Mỹ Tâm gỡ MV triệu view vì bản quyền Đối Thoại
Sau khi bị tố vi phạm bản quyền, Mỹ Tâm đã gỡ bỏ MV đạt hơn triệu view một lần nữa làm dậy lên làng sóng về vấn đề vi phạm bản quyền tác giả tại Việt Nam.
Mỹ Tâm cũng vi phạm tác quyền
Mới Trưa ngày 15.2, Mỹ Tâm đã chính thức gỡ MV Anh thì không trên tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến đồng thời gửi lời xin lỗi với khán giả vì những điều này. "Thân chào các bạn! Do chưa tìm hiểu kỹ để đóng tác quyền cho tác giả viết lời Việt cho ca khúc nhạc Pháp" Anh Thì Không" nên tạm thời MTE sẽ khóa bài hát này trên kênh youtube để tôn trọng bản quyền các bạn nhé! Rất xin lỗi khán giả vì sự bất tiện này", Mỹ Tâm viết.
“Anh thì không” là một ca khúc nhạc Pháp được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng viết lời Việt, đây cũng là tác phẩm được Mỹ Tâm thực hiện MV trong dịp tết vừa qua và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội, video clip đạt được hơn 2 triệu lượt xem. Tuy nhiên, “Họa mi tóc nâu” vừa qua đã bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng tố vì vi phạm tác quyền.
Theo nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, trong gần nửa thế kỷ qua, nhiều nghệ sĩ như: Thanh Lan, Ý Lan, Duy Quang, Ngọc Lan, Kiều Nga, Minh Tuyết, Lưu Bích, Thủy Tiên, Minh Hằng, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Thúy Nga... đều thể hiện ca khúc này và xin phép ông hoặc gửi ông tiền bản quyền dù đó chỉ là số tiền mang tính chất tượng trưng nhằm bày tỏ sự tôn trọng tác giả. Riêng Mỹ Tâm và ê-kíp của cô lại không hề xin phép nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.
Nhạc sĩ còn chia sẻ đến hôm nay ông không màng đến lời xin lỗi hay đến chuyện tác quyền từ phía nữ ca sĩ mà chỉ nghĩ, nếu Mỹ Tâm không muốn nhắc đến tên tác giả thì đơn giản nhất là rút tất cả các bài hát trước đây cô hát do ông viết lời Việt và MV "Anh thì không" ra khỏi các sản phẩm cũng như mọi hình thức kinh doanh, biểu diễn, phát hành của mình.
Mới đây, chương trình Sing My Song cũng gặp lùm xùm khi thí sinh Lê Thiện Hiếu bị Thái Quang, giọng ca xuất thân từ cuộc thi The Voice năm 2013 tố đã xâm phạm bản quyền ca khúc.
Cụ thể, vào tháng 8, anh nhận được bản demo ca khúc Nếu ta còn yêu của nhạc sĩ Quốc Tuấn. Vì yêu thích giai điệu và tìm thấy sự đồng cảm, Thái Quang quyết định ký hợp đồng, mua độc quyền bài hát để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra về sau.
Đến tháng 9, top 2 The Voice đã thể hiện ca khúc này ở chương trình Bữa trưa vui vẻ, phát sóng trên VTV3. Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị ra mắt bài hát thì Thái Quang nhận được tin trên các trang nghe nhạc trực tuyến đang phát tán Nếu ta còn yêu do Lê Thiện Hiếu thể hiện. Bản demo ban đầu được nhạc sĩ Quốc Tuấn gửi cho Thái Quang là do giọng ca được yêu thích ở cuộc thi Sing My Song thu âm. Theo thông tin từ Thái Quang khi muốn liên hệ Thiện Hiếu giải quyết về vấn đề bản quyền, thì Hiếu hoàn toàn không nghe máy…
Cũng cách đây không lâu Phạm Hồng Phước cho ra mắt single “Khi chúng ta già” cũng hứng phải “bão” dư luận khi “đạo” thơ từ bài thơ “Khi chúng ta già” của Nguyễn Thị Việt Hà. Vì là một người mới bước chân vào showbiz, nên Hồng Phước đã bối rối trong việc xử lý tình huống này. Với lí do, nhiều sáng tác của mình được gợi mở khi anh bất chợt đọc được trên các trang mạng xã hội. Do không đề tên tác giả nên Hồng Phước không biết Việt Hà là chủ nhân của bài thơ này. Chàng ca sĩ trẻ cũng công khai xin lỗi Việt Hà và người hâm mộ vì đã im lặng trong thời gian xảy ra sự cố. Hồng Phước cũng cho biết sẽ ghi rõ ca khúc "Khi chúng ta già" được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Thị Việt Hà đúng như yêu cầu của chị và sẽ chia sẻ bản quyền tác giả.
Đã đến lúc cần quan tâm hơn về bản quyền
Mới đây, tại sự kiện họp báo ra mắt một dịch vụ truyền hình internet Clip TV với 100% bản quyền MC Quyền Linh cũng đã có chia sẻ: “Bản quyền là một thách thức khá lớn tại Việt Nam, ai cũng rất bực vì mình vừa làm ra nội dung đã phải bị mất trong tay người khác. Theo Quyền Linh Việt Nam cần phải có một hiệp hội bản quyền Truyền hình và điện ảnh, dẫu biết rằng việc này sẽ là những bước đi hơi khó nhưng phải làm, vì chúng ta phải làm người Việt Nam cần phải làm để bảo vệ bản quyền cho những nội dung mà chúng ta đã sản xuất”.
Cách đây không lâu, tại buổi tọa đàm về “Vấn đề bản quyền trong nghệ thuật hiện nay” (do Việt Nam Photo Fair và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ tổ chức). Câu chuyện xoay quanh việc bản quyền nghệ thuật.
Thuộc lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, vấn đề bản quyền luôn luôn được coi trọng. Theo ông, bảo vệ lợi ích cho nghệ sĩ cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng bởi tái tạo sức lao động của những người làm nghệ thuật sẽ giúp họ có khả năng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề bản quyền trước giờ vẫn chỉ được bàn đến với tư cách là vì lợi ích của cá nhân nghệ sĩ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh: “Thế giới từ lâu đã xác định bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Luật pháp này cần được đưa ra để đại diện cho lợi ích của cộng đồng”.
Hiện nay, với sự vào cuộc chưa thật sự mạnh mẽ của các cơ quan chức năng cũng như sự dễ dãi trong thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của công chúng… đã và đang khiến tình trạng vi phạm tác quyền nghệ thuật ở nước ta trở thành câu chuyện chưa có hồi kết. Với những hy vọng của những người sáng tạo nghệ thuật, hy vọng trong một tương lai không xa, vi phạm sẽ dần hạn chế và biến mất, điều này sẽ khiến đời sống văn hóa nghệ thuật của Việt Nam trở nên khởi sắc có thể song hành cùng với các quốc gia láng giềng và khu vực.
Viết bình luận