Thần Tài Gõ Cửa: Ước mơ giữ lửa nghề bó chổi tàu cau của người đàn ông khuyết tật Đời Sống - Tiêu Dùng

Học nghề bó chổi tàu cau từ cha mẹ, trải qua hơn 40 năm tỉ mẫn chọn từng tàu cau, cọng lạc, ông Vinh vẫn mong mỏi một mai có thể truyền lửa đam mê cho con cháu. Dẫu vậy, đôi chân khiếm khuyết ngày một đau nhức vì siết chổi, kéo dây càng khiến người thợ nghèo thêm đau đáu lo âu.

Chương trình Thần Tài Gõ Cửa số 765 là chuyến vi hành của Thần Tài (DV Đình Toàn) và Thổ Địa TP Bến Tre (DV Năm Chà) đến xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre để lắng nghe câu chuyện đời của ông Hồ Văn Vinh (1962).

Kể về hành trình đến với nghề, ông Vinh bùi ngùi: “Hồi trước thì mẹ tôi bó. Rồi mẹ bệnh nên tui mới tiếp tục học bó luôn tới bây giờ. Từ hồi nào giờ ở làng Phú Mỹ này thì người ta xài chổi tàu cau nhiều. Chổi tàu cau của mình so với chổi khác thì nó nhẹ, cán nó dài, dễ quét, không có đau lưng. Làm chổi tàu cau không có máy móc gì hết dùng phương pháp thủ công thôi. Dùng để quét lộ, quét sân, quét hành lang. Mình cũng biết chân mình tật, cơ thể yếu đuối nên không làm được công việc gì nặng nhọc. Thêm nữa đây là nghề truyền thống của gia đình nên ráng giữ”.

Với ông Vinh, chổi tàu cau không chỉ giúp ông trang trải gánh áo cơm cho gia đình mà hơn cả, đó còn là vẻ đẹp chân chất, dung dị của bà con quanh năm sống trong vùng quê yên bình. 

Ông Vinh hào hứng chia sẻ các công đoạn làm chổi: “Tàu cau thì nếu như ở xóm có rụng thì mình xin về, xé lá ra rồi vót, phơi nắng. Một bó thì sáu cọng tàu cau  làm được 1 cây chổi. Tàu cau đó đem về thì mình tét ra, cái cọng để riêng tầm tám tấc rồi ngâm với nước khoảng một tiếng rưỡi nếu trời nắng, còn cái nào mềm thì khỏi ngâm. 

Sau đó vớt lên để ráo. Dây lạc dùng để siết chổi là bằng tàu dừa nước non, ở địa phương gọi là cờ bắp, mình phải xé làm hai, bỏ lá lấy cọng, phơi ba nắng, vót sạch rồi chẻ ra. 1 cây thì mình bó mười chín nuộc. Một cây chổi thì bó nửa tiếng đồng hồ là xong. Tàu cau nếu lượm được thì lượm, còn không thì mua một cọng là 1 ngàn đồng, 6 cọng là 6 ngàn, thêm dây lạc là 7 ngàn. Mình lời là 13 ngàn đồng, lấy công làm lời”.

Những ngày làm siết, người thợ thủ công có thể cho ra đời 10 - 15 cây chổi tàu cau bền đẹp. Thế nhưng với cơ thể đang ngày một đau yếu, mỗi lần siết dây, bó chổi lại như một thử thách vượt khó để bám trụ với nghề.

Bà Nguyễn Thị Đởi - vợ ông Vinh xót lòng: “Chồng tôi ổng bó chổi cũng yếu đuối, siết mấy cái nuộc dây nếu lỏng thì nó sẽ súc của người ta. Cố gắng siết chặt thì lại làm quá sức lực, đau nhức hai bên vai, thấy ông tội nghiệp quá! Vợ chồng tôi cũng yếu đuối rồi, làm ngày nào thì ăn ngày nấy. 7- 8 năm trở về trước, tôi bị viêm khớp vì làm việc quá, làm ruộng cho người ta. Bốn năm trở về sau thì bị tim mạch, cao huyết áp, thì phải uống thuốc đều đều. Khi khỏe thì tôi mới mần kêu thì mần cỏ, chặt củi. 

