30 ĐÔI VỢ CHỒNG KHUYẾT TẬT VÀ GIA ĐÌNH HỌC CÁCH NGĂN CHẶN BẠO LỰC GIA ĐÌNH Đời Sống - Tiêu Dùng

Ngày 16-17.04, nhóm dự án MY D-EARS và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam đã thực hiện chương trình “Ngôn Ngữ Yêu Thương” cùng 30 anh chị em, đôi vợ chồng thuộc nhiều dạng khuyết tật vận động khác nhau như tay, chân, chấn thương cột sống. Tại đây, họ đã cùng nhau tìm hiểu về các nguồn cơn dẫn đến bạo hành và cách chuyển hoá bạo hành, tiêu cực thành sự thấu cảm và yêu thương.

Sau làn sóng Covid-14 lần thứ tư, người khuyết tật là một trong những đối tượng bị tổn thất nhiều nhất khi gần 1 triệu người trong độ tuổi lao động mất việc làm. Gánh nặng kinh tế chồng chất khiến căng thẳng trong gia đình họ ngày một trầm trọng và nhiều phụ nữ khuyết tật phải trở thành nạn nhân của bạo hành từ chính bạn đời. Bên cạnh đó, áp lực từ sự cấm cản của gia đình và con cái cũng là điều khiến mâu thuẫn giữa các cặp đôi khuyết tật thêm trầm trọng. Đó cũng chính là vấn đề mà anh Quang Trung – chị Tuyết Mai gặp phải. Chưa biết cách bày tỏ suy nghĩ của mình, anh Trung và Chị Mai từng đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và cho rằng bạn đời đang đặt lên mình nhiều cảm xúc tiêu cực, sự kềm hãm. Qua 4 buổi thực hành sự nhẫn nại và bày tỏ với ngôn ngữ yêu thương, họ đã biết cách đặt mình vào vị trí của người khác và không ngần ngại bày tỏ tình yêu dành cho nhau.

Trong 2 ngày, chương trình “Ngôn Ngữ Yêu Thương” đã trang bị cách giải toả căng thẳng và mâu thuẫn bằng thấu cảm và đối thoại đến 30 anh chị em và vợ chồng khuyết tật. Tại đây, người tham gia được các chuyên gia khai vấn hướng dẫn để nhìn nhận lại những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn, nguồn cơn dẫn đến bạo hành giữa người khuyết tật và gia đình. Đặc biệt, các chuyên gia xã hội từ dự án đã truyền đạt về những khó khăn, bất bình đẳng về học tập, công việc mà phụ nữ khuyết tật phải đối mặt để các học viên thấu hiểu rõ hơn. Họ được hướng dẫn cách sống chậm lại, làm quen với việc bày tỏ suy nghĩ của chính mình – điều người khuyết tật vốn không có nhiều cơ hội và biết cách để chia sẻ đến người khác.

Người khuyết tật và gia đình cũng được học cách chuyển hoá hành động bạo lực bằng những việc làm tích cực hơn như quan tâm, thăm hỏi và chia sẻ việc làm trong gia đình lẫn kinh tế. Các học viên còn được cập nhật kiến thức về các giải pháp mới trên thế giới và tại Việt Nam về bảo vệ phụ nữ khuyết tật khỏi bạo lực. Không những thế, các học viên còn được thực tập cách xử lý khủng hoảng – mâu thuẫn không bạo lực trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Tôi và gia đình vốn không quen dành thời gian để đối thoại, cứ để những mâu thuẫn tích tụ mà chẳng tìm cách giải quyết. Chương trình tập huấn đã giúp tôi và người thân sống chậm lại, không xấu hổ khi nói thẳng suy nghĩ của mình để hiểu nhau nhiều hơn”.

Sau chương trình, các đôi vợ chồng khuyết tật sẽ được các chuyên gia khai vấn hướng dẫn “1:1” giải quyết các khúc mắc đang gặp phải. Việc ngăn chặn mâu thuẫn – bạo hành phải đến từ sự cố gắng từ hai phía. Người thân cần thấu hiểu cho thành viên khuyết tật và chính người khuyết tật cũng phải chủ động hơn trong khả năng của mình, không chỉ là người nhận hỗ trợ để giảm bớt áp lực cho gia đình. Chị Lan Hương, thành viên nhóm dự án “My D-Ears” chia sẻ: “Sự mộc mạc, chân thành, cởi mở để chia sẻ và tiếp nhận những điều mới mẻ của họ khiến tôi được tiếp sức và được truyền cảm hứng. Chứng kiến sự thay đổi tích cực của từng cặp đôi sau mỗi buổi tập huấn cho tôi thêm hy vọng về những ngày hạnh phúc của những gia đình yêu thế, của phụ nữ yếu thế mà họ hằng mơ ước.”

Nhóm dự án cho biết sẽ còn nhiều hoạt động trong thời gian tới vì việc chuyển hoá tâm lý – hành vi để phòng chống bạo hành gia đình là một quá trình cần thời gian. Nhóm dự án “My D-ears” bao gồm các thành viên Đinh Thị Lan Hương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Hoàng An, Nguyễn Mai Anh và Phạm Diệp Linh hiện đang công tác trong lĩnh vực phát triển xã hội, khai vấn tâm lý và truyền thông. Lấy tên “My D-ears” – dự án mong muốn trở thành đôi tai (ears) lắng nghe người khuyết tật (D mang nghĩa disabilities – các dạng khuyết tật) và giúp cộng đồng khuyết tật dùng đối thoại – truyền thông để vượt qua bạo lực gia đình.

Bin Bin (VDTonline.vn)

Viết bình luận