[Clip]Câu Chuyện Cuộc Sống: Tự ti - Nỗi nguy hại vô hình Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống như kiên định trong suy nghĩ, dạy con ứng xử khi đến nhà người khác, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoạt động cộng đồng.
Trào lưu flexing và những giá trị tích cực từ người trẻ
Flex trong tiếng Anh có nghĩa là uốn cong, tuy nhiên từ này được nhiều bạn trẻ sử dụng với hàm ý chỉ sự khoe khoang, thể hiện một điều gì đó đặc biệt mà mình có theo hướng tích cực. Trào lưu flexing ban đầu được hưởng ứng đông đảo bởi những bài viết khoe thành quả học tập, khoe sự thành công mà mình đạt được sau những nỗ lực vượt khó, dần dần với sự sáng tạo của giới trẻ, trào lưu này còn gây sự chú ý với những màn khoe đầy duyên dáng, mang lại sự tích cực, vui vẻ.
“Đây là dịp để những người trẻ có cơ hội thể hiện bản thân, nhờ có trào lưu này để tôi có thể biết còn rất nhiều bạn trẻ có xuất phát điểm bình thường, nhưng bằng sự nỗ lực và cố gắng mà họ đã tạo nên những điều phi thường, điều đó tạo cho tôi rất nhiều động lực để cố gắng hơn nữa”, chị Nguyễn Mai Hương (Quận 6, TP.HCM) nhận xét.
So với các trào lưu khác, Flex thể hiện rõ sự hài hước của cộng đồng mạng. Không chỉ có thế, các bài đăng về flex có những pha đáp trả cực kỳ hài hước, dí dỏm ở phần bình luận như kiểm tra tính xác thực của bài đăng hay một vài người bình luận để những bạn giỏi hơn thể hiện tiếp.
Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Nếu như trong quá khứ các bạn trẻ ngại ngùng khi bày tỏ suy nghĩ hay thành tựu của bản thân, nhờ có sự phát triển của mạng xã hội tạo điều kiện để các bạn trẻ dễ dàng bộc lộ hơn”.
Để tránh trào lưu flexing rơi vào những trường hợp biến tướng, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, thạc sĩ Đỗ Hồng Quân khuyên người dùng cần tỉnh táo, tránh chạy theo trào lưu một cách mất kiểm soát.
Link tập 36: Trào lưu flexing và những giá trị tích cực từ người trẻ: https://youtu.be/WB9UqQCaIUY
Tự ti - Nỗi nguy hại vô hình
Biết nhưng không dám nói, hay trình bày lắp bắp và không có sự logic khi bày tỏ quan điểm, nhiều người cũng vì sự tự ti mà công việc mãi dậm chân tại chỗ, không có sự thăng tiến.
Là một nhân viên văn phòng, chị Trần Thu Hằng ngụ TP.HCM luôn vấp phải rất nhiều trở ngại trong công việc vì sự tự ti trong giao tiếp, không dám nói lên ý kiến từ đó dẫn đến việc luôn phải phụ thuộc vào ý kiến của người khác mặc dù bản thân không hề mong muốn.
Sự thiếu tự tin về lâu dài dẫn đến công việc sa sút, đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống hay những mối quan hệ tốt đẹp thậm chí là cả hạnh phúc của bản thân.
Để nhận biết những dấu hiệu của sự tự ti, chuyên gia tâm lý Cao Văn Cang cho biết: “Người thiếu sự tự tin thường ngại giao tiếp với đám đông, hay co mình lại trước xã hội, trong môi trường làm việc và trong các cuộc họp thường không chọn những vị trí trung tâm…”. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất của người tự ti đó là họ thường từ chối những yêu cầu mà họ cho là quá sức, đó chính là hệ quả của việc luôn ám ảnh khuyết điểm của bản thân dẫn đến hạn chế trong việc phát triển năng lực.
Theo tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, việc tự đánh giá và tạo niềm tin cho bản thân là việc vô cùng cần thiết để vượt qua sự tự ti, luôn có niềm tin từ những việc nhỏ tới tập quen dần với những việc lớn hơn. Tất cả những yếu tố dẫn đến sự tự ti không gắn liền với cuộc đời mãi mà chỉ là vấn đề đi kèm với sự phát triển của bản thân, hãy khắc phục nó mỗi ngày và đều đặn.
Link tập 37: Tự ti - Nỗi nguy hại vô hình: https://youtu.be/_HKm9LQcw8U
Xây dựng môi trường gia đình thân thiện với công nghệ
Chị Trần Ngọc Giàu (ngụ quận 7, TP.HCM) đau đầu vì các con đều dành toàn bộ thời gian cho điện thoại, máy tính và tivi, lâu dần dẫn đến việc cận thị sớm ảnh hưởng xấu đến tình hình sức khỏe và học tập của cả các con.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Giáo dục và Xã hội “70% số hộ gia đình ở Việt Nam có ít nhất một thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, tivi thông minh…Trong đó, 60% số người dùng công nghệ trong gia đình là trẻ em và thanh thiếu niên”. Công nghệ đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, thế nhưng việc làm dụng công nghệ có thể gây cản trở cho các mối quan hệ trong gia đình, mất đi sự tương tác trực tiếp, đồng thời là các tác nhân gây ra các bệnh về mắt, cột sống, tim mạch do thiếu vận động.
Ngày nay, công nghệ luôn cập nhật mỗi ngày và thay đổi từng lúc, việc ngăn cấm và tạo rào cản quá lớn để con không tiếp cận được với công nghệ cũng dễ khiến trẻ đi thụt lùi, không nhận được những giá trị tích cực mà công nghệ mang lại. Thay vào đó, ba mẹ cần xây dựng cho con trẻ một môi trường sử dụng công nghệ hợp lý và tận dụng tối đa sức mạnh từ công nó.
Anh Trương Phạm Hoài Thương (thuộc Khoa An ninh mạng, Trường Cao đẳng iSPACE) cho biết:“Phụ huynh nên quy định cho con về thời gian và không gian được phép sử dụng công nghệ, nhằm tránh trường hợp lạm dụng quá mức, ngoài ra chính công nghệ hiện tại có thể giúp cho phụ huynh dễ dàng quản lý con em của mình theo cách thuận tiện và dễ dàng hơn nếu chúng ta dành thời gian để tìm hiểu và sử dụng nó một cách đúng đắn”.
Xây dựng môi trường gia đình thân thiện với công nghệ đòi hỏi sự nhạy bén và cân nhắc trong việc lựa cho thiết bị và cách sử dụng hợp lý, chỉ khi có sự cân bằng giữa công nghệ với cuộc sống, chúng ta mới có thể xây dựng môi trường gia đình hạnh phúc, phát triển.
Link tập 38: Xây dựng môi trường gia đình thân thiện với công nghệ: https://youtu.be/3BxJz_O5YiE
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận