Chân dung vị tướng tình báo bí ẩn Ba Quốc qua lời kể của nhà báo Hoàng Hải Vân Đời Sống - Tiêu Dùng
Tác giả - nhà báo Hoàng Hải Vân đã gặp gỡ giao lưu với độc giả về cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” xoay quanh những câu chuyện chưa kể về vị tướng tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc), trong chương trình Tuần lễ Sách của những người làm báo tại Đường sách TP.HCM.
Với văn phong báo chí đầy kịch tính và cách dẫn chuyện tài tình khéo léo, cuốn sách lôi cuốn bạn đọc qua những câu chuyện tình báo hấp dẫn của ông Ba Quốc trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt.
“Sinh thời, ông Ba Quốc không hé răng nửa lời về hoạt động của bản thân trong giai đoạn sau năm 1975, còn những người khác trong mạng lưới tình báo trước năm 1975 thì không biết. Nên chỉ có tướng Vịnh là người duy nhất có thể cung cấp thông tin về ông trong giai đoạn này”, nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ với bạn đọc về hành trình viết nên cuốn sách.
Cái khó khi viết về nghề tình báo
Trong hơn 20 năm hoạt động “trong lòng” địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.
Ông cũng là một trong những vị tướng tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.
Vì lẽ đó nên viết về nhà tình báo Ba Quốc là chuyện rất khó, bắt nguồn từ đức tính khiêm nhường của ông. Nhà báo Hoàng Hải Vân nhớ lại, “cách đây hai mươi năm, qua sự kết nối của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có duyên may được gặp chú Ba Quốc. Tuy nhiên, lúc gặp, ông từ chối chia sẻ. Ông nói hãy để câu chuyện của ông rơi vào quên lãng, không có gì đáng viết. Sau đó, tôi đã nhờ nhiều nhà tình báo lão thành thuyết phục như ông Ẩn, ông Mười Nho nhưng ông Ba Quốc đều lắc đầu.
Cuối cùng, tôi nhờ tướng Nguyễn Chí Vịnh, lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục II, và là người học trò gần gũi xuất sắc nhất của ông Ba Quốc. Anh Vịnh đưa tôi đến gặp ông Ba Quốc và ‘bảo lãnh’ tư cách của chúng tôi, thì ông Ba Quốc mới đồng ý để chúng tôi viết về ông”.
Trong quá trình trao đổi, nhà tình báo Ba Quốc cũng chỉ kể cho nhà báo Hoàng Hải Vân nghe một cách vô cùng khiêm tốn về những hoạt động của mình, bởi những nhà tình báo tuy có thể nói rất chính xác về những việc đã xảy ra, nhưng lại rất ít khi nói về bản thân mình.
“Muốn viết về ông Ba Quốc rất khó, tôi phải gặp tất cả những người có liên quan, từ gia đình hai bên cho đến người giao liên năm xưa mới có thể dựng được một bức tranh tương đối đầy đủ về hoạt động của ông trước năm 1975”, nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ.
Những bài học quý về nghiệp vụ tình báo
Từ nguồn tư liệu dày công thu thập được, nhà báo Hoàng Hải Vân đã ghi lại những điệp vụ mà ông Ba Quốc từng thực hiện trong suốt quãng thời gian hoạt động tình báo, từ giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Quốc vương Norodom Shihanouk cho đến việc xóa sạch tất cả các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc, hay cung cấp về tổng hành dinh những báo cáo quân sự quan trọng của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn...
Trong đó, sự kiện mà ông Ba Quốc cho là nguy hiểm nhất là giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ. Tuy nhiên, vào thời điểm câu chuyện được công bố, nhiều người, trong đó có gia đình Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, không tin vào việc này cho đến khi thông tin được Tổng cục II xác nhận. Sau đó, nhà báo Hoàng Hải Vân cùng tướng Vịnh, và lãnh đạo báo Thanh Niên đã đến gặp gỡ, giải thích với gia đình ông Nguyễn Văn Linh về câu chuyện này.
Chia sẻ trong buổi giao lưu, nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết, cái hay của người làm tình báo là họ không có kẻ thù riêng. Họ làm thất bại những mưu đồ phá hoại Tổ Quốc nhưng vẫn có những bạn bè ở bên kia chiến tuyến. Ông Ba Quốc là một trong những người như vậy.
