Câu Chuyện Cuộc Sống: Nguy hại từ hành vi bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến Đời Sống - Tiêu Dùng

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Nguy hại từ hành vi bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến; Tuổi trẻ đừng chọn an toàn; Những việc cần làm khi đưa ra quyết định quan trọng.

Nguy hại từ hành vi bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mạng xã hội trở thành nơi kết nối mọi người. Bên cạnh những lợi ích tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại nhiều mặt trái đáng lo ngại, một trong số đó chính là hiện tượng bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến.

Em T.Q.A (TP.HCM) chia sẻ: “Em từng cảm thấy rất sợ hãi, tự thu mình lại, nhốt mình không dám đăng tải thông tin lên mạng xã hội vì sợ những lời lẽ thiếu văn minh, bắt nạt, quy chụp. Sau đó em đã phải khóa tài khoản facebook vĩnh viễn”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quang Trường (Phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Nạn nhân sẽ gặp phải những tình trạng lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, lo âu và lâu ngày dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực nếu như gặp phải những lời quá xúc phạm, mang tính công kích với tần suất thường xuyên. Về phía nạn nhân, khi bị tấn công bằng bạo lực ngôn từ, gây hậu quả nghiêm trọng làm mất niềm tin vào bản thân và không mong cầu phát triển bản thân. Kẻ bắt nạt, bắt đầu có suy nghĩ sai lệch, ảo tưởng quyền lực trên không gian mạng, họ lạm dụng tự do ngôn luận vì nghĩ rằng tính ẩn danh nên sẽ không bị ai phát hiện, làm không gian mạng trở nên xấu đi. Vai trò gia đình, bạn bè cần thiết là quan trọng nhất trong việc giúp nạn nhân vượt qua khủng hoảng trên không gian mạng khi vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn. Nếu nạn nhân bị vấn đề tâm lý quá nặng cần đến gặp chuyên gia trị liệu và đưa ra cách giải quyết”.

Luật sư Nguyễn Văn Hiệp (Giám đốc Công ty New & New) chia sẻ: “Bạo lực ngôn từ, sử dụng từ ngữ tiêu cực để xúc phạm người khác, bắt nạt trực tuyến là hành vi được thực hiện trong không gian mạng, nhằm mục đích đe dọa, kích động. Những hành vi gây ảnh hưởng cá nhân có thể bị áp dụng chế tài dân sự, tài chính, hình sự. Có thể tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt hành vi, gỡ bỏ thông tin, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại nếu có. Mức phạt hành chính là từ 5-20 triệu đồng, mức phạt hình sự có thể lên đến 5 năm”.

Việc ngăn chặn hành vi bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến ngoài sự ngăn chặn của cơ quan chức năng, cách ứng xử và sử dụng văn minh trên không gian mạng là vô cùng cần thiết.

Clip nguy hại từ hành vi bạo lực ngôn từ và bắt nạt trực tuyến: https://www.youtube.com/watch?v=kipdgqUgubA

Tuổi trẻ đừng chọn an toàn

Tuổi trẻ là tài sản quý giá của con người, tuy nhiên tuổi trẻ có giới hạn. Nếu lãng phí đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tương lai của chính mình. Trong đó việc sống quá thoải mái dẫn đến việc thiếu động lực phát triển và bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân. Vì vậy hãy chấp nhận rủi ro, dám khám phá để mang lại những trải nghiệm cá nhân mà chỉ có tuổi trẻ chúng ta dễ dàng làm được.

Anh L.C (Tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Mình sống cuộc sống quá vô lo, thoải mái. Khi mọi chuyện ập tới, mình không kịp trở tay”. Chị L.N.N (TP.HCM) chia sẻ: “Lớn lên trong gia đình có điều kiện, mình sống an nhàn, sống theo sự sắp xếp của cha mẹ. Khi biến cố xảy đến với gia đình, mình trở thành trụ cột chính, mình không biết làm gì, cảm thấy hụt hẫng vì đã quen với sự bao bọc”.

Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Tuổi trẻ là hành trình chúng ta nên tận dụng. “Thanh xuân chúng ta không thể bỏ lỡ”, để thanh xuân ý nghĩa, chúng ta hãy bộc lộ, thể hiện hết những gì chúng ta có, tìm kiếm được hình tượng ngay từ xuất phát điểm. Nếu chúng ta lựa chọn an nhàn, chúng ta dễ dàng đánh mất đi tuổi trẻ, chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc về sau”.

Tiến sĩ Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Chúng ta chọn an nhàn nghĩa là chúng ta hài lòng với hiện tại. Đôi khi ta cảm thấy đồng lòng với sự an nhàn trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, khiến chúng ta trở nên trì trệ trong cuộc sống và công việc. Tuổi trẻ là khoảng thời gian năng lượng tràn trề, có ý chí, có ước mơ. Nếu không tận dụng thì bạn sẽ hối tiếc sau khi về già”.

Chị Phạm Thị Ân (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân) chia sẻ: “Khi đang là sinh viên năm hai mình đã nhận dự án thầy cô, bạn bè, bên ngoài để nghiên cứu, cọ xát và trong quá trình này mình học được rất nhiều điều, mỗi năm mình đều tích lũy và làm việc không ngừng nghĩ để có được kết quả như hôm nay. Trong hành trình phát triển mình cũng gặp rất nhiều khó khăn, song mình luôn nhắn bản thân: "Khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó". Mình muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hiện nay: "Chúng ta hãy dành thời gian tuổi trẻ để làm điều ý nghĩa cho chính cá nhân, xã hội"".

Tiến sĩ Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Tuổi thanh xuân chúng ta phải biết xây dựng và lập kế hoạch hoạch cho các mục tiêu, hoạt động một cách phù hợp để phát triển toàn diện về công việc, học tập, gia đình cũng như mối quan hệ xã hội. Chúng ta không ngừng thử thách trước những điều mới lạ, không theo quy củ hay bất cứ bức tường ngăn cản nào để bứt phá, tận dụng hết năng lượng, sức mạnh của tuổi trẻ. Và hãy nhớ rằng phải cân bằng giữa giải trí và công việc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Khi còn trẻ chúng ta hãy trân trọng từng phút từng giây để nỗ lực, cố gắng. Đừng để mỗi ngày trôi qua một cách lặng lẽ và thiếu thử thách. Người trẻ hãy tự tin và nỗ lực hết mình để không phải nuối tiếc thanh xuân.

Clip Tuổi trẻ đừng chọn an toàn: https://www.youtube.com/watch?v=FCsuj7fPr04

Những việc cần làm khi đưa ra quyết định quan trọng

Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định khác nhau. Từ những quyết định nhỏ đến những quyết định quan trọng, mỗi sự lựa chọn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống. Chúng ta cần làm gì để đưa ra những quyết định quan trọng, hạn chế tối đa những sai lầm và rủi ro?

Em Đoàn Thị Ngọc Hà (Trường THCS Cao Bá Quát, TP.Hà Nội) chia sẻ: “Trong học tập em cần phải cố gắng nhiều hơn vì cạnh tranh để vào được trường công lập, còn mục tiêu trong cuộc sống hàng ngày là bớt lười biếng và làm mất thời gian vì những việc vô ích”.

Chị Nguyễn Thùy Linh – Phụ huynh học sinh chia sẻ: “Đầu tiên gia đình mình tạo cho bạn sự yêu thích, khi bạn yêu thích môn học, mọi thứ đến rất tự nhiên. Bạn ham học hỏi, tự khám phá, tự tìm hiểu và hỏi ý kiến của gia đình để nhờ hỗ trợ. Thứ hai, mình cho phép con tự quyết định về các vấn đề học tập, ba mẹ chỉ hỗ trợ phía sau”.

Anh Trần Thành Nhân (Chuyên gia Đào tạo về Thái độ sống, Kỹ năng sống) chia sẻ: “Phụ huynh là người đi trước, từng trải qua khó khăn, vất vả. Từ đó chỉ ra những điểm sai cho con. Trong việc lập mục tiêu cho các con, cha mẹ vạch mục tiêu cho con là hoàn toàn đúng. Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải việc phụ huynh vạch ra cho con con đường, kế hoạch tương lai mà chính con là người chọn đi con đường đó hay không”.

Anh Phạm Trần Thiên Ân (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã làm việc một thời gian khá dài, có nguồn thu nhập ổn định và tích lũy nhiều kinh nghiệm và có một số vốn. Từ lâu tôi ấp ủ ước mơ mở công ty riêng. Hiện tại tôi rất đắn đo, suy nghĩ rất nhiều về việc có nguồn thu nhập ổn định và kinh doanh riêng”.

Thạc sĩ Thái Thị Mai Trân (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Chúng ta nên áp dụng phương pháp “Phân tích có hệ thống” đối với các  lựa chọn, đánh giá kĩ lưỡng thông tin có hệ thống để chọn ra lựa chọn tốt nhất để quyết định. Mọi quyết định đều có mức độ rủi ro nhất định. Trong trường hợp chúng ta thất bại, hãy xem đó là bài học, thử thách giúp chúng ta vững vàng hơn. Để hoàn thiện hơn, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tham khảo chuyên gia để có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn, chúng ta cũng nên đưa ra thời hạn cụ thể khi quyết định vấn đề”.

Dù bạn là học sinh, sinh viên hay người trưởng thành đang đứng trước những vấn đề cần sự quyết định, hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là hãy tìm hiểu, lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng và tin vào sự lựa chọn của mình và dám chịu trách nhiệm với quyết định đó.

Clip những việc cần làm khi đưa ra quyết định quan trọng: https://www.youtube.com/watch?v=NMcM5W6U3Jw

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

VDTonline.vn

Viết bình luận