‘Cuộc đời phía trước’ - Những suy ngẫm về giáo dục của Krishnamurti và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống Đời Sống - Tiêu Dùng
“Cuộc đời phía trước” (tựa gốc “Life Ahead”) tập hợp nội dung từ các buổi diễn thuyết mà Krishnamurti dành cho những bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học và rồi sẽ giáp mặt với cuộc đời.
“Tất cả cái gọi là ‘giáo dục’ này là gì?”, Krishnamurti mở đầu bằng lời chất vấn, “Đâu là lý do cho tất cả công cuộc phấn đấu này - phấn đấu để học hành, để thi cử, để sống xa nhà? Lẽ nào thầy cô không nên giúp các em truy vấn tất cả mọi điều này, thay vì chỉ chuẩn bị cho thi cử sao?”
Vị triết gia, nhà tư tưởng người Ấn Độ cật lực chỉ trích nền giáo dục cũ kỹ, băng hoại. Từ đó, ông trình bày về môi trường học tập đúng nghĩa mà trong đó, người học trò không phải học trong sợ hãi, không bị so sánh, không nuôi dưỡng tham vọng thành đạt.
“Giáo dục không chỉ đơn thuần là nhồi nhét thông tin, kiến thức vào trí não, giáo dục phải giúp học sinh hiểu mà không sợ hãi cái mênh mông phức tạp của cuộc sống này”, một nền giáo dục chân chính, theo Krishnamurti, sẽ giúp học sinh vượt qua nỗi sợ để sống và tư duy trong tự do. Đó cũng là năng lực cốt lõi duy nhất giúp mỗi người tự tin giáp mặt cuộc đời.
Nỗi sợ trong giáo dục tạo nên những “cái máy”
Thi cử, đánh giá, những bảng điểm xếp loại học sinh; kỷ luật, so sánh, khen thưởng; những điều được-làm và không-được-làm mà người trẻ phải chịu từ cha mẹ, trường học, xã hội... tất cả những điều này đều bị Krishnamurti gọi là “sự cưỡng bách”.
Sự cưỡng bách hiện diện dưới nhiều hình thái khác nhau, nhưng rốt lại, đều “đánh” vào nỗi sợ hãi và dung dưỡng tham vọng trong mỗi cá nhân. “Không phải các em cảm thấy bụng dạ đau thắt lại khi phải thi cử sao?”, Krishnamurti đặt câu hỏi, “Các em không thấy thần kinh căng thẳng, lo âu sao? Các em có biết thử thách đó tác động lên các em suốt đời ra sao không?”
Nỗi sợ hãi, như ta đang thấy, giam hãm người học trò trong khuôn khổ của kiến thức, tư tưởng, giáo điều… Vì sợ hãi, người học dễ rơi vào lệ thuộc, sao chép, vâng lời.
Sợ hãi cũng tạo thành tham vọng. Khi sợ sệt, khi bị so sánh lẫn nhau, học trò cố làm mọi thứ chỉ để nhận về cái nhìn hài lòng và sự ban thưởng. Khi trưởng thành, người đó cũng sẽ chọn nghề nghiệp vì lòng tham chứ không phải vì họ yêu những gì mình chọn.
Và chính sợ hãi làm con người mất đi năng lực truy vấn và khám phá mọi thứ một cách độc lập. Quá trình tư duy của họ lẫn cách nhìn cuộc sống đều bị giới hạn trong một ranh giới vô hình. “Tất cả những thứ đó tạo thành một loại rào giậu, rồi các em sống trong đó; và khi sống trong phạm vi rào giậu kín bưng đó, các em nói các em đang sống tự do, phải không? Người ta có thể nào được tự do trong lúc đang sống trong tù ngục không?”, nhà tư tưởng đặt câu hỏi.
“Toàn bộ nền giáo dục của ta không là gì ngoài việc nuôi dưỡng và củng cố thêm nỗi sợ hãi. Điều đó thật quá sức khủng khiếp, phải không?”, J. Krishnamurti.
