Câu Chuyện Cuộc Sống: Đầu tư cho con đi học như thế nào là phù hợp? Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Sử dụng AI trong học tập – Tận dụng nhưng đừng lạm dụng; Ứng xử thế nào khi vợ hoặc chồng còn gánh nặng gia đình: Đầu tư cho con đi học như thế nào là phù hợp.
Sử dụng AI trong học tập – Tận dụng nhưng đừng lạm dụng
Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng được sử dụng phổ biến. Trong học tập, AI giúp cập nhật kiến thức, tiếp cận, thực hành, nhưng nếu người học quá lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng tư duy, giải quyết vấn đề.
Em Nguyễn Thị Ngọc Sương (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Em thấy hiện nay việc dùng AI giúp em rất nhiều trong việc học tập và tìm kiếm thông tin. Em nghĩ biết cách sử dụng AI hợp lý giúp em phát triển nhiều hơn”.
Em Nguyễn Tuấn (TP.HCM) cho biết: “Mình thường xuyên sử dụng AI. Về thiết kế, mình dùng trí tuệ nhân tạo để tách nền của một nhân vật rất nhanh chóng thay vì dành nhiều thời gian tách từng bước. Mình cảm thấy rất tiện khi dùng trí tuệ nhân tạo”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Việc sử dụng AI trong học tập rất hữu ích và đang là xu thế hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào học tập rất cần thiết. Nhưng nếu các bạn học sinh lạm dụng AI quá đà sẽ khiến các bạn mất đi giá trị bản thân, mất đi khả năng suy luận, tư duy và sáng tạo. Thứ hai, bạn trở thành người phụ thuộc vào công nghệ, mất ý chí vươn lên trong học tập. Để sử dụng AI trong học tập cách hợp lý đầu tiên, chúng ta hãy xem AI là một công cụ hỗ trợ học tập. Thứ hai, chúng ta phải “chủ động” kết hợp nguồn lực cá nhân và trí tuệ nhân tạo. Thứ ba, chúng ta phải xác định trong công việc học tập, phần nào thật sự cần AI hỗ trợ, phần nào chúng ta tự làm được”.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ron (Chủ tịch Hệ thống giáo dục HRC) chia sẻ: “Nhà nước khuyến khích các bạn học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là AI. Các bạn nên dành thời gian tìm hiểu các phần mềm, tiện ích AI, từ đó AI sẽ giúp các bạn trong học tập, công việc… Chúng ta hãy tìm hiểu và sử dụng hợp lý, nếu sử dụng AI quá nhiều, các bạn sẽ mất đi khả năng tư duy, khám phá của mình và mất đi tính chuyên sâu trong mọi vấn đề. Thầy cô giáo nên tận dụng AI vừa đủ và hợp lý trong quá trình làm việc và giảng dạy cho các em”.
Trí tuệ nhân tạo đã và đang hỗ trợ hiệu quả trong việc học, và hứa hẹn tiềm năng không giới hạn trong tương lai. Tuy nhiên người học cần sử dụng AI một cách đúng đắn và có trách nhiệm.
Clip Sử dụng AI trong học tập – Tận dụng nhưng đừng lạm dụng: https://youtu.be/ORCSAqYf6Ps
Ứng xử thế nào khi vợ hoặc chồng còn gánh nặng gia đình
Trong hôn nhân, việc một trong hai người phải gánh vác trách nhiệm gia đình riêng là điều không hiếm gặp. Nhiều trường hợp có những trách nhiệm như: Hỗ trợ tài chính, chăm sóc cha mẹ, chăm sóc anh chị em,… có thể khiến người bạn đời không vui, nguy hiểm hơn có thể gây ra cãi vã.
Anh N.T.K (TP.HCM) thổ lộ: “Gia đình tôi tiết kiệm tiền để mua nhà, nên vợ tôi không muốn cắt tiền cho các em, cha mẹ tôi đã già, tôi lương không bao nhiêu, nếu không lo cho các em học thì không ai lo cả. Tôi rất hối hận khi ngay từ đầu không chia sẻ về áp lực kinh tế cho vợ nghe, bây giờ hai vợ chồng rất khó xử”.
