sự chăm sóc chỉn chu đến như vậy, không chỉ là tình yêu đối với các em học sinh mà thầy còn quan tâm, giúp đỡ với người dân nơi xã nghèo này.
“Hai chị em buổi sáng nấu mì ăn rồi đi học, buổi trưa nấu cơm ăn, có gì ăn đó, có khi ăn cơm với đường cũng không chừng, nói chung cũng vô chừng lắm. Tôi cũng cảm ơn thầy nhiều, nhờ thầy mà hai đứa này được tiếp tục đi học. Nói chung là cảm xúc dành cho thầy rất là nhiều.” – Chị Ngô Thị Nguyễn Quyền, mẹ em Linh nghẹn ngào và rươm rướm nước mắt chia sẻ.
Nói về cuộc sống của mình, thầy Thắng lạc quan: “Đôi khi trong cuộc sống có những vấn đề phát sinh mà mình không thể lường trước được, có những tối nằm nghĩ mình cũng không nghĩ sẽ làm được những điều này. Về một nơi hẻo lánh công tác, cuộc sống không đảm bảo mà giờ mình gánh thêm được vài đứa con, bản thân mình cũng rất ngạc nhiên và đôi khi ngồi nghĩ mình tự cười bản thân một mình.”
Chia sẻ về ước mơ đầu năm mới, ngoài việc mong muốn các em khoẻ mạnh, đến trường học giỏi và trường sẽ có điện để các em tiếp cận với tri thức dễ dàng hơn, thầy còn bộc bạch mong muốn đã lâu của mình nhưng chưa làm được: “Nhiều khi muốn tổ chức bữa tiệc đúng nghĩa cho đàn con của mình nhưng điều kiện cũng không cho phép nên mình vẫn chưa làm được”.
Ở ngôi trường nghèo này, việc đảm bảo bữa ăn mỗi ngày từ đồng lương ít ỏi của giáo viên đã khó. Vì vậy mà mong muốn tổ chức một buổi tiệc tân niên dành cho 7 đứa con nghèo để các con có một bữa ăn ngon đầu năm, trò chuyện vui vẻ và gắn kết tình cảm thầy trò nghiễm nhiên trở thành một nhu cầu xa xỉ…
Thấu hiểu được điều này Chương trình Bốn mùa yêu thương đã cùng thầy Thắng bắt tay vào thực hiện một bữa tiệc đơn giản dành cho 7 trò nghèo. Không khí ngôi trường nhỏ trở nên hân hoan, háo hức, những nụ cười trong trẻo hiện trên gương mặt của từng em. Không khí Tết bắt đầu tràn về với ngôi trường thân yêu ở vùng biên giới xa xôi. Một bữa tiệc tân niên ấm cúng dành cho những đứa con nghèo đã trở thành hiện thực. Những ánh mắt ngây ngô, những nụ cười hạnh phúc đã nhanh chóng xua tan đi không khí tịch mịch của ngôi trường nghèo. Vì với các em ở đây, một bữa ăn ngon cũng đã khiến các em cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết vào đầu năm mới.
Cùng ngồi lại trò chuyện, các em đã gửi đến thầy một món quà bí mật mà trước đó đã âm thầm chuẩn bị. Đó là những lá thư cảm ơn người thầy đã cưu mang, nuôi dưỡng các em trong những năm qua.
Em Bảo, một trong những “đứa con” của thầy viết: “Năm nay thầy đã dạy con nên người, con chúc thầy khoẻ, ăn nhiều, niềm vui và chơi với bà con làng xóm. Con hứa sẽ học cho tốt, rồi sẽ thương thầy.”
Đây là lần đầu tiên thầy Thắng được nghe tình cảm của các con dành cho mình, những lời chia sẻ ngô nghê của từng đứa trẻ đã chạm đến trái tim của người thầy. Vì với các em, tình yêu chưa bao giờ được nói lên bằng lời.
Một năm mới lại về, người thầy giáo nghèo vẫn sẽ miệt mài với sự nghiệp trồng người thiêng liêng mình đã chọn. 7 đứa con của thầy, dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng vẫn sẽ giữ được niềm tin vào tương lai do người thầy, người cha của mình trao tặng. Và như thế, câu chuyện tràn đầy tình yêu thương sẽ còn được viết thêm nhiều hơn nữa.
Mai Thủy - VDTOnline.vn
Viết bình luận