Nền giáo dục chân chính sẽ tạo nên con người tự do
Trong “Cuộc đời phía trước”, ngôn từ của Krishnamurti thẳng thừng, sắc bén, đôi lúc đầy gay gắt khi chỉ trích lối giáo dục cũ kỹ, “phi nhân tính” hiện hành - điều gần như tất cả chúng ta đều đã hoặc đang trải qua.
Krishnamurti cho rằng việc học đúng đắn nhất thiết phải bắt đầu từ việc gạt phăng đi nỗi sợ; người học cần được đắm mình trong bầu không khí an toàn, thoải mái, giàu tình yêu từ thầy cô.
Bên cạnh đó, chính mỗi học sinh phải biết bất mãn, biết tự phản kháng. “Các em không phải là một cục bột để nhào nặn, các em không phải là một loại thạch cao để đổ khuôn”, ông gay gắt. Theo Krishnamurti, người học phải không ngừng để ý chính mình để nhận ra nỗi sợ xuất phát bên trong lẫn từ môi trường bên ngoài.
Khi nỗi sợ hãi không còn, những thiên tính, xúc cảm và sự nhạy cảm nơi người học mới được đánh thức. Họ sẽ nhìn thấy được những năng lực đích thực sâu xa của mình, sẽ làm việc vì lòng yêu thích thật tâm chứ không phải vì tham vọng.
Đồng thời, một người không sợ hãi sẽ có đủ cởi mở và sáng tạo để đối mặt với những vấn đề, sự kiện tức thời - và họ cũng sẽ giáp mặt cuộc đời bằng một trí não biết truy vấn cùng lối tư duy tự do như thế. Cuộc sống này tựa như dòng sông, không ngừng trôi chảy, không bao giờ đứng yên, chỉ có sự nhạy cảm và tự do mới giúp ta đối mặt được với dòng sông ấy, chứ không phải khuôn khổ hay kiến thức nào.
Và người tự do chính là người có trí tuệ thực sự, theo Krishnamurti, là “con người được phát triển toàn diện” mà mọi hệ thống giáo dục cần hướng đến.
Trong sự học đích thực, vai trò của sự tĩnh lặng nội tâm rất quan trọng. Bởi theo Krishnamurti, một trí não tịch lặng thì mới sáng suốt để nhìn thấy nỗi sợ hãi của chính nó, thấy được cái vô lượng của đời sống cũng như từng vấn đề trước mắt, “thấu hiểu ‘cái đang là’, cái thực tế và không ngừng truy vấn để khám phá sâu hơn, xa hơn, rộng hơn”.
Qua 23 chương sách, người đọc sẽ đối mặt với những câu hỏi đầy thách thức từ Krishnamurti về cốt lõi của việc giáo dục cùng những vấn đề liên quan khác, như: lựa chọn ngành học, bằng cấp, sự cộng tác giữa phụ huynh và nhà trường, trách nhiệm kiếm sống, cái đẹp, phẩm chất của tình yêu…
Đây là cuốn sách mà bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng cần đọc qua một lần, để những câu chữ tuôn tràn của Krishnamurti thúc ép họ suy nghĩ rốt ráo về con đường họ đang đi lẫn cuộc đời họ sắp sửa chạm mặt. “Cuộc đời phía trước” cũng là tác phẩm cần thiết với bất cứ thầy cô, phụ huynh hay nhà làm giáo dục nào, những người chịu trách nhiệm cho “bầu không khí không sợ hãi” quanh những học trò.
Sau rốt, cuốn sách này hữu ích cho tất cả chúng ta, những người học với nghĩa rộng nhất của từ này, cũng là những cá nhân luôn muốn trở nên tự do trên mọi bình diện để tự tin đối mặt với những thử thách không ngừng của cuộc sống.
Về J. Krishnamurti
Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất. Nhưng chính Krishnamurti tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.
Trong gần 60 năm, Krishnamurti đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người, ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe.
Ông thường bàn về các chủ đề mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”, “Thế giới trong bạn”...
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận