Câu Chuyện Cuộc Sống: Trại hè và hành trình trưởng thành của con trẻ Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Trại hè và hành trình trưởng thành của con trẻ; Con ngại thể hiện tình cảm vì cha mẹ quá nghiêm khắc; Biết từ chối đúng lúc.
Trại hè và hành trình trưởng thành của con trẻ
Mùa hè là thời điểm các em nhỏ được tạm rời sách vở để hòa mình vào những trải nghiệm, trong đó có những trại hè. Từ trại hè về kỹ năng sống, tiếng Anh, thể thao đến sáng tạo nghệ thuật. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi đến hàng triệu thậm chí chục triệu đồng để con được tham gia. Những trải nghiệm tưởng chừng đơn giản như leo núi, trồng cây hay làm việc nhóm không chỉ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng mà còn giúp các em hiểu hơn về chính mình, học cách sống tự lập và phát triển bản lĩnh.
Bà Trần Thị Minh Trang – Founder Cộng đồng đồng hành WE GROW UP-WEGU – chia sẻ: “Mùa hè là khoảng thời gian các em nhỏ được nghỉ ngơi, nhưng cha mẹ thì vẫn phải đi làm. Để giúp các em có một kỳ nghỉ ý nghĩa và được giáo dục toàn diện, trại hè đang trở thành lựa chọn lý tưởng cho nhiều gia đình. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là hỗ trợ trẻ tự bồi đắp để trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và tự chủ. Chương trình trại hè không chỉ đơn thuần trang bị kỹ năng mà quan trọng hơn, các em được nuôi dưỡng động lực từ bên trong, rèn luyện khả năng tư duy từ những trải nghiệm thực tế, và hình thành nhận thức về việc phát triển bản thân là một quá trình trọn đời”.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hoàng Long – Trung tâm Tâm lý và Phát triển Con người NHC Việt Nam – chia sẻ: “Trại hè đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức và tâm lý của trẻ nhỏ. Đây là một bước chuyển mình để các em rời khỏi “vùng an toàn” quen thuộc, mở rộng kết nối với bạn bè đồng trang lứa cũng như thế giới xung quanh. Thông qua các hoạt động thực tiễn, trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề – những năng lực thiết yếu cho sự trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em cũng cần thời gian để tiếp nhận và phát triển từ bên trong. Nếu cha mẹ vô tình “ép” con tham gia các trại hè hay khóa học một cách đột ngột, khi tâm lý chưa sẵn sàng, trẻ dễ rơi vào cảm giác lạc lõng, áp lực hoặc xung đột cảm xúc”.
Thạc sĩ Lê Quý Duyên An – Trưởng bộ phận Marketing - Trung tâm Toán trí tuệ Abacus – chia sẻ: “Mùa hè là thời gian nghỉ ngơi nhưng cũng là cơ hội vàng để trẻ phát triển kỹ năng và tư duy. Khi chọn trại hè, phụ huynh nên quan tâm trước tiên đến mục tiêu chương trình – liệu có rõ ràng và phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của trẻ hay không. Một trại hè tốt không chỉ để chơi, mà còn giúp trẻ rèn luyện tính tự lập, giao tiếp và kiểm soát cảm xúc. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên cũng cần có chuyên môn, được đào tạo bài bản và đặc biệt là phải yêu trẻ. Ưu tiên các chương trình có hoạt động đa dạng, học trong lớp, vận động ngoài trời, khám phá thiên nhiên – những trải nghiệm học tập tự nhiên và hiệu quả.Và một trại hè tốt là nơi trẻ thấy vui, thấy mình thuộc về – và muốn quay lại vào ngày hôm sau”.
Khi được đặt vào môi trường phù hợp, trẻ sẽ được khuyến khích thể hiện bản thân, khám phá giới hạn mới và học cách làm việc nhóm. Khi đó, trại hè không chỉ là một dịch vụ mùa vụ, mà trở thành nơi ươm mầm kỹ năng sống – giúp trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, rèn luyện sự tự tin và tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chạy theo số đông, mà cần cân nhắc kỹ lưỡng: chọn chương trình có giá trị giáo dục thực chất, đội ngũ chuyên môn vững vàng và cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ.
Clip Trại hè và hành trình trưởng thành của con trẻ: https://www.youtube.com/watch?v=yuGiwbhlsyA
Con ngại thể hiện tình cảm vì cha mẹ quá nghiêm khắc
Nhiều người trẻ trưởng thành trong gia đình có nề nếp nghiêm khắc thường gặp khó khăn khi thể hiện tình cảm với cha mẹ. Sự cứng rắn và ít bộc lộ cảm xúc từ phụ huynh khiến con cái ngần ngại bày tỏ sự quan tâm, yêu thương. Theo thời gian, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn dần. Nếu không được thấu hiểu và tháo gỡ kịp thời, mối quan hệ gia đình sẽ thiếu sự gắn kết – nền tảng quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu thương bền vững.
Chị L.T.K.M (TP.HCM) chia sẻ: “Ba mẹ nghiêm khắc nên con rất khó để trò chuyện. Con sợ ba mẹ không hiểu, hoặc sẽ la mắng khi con chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Vì vậy, con thường giấu những điều thật lòng trong lòng, dù rất muốn nói ra”.
