Câu chuyện cuộc sống: Gắn kết khoảng cách thế hệ trong công việc Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Gắn kết khoảng cách thế hệ trong công việc, Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và tác động trong công việc, Văng tục, chửi thề - Xu hướng độc hại trên mạng xã hội.
Gắn kết khoảng cách thế hệ trong công việc
Hiện nay, trong môi trường làm việc, việc các sinh viên mới tốt nghiệp làm việc cùng với những đồng nghiệp lớn tuổi đã dẫn đến sự xuất hiện của khoảng cách thế hệ. Sự khác biệt chủ yếu xuất phát từ trải nghiệm khác nhau trong nhiều khía cạnh như phong cách làm việc, kỹ năng giao tiếp và sự tiếp cận công nghệ.
ThS Phạm Thị Bích Phượng, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Xã hội đang phát triển nhanh chóng, tạo ra khoảng cách lớn và nhanh chóng hơn giữa các thế hệ. Ví dụ, thế hệ Gen Z và sau này được gọi là thế hệ của công nghệ thông tin và việc tiếp nhận sự thay đổi. Sự ổn định của cuộc sống cũng ảnh hưởng đến tâm thế, thái độ và cách làm việc, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa các thế hệ”.
Trong môi trường làm việc, khoảng cách thế hệ thường gây ra một số vấn đề. Đầu tiên, là định kiến. Một số người lớn tuổi có thể coi thế hệ trẻ không cẩn thận và thiếu thực tế, trong khi ngược lại, người trẻ có thể cảm thấy những người lớn tuổi bảo thủ và khó tiếp nhận sự thay đổi. Phong cách giao tiếp cũng đóng vai trò quan trọng, khi người trẻ thường ưa chuộng sử dụng công nghệ hơn là giao tiếp trực tiếp. Vấn đề khác là khi các nhà quản lý lớn tuổi không tin tưởng vào việc làm việc từ xa, trong khi nhiều người trẻ mong muốn sự linh hoạt này.
Chị Đinh Vân Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, sự khác biệt thế hệ có thể tạo ra khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, qua thời gian, việc học hỏi và tương tác với mọi người đã giúp cô hiểu và thích nghi tốt hơn”.
Để gắn kết khoảng cách thế hệ trong công việc, mỗi người cần học cách xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp trên dựa trên sự tôn trọng và sự hiểu biết. Việc trao đổi ý kiến và quan tâm đến nhau sẽ giúp tránh được những mâu thuẫn không đáng có và tăng cường chất lượng công việc cũng như văn hóa làm việc tích cực.
Clip Gắn kết khoảng cách thế hệ trong công việc: https://youtu.be/3XHUgj1P5IQ
Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và tác động trong công việc
Xây dựng mối quan hệ bền chặt tại nơi làm việc là điều quan trọng để tạo ra sự kết nối giữa những đồng nghiệp. Điều này là động lực thúc đẩy sự hứng khởi và nâng cao hiệu suất làm việc của mỗi người, giúp môi trường làm việc trở nên tích cực hơn và thúc đẩy sự sáng tạo cũng như phát triển cá nhân.
Anh Đào Nguyễn Duy Hưng (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và có động lực hơn khi bắt đầu mỗi ngày làm việc cùng những người bạn như đồng nghiệp mà tôi yêu mến. Đồng thời, khi chúng tôi hiểu nhau hơn, việc phối hợp trong công việc trở nên thuận lợi hơn”.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Ngọc Trâm, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, cho biết: “Một mối quan hệ tốt đẹp không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Môi trường làm việc tích cực phụ thuộc vào sự tích cực của từng cá nhân, những người tạo nên một tập thể lành mạnh với tư duy tích cực và lòng yêu thương, quan tâm lẫn nhau”.
Tuy nhiên, mối quan hệ tiêu cực với đồng nghiệp có thể làm mất đi sự kết nối và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như chất lượng công việc. Sự không đồng tình tranh cãi hoặc mâu thuẫn có thể tạo ra một không khí căng thẳng, áp lực và bất an cho nhân viên, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và chất lượng công việc.
Ngày nay, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến phát triển mối quan hệ nội bộ thông qua các hoạt động gắn kết nhân viên với nhau. Chị Bùi Thị Thu Trang, Trưởng nhóm hành chính - Nhân sự, Công ty Adsplus (TP.HCM) cho biết: “Công ty chúng tôi tổ chức các chương trình giao lưu thường xuyên, giới thiệu nhân viên mới và các hoạt động văn hóa giải trí nhằm tạo ra một môi trường làm việc tích cực, thu hút nhân sự và gắn bó lâu dài”.
Mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp tốt sẽ là cầu nối vững chắc cho sự phát triển bền vững của tập thể. Khi mọi người thấu hiểu, thân thiện và hòa nhã với nhau, họ cùng tạo ra một môi trường làm việc tích cực đưa đến thành công chung.
Clip Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và tác động trong công việc: https://youtu.be/fLZ1xPKTvl4
Văng tục, chửi thề - Xu hướng độc hại trên mạng xã hội
Hiện nay, trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những nội dung chứa nhiều từ ngữ văn tục và chửi thề. Những video hay audio này thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và thu hút sự quan tâm và bình luận tích cực của nhiều người, một số người cho rằng việc này giúp giảm stress và thư giãn khi thảo luận với ngôn từ thô tục.
Chị Nghiêm Thị Phương Vy (TP.HCM) cho biết: “Trên mạng xã hội, có rất nhiều video chứa những từ ngữ văng tục và chửi thề, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt và tạo thói quen cho người xem. Những từ ngữ này có thể trở thành một phần trong suy nghĩ hàng ngày của mọi người”.
ThS Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Những người tạo ra nội dung này thường có xu hướng tạo ra điều mới mẻ và hấp dẫn. Tâm lý của chúng ta thường có sự tò mò, và mặc dù ban đầu có thể không muốn xem vì nó thô tục, nhưng tò mò thúc đẩy chúng ta xem và khám phá. Dần dần, chúng ta bị thu hút và ảnh hưởng bởi nó, vì việc tiếp xúc liên tục với nó có thể tạo ra thói quen tiêu cực”.
Vì vậy, cần tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh, nơi cập nhật những nội dung sáng tạo và tích cực, sử dụng ngôn từ phù hợp để giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống. Mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, lựa chọn nội dung và hiểu rõ hậu quả, tác động tiêu cực từ việc tiếp xúc với những nội dung có thể gây hại.
ThS Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Ngôn từ của người lớn sẽ ảnh hưởng đến trẻ em. Trẻ em thường bắt chước hành vi và ngôn từ của người lớn, do đó người lớn cần làm mẫu, không sử dụng ngôn từ thô tục để trẻ không bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Chúng ta không thể lý giải việc sử dụng ngôn từ thô tục để giải tỏa căng thẳng và chấp nhận hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Từ gia đình đến nhà trường, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và giữ gìn sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày và trên mạng xã hội.
Clip Văng tục, chửi thề - Xu hướng độc hại trên mạng xã hội: https://youtu.be/opKNX7sQoVI
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc
đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận