Lời Cảnh Báo: Ứng dụng ngân hàng giả mạo chiếm quyền điều khiển thiết bị Đời Sống - Tiêu Dùng
Tuần này, "Lời Cảnh Báo" tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Ứng dụng ngân hàng giả mạo chiếm quyền điều khiển thiết bị; Lừa đảo qua lời mời bình chọn trên Facebook.
Ứng dụng ngân hàng giả mạo chiếm quyền điều khiển thiết bị
Chị T.B.L, một tiểu thương tại TP.HCM, nhận được tin nhắn mời chào tải về ứng dụng nâng cấp tính năng ngân hàng mới. Với giao diện rất giống ngân hàng chị đang sử dụng, tin tưởng chị cài đặt ứng dụng và đăng nhập tài khoản như bình thường. Ngay sau đó chị bị trừ liên tiếp 80 triệu đồng.
Ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng ATHENA) cho biết, các nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, tìm mọi cách xâm nhập vào thiết bị. Trên các smartphone chứa rất nhiều thông tin quan trọng, người dùng thường sử dụng để chuyển khoản ngân hàng hay đăng nhập vào các phần mềm chứa thông tin kinh doanh,…Đối tượng lừa đảo xây dựng những kịch bản như những cán bộ gọi cho người dân, đưa ra những áp lực đánh vào tâm lý người dân. Nếu không cảnh giác, người dân thường sẽ nhấp vào những đường link xấu có chứa mã độc, gián điệp sẽ theo những đường link âm thầm ăn cắp dữ liệu.
Luật sư Đỗ Văn Luận (Giám đốc Công ty Luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Những trường hợp sử dụng mạng để chiếm đoạt tài sản mà số tiền dưới 2 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính theo Quy định tại Khoản 1 Điều 81 Nghị định số 15 Nghị định Chính phủ quy định về sử dụng mạng để chiếm đoạt thì khung xử phạt hành chính từ 30 – 50 triệu đồng. Việc chiếm đoạt trên 2 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và khung hình phạt cao nhất là tù chung thân”.
Khi gặp những đường link lạ, người dân không nên nhấp vào. Trên các thiết bị smartphone cần trang bị thêm các ứng dụng phát hiện mã độc. Trước khi nhấp, chúng ta nên kiểm tra các đường link trong phần mềm quét mã độc. Nếu phát hiện mã độc, gián điệp, ăn cắp dữ liệu thì phần mềm đó sẽ thông báo.
Clip Ứng dụng ngân hàng giả mạo chiếm quyền điều khiển thiết bị: https://youtu.be/Mn_vUtpSF5g?si=TkCv2Gc_9ATsLIJu
Lừa đảo qua lời mời bình chọn trên Facebook
Chị Hoàng Anh Thư (TP.HCM) được đồng nghiệp gửi link để bình chọn cuộc thi ảnh cho cháu gái. Vì là người quen nên chị nhấp vào và tài khoản bị khóa, không đăng nhập được. Đối tượng đã sử dụng tài khoản của chị để đi lừa đảo những người khác.
ThS Phạm Đình Thắng (Trưởng bộ môn An ninh mạng, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) cho biết: “Thông thường sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn một, các hacker sẽ tấn công vào tài khoản, sau khi chiếm đoạt thành công thì gửi các lời mời, yêu cầu nhờ bình luận cho con, cháu, người thân. Qua đó, các đối tượng xử lý được vấn đề về mức độ tin cậy. Giai đoạn hai, họ sẽ đưa một đường link cho nạn nhân để đăng nhập và các cài đặt cao đã bị chiếm bởi hacker”. Để tránh sự cố xảy ra, chúng ta nên cài đặt các biện pháp bảo vệ như Authenticator, xác thực 2 lớp sẽ tránh được nguy cơ mất tài khoản. Nhanh chóng thông báo cho người thân, bạn bè để họ đề phòng và giảm thiểu thiệt hại cho những người nằm trong danh sách bạn bè.
Luật sư Nguyễn Văn Hiệp (Giám đốc Công ty Luật New & New) cho biết: “Tùy theo cách thức thực hiện hành vi cũng như mức độ gây hành vi vi phạm pháp luật, những đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nặng nhất là tù chung thân”.
Clip Lừa đảo qua lời mời bình chọn trên Facebook: https://youtu.be/mv8JCXY6z10?si=hDZTZ8xIg0-MVTJQ
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự, xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
VDTonline.vn

Viết bình luận