Nói thêm về điều này, nhà báo Hoàng Hải Vân nhớ lại câu chuyện mà tướng Phạm Xuân Ẩn kể với ông năm xưa, về số phận của những nhà tình báo Việt Nam làm cho CIA sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Khi được hỏi các ông sẽ đi đâu sau khi Mỹ rút quân về nước, đa phần các nhà tình báo Việt Nam làm cho CIA đều trả lời rằng họ sẽ tiếp tục đi theo Mỹ. Cũng có người nói họ sẵn sàng ở lại Việt Nam, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là một người nói rằng ông căm thù Cộng Sản và quyết theo Mỹ tới cùng cho dù phải ở lại “tử thủ” tại Việt Nam. Khi tuyên bố như vậy, người này bị đuổi khỏi CIA, bởi theo như ông Ẩn, “người làm tình báo không nuôi lòng căm thù”.
Thông qua 36 câu chuyện thấm đẫm tình nhân nghĩa, “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” chứa đựng nhiều bài học quý báu không chỉ về nghiệp vụ tình báo mà còn về cách đối nhân xử thế, những quan điểm và thái độ sống mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi.
Bên cạnh đó, tám bài viết kể về những hoạt động sau năm 1975 của ông tướng tình báo Ba Quốc còn là những di sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự - chính trị Việt Nam mà ông và các bậc tiền nhân truyền lại cho thế hệ sau. Không chỉ vậy, cuốn sách còn chứa đựng nhiều bài học về nghệ thuật lãnh đạo, đặc biệt là về tầm quan trọng của lòng dân.
Tại buổi giao lưu, bạn đọc Huỳnh Văn Chung (TP.HCM) đã bày tỏ sự mến mộ trước những nỗ lực của nhà báo Hoàng Hải Vân trong quá trình thu thập thông tin và đưa sự thật đến với độc giả. “Điều mình ấn tượng nhất có lẽ là những chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả về nghiệp vụ tình báo với các bạn sinh viên, mà một trong số đó là nguyên tắc ‘trung thực tuyệt đối với sự thật’ mà nhà báo Hoàng Hải Vân nhắc đến”, anh Chung cho biết.
Yếu tố trung thực cũng là điều mà nhà báo Hoàng Hải Vân luôn nhắc đến khi viết về chân dung các anh hùng tình báo. Từ những câu chuyện hậu trường phía sau cuốn sách, ông khẳng định, loạt ký sự về ông Ba Quốc không viết uốn nắn theo chỉ đạo của ai cả. Điều này cũng giống như đức tính chính trực của nhà tình báo Ba Quốc khi không báo cáo theo khẩu vị cấp trên, dù cấp trên đó to cỡ nào. Sự chính trực đó bao gồm lòng tin tưởng và sự khiêm nhường đối với nhân dân và đồng đội, lòng tin đối với sự nghiệp mà ông lựa chọn để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Sức hấp dẫn của dòng sách tình báo Việt Nam
Nhà báo viết sách không còn là điều xa lạ, nhưng nhà báo viết sách về nhà tình báo ở Việt Nam không nhiều, có thể nói là hiếm, đặc biệt khi viết về những vị tướng “kín tiếng” tài ba. Vì tính chất nghề nghiệp, lực lượng tình báo gần như phải luôn giữ kín thân phận và nhiệm vụ của mình. Sách báo viết về đơn vị này cũng như về những tướng lĩnh tình báo vô cùng ít ỏi.
Là một trong những đơn vị phát hành nổi tiếng với những cuốn sách gây tiếng vang về nghề tình báo, như X6 – Điệp viên hoàn hảo, Một người Việt trầm lặng (viết về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn), mới đây First News đã giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” hồi tháng 4/2023. Tác phẩm nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của bạn đọc và được tái bản chỉ sau hai tháng phát hành.
Điều này cho thấy dòng sách về tình báo rất có giá trị trong lòng bạn đọc Việt Nam. Bản thân các tình tiết, câu chuyện trong dòng sánh này đều bắt nguồn từ những chất liệu lịch sử chân thực đầy độc đáo mà các nhà văn không thể tưởng tượng ra nổi.
Tại buổi giao lưu, nhà báo Hoàng Hải Vân khẳng định, các tác phẩm viết về đề tài lịch sử - chính trị không khô khan, khó hiểu như nhiều người nghĩ. Nếu biết cách kể, những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng hấp dẫn người đọc. Và hấp dẫn nhất là đọc thực lục, tức là những câu chuyện hằng ngày. Nhưng thực lục của lịch sử Việt Nam ít khi được phổ cập.
Ông đánh giá lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng cái chúng ta đưa cho người đọc không phải là sự hấp dẫn mà là những khuôn mẫu, công thức dưới dạng chuyên khảo dành cho các nhà nghiên cứu. “Nếu lịch sử mà được viết thành câu chuyện thì theo tôi sẽ rất hấp dẫn”, nhà báo Hoàng Hải Vân nhắn nhủ.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận