Câu Chuyện Cuộc Sống: Dạy con lập kế hoạch cho năm mới Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Dạy con lập kế hoạch cho năm mới, gắn kết tình làng nghĩa xóm dịp Tết, chuyện mâm lễ đưa ông Táo về Trời.
Dạy con lập kế hoạch cho năm mới
Thường đầu năm là thời điểm gia đình đặt ra những kế hoạch cho năm mới, tương lai. Dịp đầu năm là thời gian lý tưởng cha mẹ dạy con cách lập kế hoạch và sắp xếp cho năm mới. Điều này giúp con sống khoa học và hình thành nếp sống văn minh.
Chị Huỳnh Kim Duyên (Tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Bé nhà mình học lớp hai, mình dạy bé lập kế hoạch từng tuần, từng tháng, từng năm để bé quen dần. Như tuần này bé sẽ không được đi học trễ và học thêm bài thơ mới”. Anh Trần Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) kể: “Năm mình học lớp năm, ba mình dạy mình đặt mục tiêu trong cuộc sống: mình sẽ phải đạt được điều gì và biết được ước mơ mình là gì. Mỗi lần kế hoạch mình đạt được như ý, mình rất vui, biết ơn và hạnh phúc vì ba dạy mình lập kế hoạch sớm”.
Thạc sĩ Phạm Thế Châu (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ: “Dạy cho trẻ lập kế hoạch, không chỉ dừng lại viết ra trong một tờ giấy mục tiêu, phụ huynh cần đồng hành với trẻ trong suốt chặng đường đó. Lập kế hoạch là một quá trình gồm viết ra kế hoạch, thực hiện kế hoạch, kiểm tra kế hoạch và rút ra kinh nghiệm. Trong việc này phụ huynh và trẻ cùng hỗ trợ nhau hiệu quả”. Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm mới, các bạn trẻ cần phải nỗ lực hơn với các mục tiêu, cần phải nhắc nhở bản thân, từ đó tạo ra động lực để thực hiện.
Clip Dạy con lập kế hoạch cho năm mới: https://www.youtube.com/watch?v=920U6_BhkJA
Gắn kết tình làng nghĩa xóm dịp Tết
Tết đến Xuân về là dịp mỗi gia đình đoàn tụ, đây cũng là lúc tình làng nghĩa sớm càng thêm gắn bó. Trong không khí mùa xuân, sự chào đón, tiếng cười nói làm cho không khí Tết thêm phần háo hức, nô nức, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Chị Dương Thu Hà (TP.HCM) chia sẻ: “Khi có hàng xóm cùng chia sẻ với nhau lúc tối lửa tắt đèn, chúng ta sẽ học được cách yêu thương và giúp đỡ”. Chị Lê Ngọc Thúy Hạnh (TP.HCM) cho biết: “Những ngày cuối năm, trong xóm tôi rất là vui và đây cũng là dịp tình làng nghĩa xóm thể hiện sâu sắc. Gần Tết, theo truyền thống khu phố tôi sẽ cùng nhau gói bánh, tôi rất trân trọng điều đó”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ: “Tôi thấy vùng quê vẫn giữ tình làng nghĩa xóm rất tuyệt vời, ở khu phố tôi ở, mỗi sáng chúng tôi đi cà phê chung với nhau, mỗi tối chúng tôi đều giao lưu với nhau và mỗi dịp lễ Tết đều có những hoạt động gắn kết. Mối quan hệ xung quanh rất cần thiết trong cuộc sống, thúc đẩy bản thân duy trì sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, bằng cách chủ động giao tiếp, chủ động giúp đỡ và tổ chức hoạt động đội nhóm”. Chị Hoàng Ngọc Lan (TP.HCM) thổ lộ: “Nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt những người được nhận quà, mình cảm thấy hạnh phúc vô cùng, mình luôn muốn san sẻ một chút tình thương, dù là món quà nhỏ giúp họ cảm thấy ấm áp hơn vào dịp đầu năm”.
Clip Gắn kết tình làng nghĩa xóm dịp Tết: https://www.youtube.com/watch?v=UCboUbDaJHQ
Chuyện mâm lễ đưa ông Táo về Trời
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, cả gia đình đều chuẩn bị mâm lễ cúng để tiễn ông Táo về trời. Nhiều người tin rằng mâm lễ cúng chỉnh chu, ông Táo sẽ bẩm báo những điều tốt đẹp của gia đình.
Anh Nguyễn Minh Hiếu (TP.HCM) chia sẻ: “Tính chất công việc mình rất ít khi ở nhà. Khi có thời gian rảnh rỗi mình vào bếp nấu nướng và tự tay chuẩn bị mâm cơm nhỏ dâng lên ông Táo về trời. Theo mình, chuẩn bị cho ông Táo bằng lòng thành của mình là điều quan trọng nhất”. Chị Nguyễn Phạm Huỳnh Như (Tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Mỗi dịp Tết, khi cúng ông Táo, ông Công, gia đình mình chuẩn bị mâm cơm đơn giản, đầy đủ tấm chân tình, lòng thành là được”.
Tiến sĩ Trương Văn Minh (Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Về mặt tín ngưỡng, phong tục đều sẽ thay đổi theo thời gian. Đối với Táo Quân là vị thần mang tính cá nhân hóa cao, Táo Quân không trực tiếp ban phúc lộc, xử phạt, mà vai trò và nhiệm vụ của Táo Quân là người lo sự ổn định trong gia đình, ngăn cản thế lực xấu xâm phạm, còn ông Táo sẽ tấu trình việc tốt, việc xấu. Trong tâm lý con người, sẽ mong muốn người khác tấu trình điều tốt về mình. Vì vậy lễ vật của ông Táo khác nhau ở mỗi vùng miền, phong tục từng địa phương, nhưng điều quan trọng nhất là lòng thành kính”.
Clip Chuyện mâm lễ đưa ông Táo về Trời: https://www.youtube.com/watch?v=wPR7nmd34Ok
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
VDTonline.vn
Viết bình luận