Chị N.T.K.N (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nghĩ là tiền của tui dành dụm, nên tôi được quyền sử dụng tùy ý của mình. Đặc biệt khi gia đình tôi gặp khó khăn tài chính, em trai tôi mắc nợ, tôi dùng số tiền đó giúp đỡ em.Tôi không ngờ chồng tôi có những phản ứng dữ dội đến như vậy. Tôi cảm thấy hối hận vì không nói cho chồng biết vì sợ anh khinh thường gia đình mình”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia Tâm lý) cho biết: “Hai vợ chồng biết được nghĩa vụ hay khó khăn về tài chính của nhau sẽ dễ dàng thông cảm, thấu hiểu và có được sự tin cậy lẫn nhau. Ngược lại, về lâu dài gây nên sự nghi ngờ và có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) đưa ra lời khuyên: “Áp lực từ phía gia đình gốc là luôn luôn có, điều đó là sự hiếu thảo và trách nhiệm. Đối với người bạn đời biết cảm thông chia sẻ, việc này không khó. Ngược lại nếu người bạn đời cảm thấy điều đó là gánh nặng thì sẽ rất khó cho cuộc sống hôn nhân. Trước kết hôn hãy chia sẻ cho nhau về những vấn đề về tài chính để hạn chế những hậu quả xấu xảy ra”.
Sự cởi mở và minh bạch xây dựng nền tảng gia đình vững chắc và giúp duy trì hạnh phúc lâu dài.
Clip ứng xử thế nào khi vợ hoặc chồng còn gánh nặng gia đình: https://www.youtube.com/watch?v=tVK79fHr6Lo
Đầu tư cho con đi học như thế nào là phù hợp
Giáo dục luôn được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai, với khát vọng dành những điều tốt nhất cho con cái. Nhiều phụ huynh dù không đủ điều kiện kinh tế cũng chọn vay mượn để đầu tư cho việc học của con. Điều này là thực sự cần thiết, nếu không có sự đầu tư phù hợp mang đến rủi ro tài chính, tạo áp lực không nhỏ cho gia đình.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ: “Phụ huynh Việt Nam rất coi trọng việc học, chỉ có việc học lên cao mới có cơ hội đổi đời, cơ hội thành công và thăng tiến. Đó là một đầu tư đúng hướng. Nhưng việc phải vay nợ để đầu tư con học thì chúng ta cần cân nhắc, sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng nếu quá sức ép về áp lực tài chính. Điều quan trọng, việc đầu tư có đúng với kỳ vọng và sở thích của con hay không. Để giải quyết vấn đề, hãy chi tiêu phù hợp với tài chính gia đình và khả năng của con”.
Chị N.N. T.H (tỉnh Đồng Tháp) tiết lộ: “Chúng tôi vay hơn 300 triệu đồng để con được học trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi tháng chúng tôi phải trả lãi mỗi tháng 5 triệu đồng. Vì con thích học trường đó và nghĩ cho tương lai của con, chúng tôi bấm bụng để đầu tư cho con”.
Anh T. T. Q (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi phải đi vay tín dụng đen để kịp cho con nộp học phí du học, lúc đó tôi nghĩ đến tương lai của con. Nhưng bây giờ, phần nợ đó vẫn chưa trả hết, vợ chồng tôi thường xuyên căng thẳng vì không đủ tiền sinh hoạt”.
Thạc sĩ Nguyễn An Huy (Chuyên gia Hoạch định tài sản cá nhân) chia sẻ: “Phải xem xét mức thu nhập của chúng ta, mức chi tiêu, mức độ ổn định ta có thể xác định mức vay phù hợp nhất. Chúng ta cùng con xác định rõ mục tiêu giáo dục để phù hợp với con và với cha mẹ. Chúng ta tìm hiểu khoản vay phù hợp nhất để phù hợp với tài chính gia đình như: Vay thế chấp bất động sản, vay từ quỹ hỗ trợ giáo dục tại các trường đại học… Điều quan trọng, chúng ta phải có thêm quỹ dự phòng từ 6-9 tháng chi tiêu trong những trường hợp khó khăn về kinh tế”.
Đầu tư vào giáo dục là điều rất quan trọng, nhưng các bậc cha mẹ phải lập kế hoạch tài chính rõ ràng, phù hợp với gia đình và hãy trò chuyện với con về định hướng và mong muốn của con để đầu tư hiệu quả.
Clip Đầu tư cho con đi học như thế nào là phù hợp: https://www.youtube.com/watch?v=aP3SVL4txNs
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
VDTonline.vn
![](https://vdtonline.vn/static/cache/500x290/1739259377_cau-chuyen-cuoc-song-dau-tu-cho-con-di-hoc-nhu-the-nao-la-phu-hop-.png)
Viết bình luận