Câu Chuyện Cuộc Sống: Làm sao để sự quan tâm không trở thành làm phiền Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Làm sao để sự quan tâm không trở thành làm phiền; Nuôi dưỡng sự lạc quan; Làm ồn nơi yên tĩnh - Ứng xử thiếu văn hóa.
Làm sao để sự quan tâm không trở thành làm phiền?
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng mong muốn được quan tâm, lắng nghe và yêu thương, nhưng đôi khi, những lời hỏi han dồn dập hay những hành động lo lắng thái quá lại vô tình khiến tình cảm chân thành trở thành áp lực.
Em N.T.T.V (TP.HCM) chia sẻ: “Cha mẹ nhiều lần xem điện thoại cá nhân của tôi mà chưa được tôi đồng ý. Dù biết cha mẹ thương tôi nên mới làm như thế, nhưng tôi mong cha mẹ tin tưởng và yêu thương tôi nhiều hơn. Nếu cha mẹ cứ tiếp tục như vậy, tôi rất khó mở lòng với họ”.
Chị N.T.K (TP.HCM) chia sẻ: “Cho dù có thân thiết đến mấy cũng không nên đào sâu vào chuyện riêng của nhau, nhất là những câu chuyện về gia đình, tiền bạc và công việc. Tôi có một chị đồng nghiệp đã gặng hỏi tôi về những chuyện đó khiến tôi cảm thấy không thích và không hài lòng”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Trong các mối quan hệ xã hội, sự quan tâm là yếu tố không thể thiếu. Khi được quan tâm, con người cảm thấy mình có giá trị, từ đó có thêm động lực để hoàn thiện bản thân. Với người thể hiện sự quan tâm, đó là cách thể hiện năng lực, thiện ý và mong muốn giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nếu thể hiện không đúng cách, dù xuất phát từ ý tốt, vẫn có thể gây hiểu lầm. Chỉ khi thấu hiểu đối phương và lựa chọn cách thể hiện phù hợp, sự quan tâm mới thực sự chạm đến trái tim và trở thành cầu nối bền vững giữa con người với nhau”.
Trong thực tế, sự quan tâm đúng cách không phải lúc nào cũng cần lời nói hay hành động lớn lao. Đôi khi, chỉ cần sự hiện diện nhẹ nhàng, một ánh mắt cảm thông hay một cử chỉ tinh tế. Khi hiểu và thể hiện sự quan tâm một cách đúng đắn, chúng ta không chỉ khiến người khác cảm thấy được yêu thương mà còn cảm nhận được sự an toàn và tin tưởng. Đó là giá trị sâu sắc nhất mà sự quan tâm đúng cách mang lại.
Clip Làm sao để sự quan tâm không trở thành làm phiền: https://youtu.be/g8r7y4AQcr4?si=v6-VZJBghmk5iiJB
Nuôi dưỡng sự lạc quan
Trong cuộc sống, không ai có thể lường trước những biến cố sẽ xảy ra với chính mình. Có người bị thử thách bởi khó khăn tài chính, có người đối diện với mất mát tinh thần hay những thay đổi về sức khỏe. Tuy nhiên, có người dù trải qua bao nhiêu biến cố vẫn mỉm cười bước tiếp, trong khi có những người chỉ vướng chút trắc trở đã buông xuôi, khác biệt nằm ở chỗ họ có lạc quan hay không?
Chị N.T.H (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng trải qua một biến cố sức khỏe, khiến tôi phải nhập viện hơn một tháng. Thời điểm đó, tôi chọn cách suy nghĩ đơn giản rằng mỗi ngày tỉnh dậy là một may mắn. Nhờ vậy, tinh thần tôi ổn định, sức khỏe hồi phục cũng nhanh hơn. Đến hiện tại, tôi vẫn giữ thói quen suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề”.
Chị Phạm Thu Trang (TP.HCM) chia sẻ: “Có một thời gian tôi mất việc và bị áp lực tài chính đè nặng, nhưng tôi đã tạo cho mình một thói quen viết nhật ký vào mỗi buổi sáng. Tôi ghi lại ba điều làm cho cuộc sống tôi tốt hơn, dần dần tôi thấy tâm trạng được cải thiện, suy nghĩ về cuộc sống tích cực hơn. Qua đó, tôi có thể mạnh mẽ bước ra tìm một cơ hội mới”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Khi chúng ta có được những tư duy tích cực trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn trong trạng thái bình tâm, nghĩ ra những cách tích cực và nhìn thấy những chiều hướng phát triển tốt của vấn đề. Bởi vì khi chúng ta có sự hy vọng và luôn đặt ra cho mình một mục tiêu, thì chúng ta sẽ luôn có cách để giải quyết nó. Vì vậy, tư duy lạc quan là một trong những yếu tố tiền đề, giúp cho chúng ta dễ dàng giải quyết vấn đề”.
