Lời Cảnh Báo: Lừa đảo qua dịch vụ 'kiểm tra sức khỏe online' giả Đời Sống - Tiêu Dùng

Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Lừa đảo qua dịch vụ 'tư vấn tối ưu hóa thuế'; Lừa đảo qua dịch vụ 'kiểm tra sức khỏe online' giả. 

Lừa đảo qua dịch vụ 'tư vấn tối ưu hóa thuế'

Chị N.T.H cho biết đã thấy một quảng cáo trên mạng xã hội về dịch vụ tư vấn thuế với cam kết có thể giúp giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Nghĩ đây là cơ hội tốt, chị chủ động liên hệ và được yêu cầu chuyển 2 triệu đồng phí tư vấn, kèm theo thông tin tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi cung cấp đầy đủ, chị không nhận được bất kỳ giấy tờ hay phản hồi nào, trong khi tài khoản ngân hàng bị rút mất 10 triệu đồng chỉ trong vài giờ. Khi cố gắng liên hệ lại, chị phát hiện mình đã bị chặn số.

Luật sư Phan Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Pháp lý Tài chính Gnha, cho biết việc làm việc với các đơn vị không chính thống có thể dẫn đến rò rỉ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP và nguy cơ mất tiền. “Họ thường yêu cầu chuyển tiền trước và cam kết bằng các hợp đồng dịch vụ, nhưng sau đó người dùng có thể bị mất thông tin và cả số tiền trong tài khoản”, ông cảnh báo. Ông cũng khuyên: “Chúng ta cần lưu lại bằng chứng như trang web giao dịch, chứng từ, email, tin nhắn và số tiền đã chuyển để cung cấp cho công an hoặc cơ quan điều tra khi cần thiết”.

Anh T.V.L, một hộ kinh doanh tại TP.HCM, cho biết sau khi nghe thông tin về một số nghị quyết mới liên quan đến chính sách thuế, do không nắm rõ quy định nên anh đã tin tưởng một người tự xưng là chuyên gia thuế. Người này cam kết sẽ giúp anh tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền thuế nếu sử dụng dịch vụ. Tin lời, anh đã chuyển khoản 5 triệu đồng theo hướng dẫn, nhưng sau đó đối tượng này biến mất và anh không nhận được bất kỳ dịch vụ nào như đã thỏa thuận.

Anh Trương Ngọc Đăng Khoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Đại lý thuế Trương Gia, khuyến cáo người dân và doanh nghiệp nên tìm đến các đơn vị tư vấn thuế uy tín, có chứng chỉ hành nghề và văn phòng rõ ràng. “Nên hạn chế tư vấn online, tuyệt đối không chuyển khoản hay cung cấp mã OTP để tránh mất tiền hoặc bị tư vấn sai”, anh nói. Anh cũng lưu ý: “Người dân nên tìm hiểu các nghị định mới liên quan đến thuế để nắm bắt thay đổi, tránh bị lừa đảo”.

Luật sư Phan Quang Thắng bổ sung: “Đối với những đối tượng có hành vi cố tình lừa đảo ngay từ đầu thì đây là hành vi vi phạm Bộ luật Hình sự, Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt có thể từ 1 đến 7 năm tù, và nếu chiếm đoạt trên 500 triệu đồng thì có thể bị phạt từ 20 năm tù đến tù chung thân”.

Clip Lừa đảo qua dịch vụ 'tư vấn tối ưu hóa thuế': https://www.youtube.com/watch?v=EQoDRWIJ3Pw

Lừa đảo qua dịch vụ 'kiểm tra sức khỏe online' giả

Chị L.T (TP.HCM), đã thấy một quảng cáo trên mạng xã hội về chương trình khám bệnh miễn phí tại một bệnh viện lớn, chỉ cần điền thông tin để đăng ký. Tin tưởng nội dung quảng cáo, chị đã làm theo hướng dẫn và cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, chị được bên quảng cáo mời chào nộp thêm tiền để sử dụng các dịch vụ chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị không thể liên lạc lại với bên cung cấp dịch vụ. Khi gọi trực tiếp đến bệnh viện được nêu trong quảng cáo, chị được thông báo rằng hoàn toàn không có chương trình khám miễn phí nào như vậy.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết các đối tượng lừa đảo thường lập ra trang web giả hoặc sử dụng số điện thoại gần giống với số của bệnh viện lớn để tiếp cận người dân. “Người dân khi truy cập vào các trang web này thường nhầm tưởng đây là trang chính thức của bệnh viện mà họ muốn đến khám chữa bệnh,” bà cảnh báo. Trên những trang giả mạo này, người dân sẽ được hướng dẫn gặp bác sĩ giỏi hoặc đặt lịch vào khung giờ thuận tiện, nhưng để làm được điều đó, họ sẽ được yêu cầu nộp một khoản phí cao hơn bình thường. “Người dân tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản mà tên gọi rất giống với tài khoản của bệnh viện, nhưng thực tế đó là tài khoản giả. Đến lúc này, rõ ràng bệnh nhân đã bị lừa vì đây là một phi vụ giả mạo”, bà nói.

Bác sĩ Chuyên khoa Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM, khuyến cáo người dân nên tìm hiểu thông tin về các chương trình khám bệnh thông qua các kênh chính thức. “Nếu chúng ta muốn tìm hiểu về chương trình nào đó hoặc là một hình ảnh của bệnh viện nào đó, chúng ta có thể truy cập vào website chính thống của bệnh viện. Trong đó có tên miền rồi tên bệnh viện một cách đầy đủ. Đồng thời, những trang đó đều được xây dựng công phu”, ông nói. Ngoài ra, bệnh viện cũng có các tổng đài hỗ trợ tư vấn sức khỏe, giải đáp thắc mắc và tiếp nhận câu hỏi từ người dân. Những chương trình do bệnh viện triển khai, kể cả chương trình miễn phí hay dành riêng cho một nhóm đối tượng cụ thể, đều phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng và được thực hiện đồng bộ cùng các ban, ngành có liên quan.

Ông Phạm Gia Thế cho biết thêm, việc khám bệnh từ xa đã được quy định trong luật, tuy nhiên hiện nay các bệnh viện chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức tư vấn và hỗ trợ đặt lịch hẹn cho người bệnh. “Nếu có các mức phí thì mức phí cũng được niêm yết cụ thể, chứ không phải vì lý do này kia mà thu phí nhiều hơn hay ít hơn, cho nên là chúng ta cần lưu ý điều này”, ông nhấn mạnh.

Clip Lừa đảo qua dịch vụ 'kiểm tra sức khỏe online' giả: https://www.youtube.com/watch?v=8qZkbZW5r7w

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự, xã hội…

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Báo và Đài và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.

VDTOnline.vn

Viết bình luận