[Clip]Lời Cảnh Báo: Cẩn trọng trước các dịch vụ cấp lại giấy tờ tùy thân Đời Sống - Tiêu Dùng
Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Cẩn trọng trước các dịch vụ cấp lại giấy tờ tùy thân; Nguy hại từ trào lưu uống nước cốt chanh chữa bách bệnh.
Cẩn trọng trước các dịch vụ cấp lại giấy tờ tùy thân
Chị T.T.N thấy một quảng cáo trên mạng giới thiệu dịch vụ làm lại căn cước công dân nhanh chóng, không cần xếp hàng, chỉ cần gửi thông tin và đóng phí. Do bận công việc, chị không thể đến cơ quan chức năng nên đã liên hệ theo hướng dẫn. Đối tượng lừa đảo cho biết trường hợp của chị “hơi phức tạp” nên phí làm lại căn cước lên tới 5 triệu đồng. Chúng còn gửi một website có giao diện giống hệt trang chính thức của cơ quan nhà nước, khiến chị tin tưởng và chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt liên lạc, số điện thoại cũng không liên hệ được.
Tương tự, anh N.V.K cũng bị lừa khi sử dụng dịch vụ cấp lại hộ chiếu nhanh chóng với giá 2 triệu đồng, hứa hẹn có hộ chiếu sau 3 ngày. Nhưng sau khi chuyển khoản, anh không nhận được bất kỳ phản hồi nào, còn bên cung cấp thì biến mất.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng bộ môn Tội phạm, Trường Đại học Luật TP.HCM, phân tích: “Khi sử dụng những dịch vụ này, người dân cần đặc biệt lưu ý vì toàn bộ dữ liệu cá nhân đã bị trao cho người lạ. Điều này rất nguy hiểm, bởi các đối tượng có thể dùng thông tin đó để đăng ký dịch vụ kinh doanh, thậm chí mạo danh người bị hại làm giám đốc công ty đang nợ tiền”.
Luật sư Phan Quang Thắng, Giám đốc Công ty Pháp lý Giải pháp Tài chính GNHA, khuyến cáo: “Khi cần làm giấy tờ tùy thân, người dân nên trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Ở đó, cán bộ công an sẽ hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo an toàn. Việc liên hệ qua mạng hoặc tin vào những quảng cáo làm nhanh, yêu cầu chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: mất tiền, rò rỉ thông tin mà vẫn không có kết quả”.
Lưu ý, người dân tuyệt đối không nên cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho các dịch vụ không rõ nguồn gốc. Mọi thủ tục cấp phát, làm lại giấy tờ tùy thân đều phải thực hiện thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không may trở thành nạn nhân, cần nhanh chóng thu thập các bằng chứng như tin nhắn, email, biên lai chuyển khoản và trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý. Người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cần thiết để phòng tránh các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.
Clip Cẩn trọng trước các dịch vụ cấp lại giấy tờ tùy thân.
Nguy hại từ trào lưu uống nước cốt chanh chữa bách bệnh
Chị T.N.A (ngụ tại TP.HCM) cho biết, sau khi xem một số video hướng dẫn cho rằng uống nước chanh vào buổi sáng giúp cải thiện sức khỏe và giữ dáng, chị bắt đầu duy trì thói quen uống một ly nước chanh mỗi sáng sau khi thức dậy. Ban đầu, chị cảm thấy nhẹ bụng, tiêu hóa tốt và da dẻ cải thiện. Tuy nhiên, sau khoảng hai tháng, chị bắt đầu xuất hiện tình trạng chướng bụng, đầy hơi. Có lần pha nước chanh quá đậm, chị bị quặn bụng dữ dội. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày cấp do axit chanh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chanh là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g nước cốt chanh có thể chứa đến 53mg vitamin C. Bên cạnh đó, chanh còn có các chất chống oxy hóa và chất xơ từ thực vật”. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Hiệu quả của nước chanh trong việc thanh lọc hay khử độc cơ thể đến nay hoàn toàn chưa có bằng chứng để khẳng định”. Việc chỉ uống nước chanh vào buổi sáng khi bụng đói, theo ông, có thể tạo cảm giác cơ thể nhẹ nhàng, dễ chịu, nhưng đó là cảm giác chủ quan: “Nó không liên quan gì đến việc khử độc. Cơ thể chúng ta tự thân đã có khả năng loại bỏ các yếu tố có hại mà không cần đến nước chanh”. PGS. Lâm Vĩnh Niên cũng lưu ý: “Đối với những người có sẵn bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng, việc uống nước chanh thường xuyên, đặc biệt là khi chưa ăn gì, có thể làm tăng tính axit và gây tổn thương niêm mạc”. Ngoài ra, ông cảnh báo rằng sử dụng quá nhiều vitamin C trong ngày cũng có thể “làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận”.
PGS.TS.BS. Lâm Vĩnh Niên phân tích thêm: “Để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe do chanh gây ra, chúng ta nên sử dụng với mức độ vừa phải. Sau khi uống nước chanh, nên súc miệng hoặc uống thêm nước lọc để làm giảm tính axit trong khoang miệng, từ đó hạn chế tổn thương men răng”. Ông cũng lưu ý về thời điểm sử dụng: “Về phối hợp thức ăn, chanh cũng là một loại thực phẩm. Vì vậy, để hạn chế tính chua, tốt nhất là dùng khi bụng không đói, tức là sau khi ăn, nhằm giúp trung hòa bớt lượng axit của chanh”.
Clip Nguy hại từ trào lưu uống nước cốt chanh chữa bách bệnh.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự, xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
VDTonline.vn

Viết bình luận