Sự lạc quan hoàn toàn có thể luyện tập mỗi ngày, chẳng hạn như mỗi tối ghi lại ba điều khiến mình biết ơn trong ngày, hay đơn giản là dừng lại năm phút thở sâu và lắng nghe bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xây dựng thói quen tốt bằng cách đọc sách truyền cảm hứng, tránh xa tin tức tiêu cực, dành thời gian cho người thân hay chăm sóc bản thân từ những việc nhỏ như ăn, ngủ, vận động. Biết chủ động tạo ra môi trường sống tích cực cho bản thân chính là nền tảng quan trọng để nuôi dưỡng sự lạc quan.
Clip Nuôi dưỡng sự lạc quan: https://www.youtube.com/watch?v=SYiNdMEO6aQ
Làm ồn nơi yên tĩnh - Ứng xử thiếu văn hóa
Thư viện, bệnh viện, phòng tự học hay những công viên xanh – sự yên lặng không chỉ là điều kiện cần để tập trung hay nghỉ ngơi mà còn là một sự tôn trọng mọi người dành cho nhau. Thế nhưng, nhiều người dường như quên đi những điều đơn giản ấy. Tiếng chuông điện thoại, tiếng trò chuyện ầm ĩ, tiếng loa, tiếng livestream vô tình biến những không gian cần sự yên tĩnh thành những nơi ồn ào, khó chịu.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi từng gặp một tình huống gây ồn nơi công cộng. Khi tôi đang tra cứu tài liệu, một nhóm bạn bước vào, nói chuyện lớn tiếng và đùa giỡn mà không giữ ý tứ. Tiếng ồn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và khiến tôi mất tập trung, tâm trí bị xáo động”.
Bà Phan Tường Yên – Giám đốc Tâm lý Doanh nghiệp & Hành vi Tổ chức - Saigon Psychub – chia sẻ: “Tiếng ồn không kiểm soát, dù ngắn hay dài, đều là yếu tố gây căng thẳng tiềm ẩn. Âm thanh không mong muốn kích hoạt cơ chế nhận diện nguy hiểm trong não, khiến hệ thần kinh giao cảm liên tục phản ứng, gây mệt mỏi tâm lý nếu kéo dài. Với những người đang chịu stress mãn tính, trầm cảm hoặc lo âu, âm thanh càng dễ gây kích động, thậm chí dẫn đến phản ứng mạnh và xung đột”.
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi – Trường Đại học Văn Lang – chia sẻ: “Hiện nay, công nghệ hay các thiết bị cá nhân mang đến nhiều tiện ích và sự tự do. Tuy nhiên, ranh giới giữa tự do và tùy tiện rất gần nhau, chúng ta phải học cách ứng xử lịch sự ở những nơi như thư viện, trường học hoặc nơi công cộng. Trong quá trình làm việc, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị để kết nối âm thanh một cách riêng tư, hoặc có thể giảm âm lượng thiết bị sao cho phù hợp. Đối với các cuộc thảo luận cùng bạn bè, nên nói vừa đủ nghe để đảm bảo sự hài hòa trong không gian công cộng. Những không gian này cũng nên có những hướng dẫn chung để mọi người cùng giữ gìn sự yên tĩnh, đảm bảo không gian riêng tư của mỗi người được tôn trọng”.
Biết giữ yên lặng ở những nơi cần sự yên tĩnh không chỉ thể hiện chúng ta là một người có văn hóa mà còn là cách bày tỏ sự tôn trọng với người khác và chính mình. Đặc biệt, ở nơi công cộng như thư viện, bệnh viện hay khi tham dự những buổi lễ long trọng, sự im lặng là dấu hiệu của sự đồng cảm và tinh tế. Nó gửi đi một thông điệp rằng, chúng ta ý thức được cảm xúc và nhu cầu của người khác.
Link Làm ồn nơi yên tĩnh - Ứng xử thiếu văn hóa: https://www.youtube.com/watch?v=GVGWz-rx8hE
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Báo và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
VDTonline.vn

Viết bình luận