Thu nhập được ngày 150 ngàn, mà lâu lâu mới làm được vài bữa, còn nếu tôi không khỏe thì tôi nấu cơm phụ hợ ổng, phụ vót lạc, vót tàu chổi. Cố gắng làm để lo cho vợ chồng con gái út. Nó làm bông giấy ở ngoài Tây Ninh, mà mùa đó nó thất bại quá, rụi cây luôn, không bán được, thất bát mới về mình. Năm 2024 nó đem không được hết 3 đứa con về.

Đứa lớn thì phải ở Tây Ninh gởi lại cho bà nội cho ăn học, năm sau mới đem về đây. Còn 2 đứa nhỏ thì 1 một đứa 11 tuổi, học lớp năm, còn con trai út của nó thì 16 tháng. Nó chưa có việc làm ổn định nên giờ ở chung với tôi, chồng thì đi làm phụ hồ. Thương con ráng cố gắng làm để đùm bọc cho con”.

Thương con, vợ chồng ông Vinh là ra sức dang rộng vòng tay đón con cháu trở về nhà. Thế nhưng, cái Tết tới dường như còn quá chật vật với gia đình khi mà sức khoẻ người trụ cột ngày càng lao dốc.

Ông Vinh tâm sự: “Tui bệnh nhiều lắm mà không dám đi khám vì nhà còn nợ, sợ mượn nợ nữa. Lúc trước cũng nợ triền miên. Tới năm 2010, nhà nước cho nhà tình thương, tui cũng vay người thân thêm 1 ít để sửa thêm. Sau vay làm nhà vệ sinh, tính ra còn thiếu cỡ 50 triệu. Rồi vợ bệnh, tui cũng bệnh! Năm 2014, tui có mổ bướu mỡ 1 lần. Sau này phát hiện bị viêm gan B, viêm khớp. Ráng làm trụ cột để phụ giúp, lo cho gia đình vợ con chứ ngồi lâu mà mấy cái khớp chân nó sưng hết”

Quên đi những căn bệnh dai dẳng, ông nhận việc chiết cành, ghép cây giống cho các nhà vườn quanh xã những mong sớm tích góp đủ đồng lời để thực hiện những dự định đã ấp ủ từ lâu.

Ông Vinh nói: “Mấy tháng nghịch thì tàu cau không có, ví dụ 1 tháng bó 300 cây chổi thì tháng đó bó 50-70 cây à. Nếu ngay mùa thì mình mua về phơi khô rồi để mùa kia mình làm bán có giá hơn. Muốn vậy mà giờ mình chưa có vốn nên cũng gặp khó khăn. Đời cha mẹ cũng nghèo, tới đời tôi cũng khó khăn. Nhưng tui muốn con gái tui về thì tui chỉ cho nó bó cái nghề chổi này, nối tiếp nghề của gia đình. Nếu có vốn nữa thì mua mai về tháp hoặc mua bông giấy để tết năm tới bán. Còn chút đỉnh thì mua cải, bắp, dưa cà, để hằng tháng thu nhập. Còn dư nữa thì hằng tháng chữa bệnh cho vợ hoặc tui. Hay là sửa lại phương tiện đi tới đi lui chứ đâu có mơ ước gì nhiều hơn.”

Thương cho người thợ đầy tâm huyết với hy vọng truyền lửa nghề bó chổi thủ công, các vị thần quyết lòng mời gia đình đến với cánh cửa điều ước để chinh phục thử thách của chương trình. Mời quý khán giả đón xem chương trình Thần Tài Gõ Cửa, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật hàng tuần, trên kênh THVL1. 

VDTonline.vn

Viết bình luận