Anh L.T.K (TP.HCM) chia sẻ: “Là cha, tôi thường phải đóng vai người nghiêm khắc trong nhà. Vợ tôi thì mềm mỏng, nhẹ nhàng. Nhưng nếu tôi cũng nhẹ như vợ thì con sẽ khó vào nề nếp. Nhiều lúc con chỉ cần một cái gật đầu hay lời khen, nhưng tôi không thể hiện được – vì sợ con tự mãn, rồi sao nhãng kỷ luật. Thực ra tôi rất thương con, chỉ là không biết cách bày tỏ tình cảm thế nào cho đúng”.
Thạc sĩ Trầm Tâm Thảo (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều gia đình thường phân chia vai trò – người nghiêm khắc, người mềm mỏng – để trẻ vừa được yêu thương, vừa được rèn nếp. Tuy nhiên, sự phân vai này đôi khi trở nên cực đoan. Khi cha mẹ quá nhập vai, họ có thể quên mất mục đích ban đầu là hỗ trợ nhau, từ đó dẫn đến những phản ứng thái quá. Với đứa trẻ, cách ứng xử thiên lệch ấy dễ tạo ra cảm giác yêu người này, ghét người kia. Lâu dần, tình cảm trong gia đình bị chia cắt thành các thái cực, kéo theo sự mâu thuẫn và thiếu hài lòng giữa các thành viên”.
Một khảo sát cho thấy, trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường ấm áp, gần gũi với cha mẹ có mức độ tự tin cao hơn 60%, ít gặp vấn đề hành vi và có xu hướng thành công hơn trong học tập lẫn sự nghiệp. Vì vậy, cha mẹ hãy là những người thông thái – biết lúc nào cần nghiêm khắc để rèn luyện con nên người, nhưng cũng sẵn sàng mềm mỏng, lắng nghe và đồng cảm để xây dựng niềm tin và sự gắn kết.
Clip Con ngại thể hiện tình cảm vì cha mẹ quá nghiêm khắc: https://www.youtube.com/watch?v=8uI7T7TqkA8
Biết từ chối đúng lúc
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta rơi vào thế khó khi phải nói "không", dù trong lòng không muốn nhận lời. Sự cả nể, ngại làm mất lòng đôi khi khiến ta đánh đổi thời gian, công sức cho những việc không mong muốn, thậm chí trở thành đối tượng bị lợi dụng. Vì vậy, kỹ năng từ chối đúng lúc là điều cần thiết. Biết nắm bắt tâm lý, chọn thời điểm phù hợp và thể hiện sự tinh tế sẽ giúp ta vừa giữ được mối quan hệ, vừa bảo vệ bản thân.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (TP.HCM) chia sẻ: “Đối với tôi, việc từ chối một điều gì đó không chính đáng là hoàn toàn bình thường, vì mình đang nói không với điều không đúng với lương tâm. Nhưng nếu rơi vào tình huống bất khả kháng – buộc phải từ chối một việc mà lẽ ra mình có thể giúp – thì tôi cảm thấy rất bứt rứt. Vì khi đó, tôi muốn giúp, nhưng lại không thể”.
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi – Trường Đại học Văn Lang – chia sẻ: “Trong cuộc sống, nhiều khi dù không muốn, chúng ta vẫn miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị vì ngại từ chối, sợ làm mất lòng. Tuy nhiên, biết nói “không” đúng lúc là cách bảo vệ bản thân – nhất là khi ta không đủ thời gian, năng lực hoặc sự sẵn sàng. Từ chối cũng là cơ hội để nhìn lại chính mình, hiểu rõ giới hạn và định hướng phát triển. Một lời từ chối rõ ràng, chân thành không chỉ thể hiện sự tôn trọng với người khác mà còn giúp giữ gìn mối quan hệ một cách lành mạnh”.
Bà Phan Tường Yên – GĐ Tâm lý & Hành vi TC - Saigon Psychub – chia sẻ: “Để nói lời từ chối một cách lành mạnh, trước hết mỗi người cần học cách chấp nhận sự từ chối. Người biết từ chối tốt là người có thể nói “không” một cách an toàn, không lo mất lòng, vẫn giữ được sự chuyên nghiệp và mối quan hệ tích cực. Tôi cũng học cách hiểu rằng: khi ai đó từ chối, họ chỉ từ chối một đề nghị cụ thể – không phải từ chối con người tôi. Và ngược lại, khi tôi nói “không”, đó là từ chối một hành động, không phải phủ nhận giá trị người khác”.
Từ chối không đồng nghĩa với việc chối bỏ mối quan hệ hay tình cảm, mà là cách mỗi người bảo vệ không gian, thời gian và ranh giới cá nhân của mình. Rèn luyện kỹ năng này giúp chúng ta nói “không” một cách hợp lý, tinh tế, đồng thời nâng cao khả năng quản lý cảm xúc, ra quyết định đúng đắn và xây dựng sự tôn trọng – với chính mình và với người khác.
Clip Biết từ chối đúng lúc: https://www.youtube.com/watch?v=IRgUHZF7X2k
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Báo và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
VDTOnline.vn

Viết bình luận