Lý Nhã Kỳ tươi tắn ngồi ghế nóng chương trình Ảo thuật siêu phàm Đối Thoại
- Lý do Kỳ nhận lời làm giám khảo dù ngoại đạo với bộ môn ảo thuật này? Kỳ nghĩ ảo thuật là môn nghệ thuật mà người bình thường cũng khó tiếp cận. Bản thân Kỳ khi xem các ảo thuật gia trình diễn cũng luôn tự hỏi: “sao họ có thể làm được những điều đó?”. Cho đến khi làm giám khảo chương trình, qua mấy buổi ghi hình vừa rồi, Kỳ thấy các bạn thí sinh thực sự “siêu phàm”. Ngoài kỹ năng chuyên môn cần thiết thì các bạn ấy còn thể hiện được tài năng diễn xuất rất tài tình nữa. Thực sự Kỳ rất vui khi lần đầu tiên được tham gia một sân chơi chuyên nghiệp và đẳng cấp dành cho bộ môn ảo thuật. Kỳ nghĩ đây là cơ hội để các thí sinh có dịp cọ xát, giao lưu học hỏi lẫn nhau và với các ảo thuật gia quốc tế. Vì vậy Kỳ rất ủng hộ chương trình này.
- Ngoại đạo với ảo thuật, là vị giám khảo duy nhất không biết về ảo thuật, liệu khi ngồi “ghế nóng” thì Lý Nhã Kỳ sẽ đưa ra nhận định và chấm thi thế nào với thí sinh?
Kỳ nghĩ nhà Đài cũng như nhà sản xuất chọn Kỳ không phải vì Kỳ là nhà ảo thuật gia chuyên nghiệp, mà chọn vì Kỳ sẽ là nhân vật giám khảo có cặp mắt nhìn của một khán giả. Ảo thuật xét cho cùng là để chinh phục công chúng, những người không biết gì về ảo thuật. Bởi vậy, Kỳ tin rằng mình sẽ là nhân tố cân đối khi ngồi ở vị trí giám khảo cùng 2 ảo thuật gia chuyên nghiệp khác là Petey Majik và Palmas Nguyen. Hai anh đó là ảo thuật gia chuyên nghiệp, xem thí sinh trình diễn họ rất dễ phát hiện ra kỹ năng của các thí sinh. Vì thế để chinh phục được họ rất khó. Nhưng để chinh phục một khán giả có đôi mắt thường và không chuyên về ảo thuật như Kỳ cũng rất quan trọng. Vì nếu không chinh phục được tôi tức là không chinh phục được khán giả rồi (cười).
Quả thực với cặp mắt của một khán giả bình thường, tôi đã có những trải nghiệm và cảm nhận thật sự khi làm giám khảo chương trình này. Ví như có những màn trình diễn mà với hai vị giám khảo nam có thể là bình thường, nhưng tôi thì thực sự giật mình thon thót.
- Bận rộn với công việc kinh doanh, lý do nào thuyết phục Lý Nhã Kỳ nhận lời làm giám khảo đồng hành cùng chương trình dài hơi này có phải vì Cát sê?
- Đúng là tôi rất bận rộn. Vừa nãy thôi trên đường tới buổi gặp gỡ này, tôi có nói với một người bạn ngồi cùng xe rằng, xưa bận mấy thì cũng chỉ ít ngủ thôi, giờ bận rộn đến nỗi chỉ được phép chọn ăn hoặc ngủ chứ không thể vừa ăn lại vừa ngủ. Như đêm qua tôi thức đến 1h sáng để sắp xếp hành lý, xong xuôi vừa đói lại vừa buồn ngủ, nhưng nếu ăn thì lại mất thời gian nên tôi chọn ôm bụng đói đi ngủ, đến 7h sáng hôm sau ra sân bay thì ăn rồi ngủ tiếp trên máy bay.
Lần này được bên nhà Đài và đơn vị sản xuất tin tưởng mời vào vị trí giám khảo của một sân chơi ảo thuật, tôi nhận lời với mong muốn duy nhất là có thể góp phần nào giúp khán giả hiểu và tiếp cận với bộ môn này.
Có dịp ngồi chấm chọn các thí sinh của chương trình này rồi tôi càng thấy ảo thuật rất hay. Tôi tin rằng chương trình này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về ảo thuật, nhìn thấy sự đam mê của các bạn trẻ yêu ảo thuật ở Việt Nam. Ở Việt Nam chưa có sân chơi, cũng là chưa có trường lớp đào tạo bài bản về môn này, “profile” của các thí sinh hầu hết đều là tự học, tự mày mò qua sách vở, youtube, tự mua sách về học...Đấy là điều đáng nể. Qua chương trình, mọi người sẽ thấy có nhiều thí sinh khó khăn, phải biểu diễn ảo thuật ở ngoài đường phố để mưu sinh, chưa được coi trọng. Điều đó rất cảm động. Đây xứng đáng là chương trình mà cho dù nhà Đài không trả tiền cát-sê, tôi cũng xin được làm.
Với những điểm cộng ý nghĩa như vậy với một gameshow thì cát-sê với tôi không có ý nghĩa gì.
Ông Nguyễn Phương – đại diện công ty ADT - Giám đốc sản xuất “Ảo thuật siêu phàm”: Giữa lúc gameshow về ca nhạc đang thịnh hành trên sóng truyền hình, khán giả cũng bắt đầu bị bão hòa. Vì thế khi gặp gỡ nhà sản xuất chương trình gốc “Amazing Magicans” của phía Trung Quốc, ATD thấy format của chương trình này rất mới nên đã quyết định chọn format hoàn toàn mới này để Việt hóa thành “Ảo thuật siêu phàm”.Bản thân môn ảo thuật và các ảo thuật gia Việt Nam cũng khá thiệt thòi vì ít được nhắc đến trên sóng truyền hình và vẫn chưa có sân chơi quy mô chuyên nghiệp. Vì thế qua chương trình này, ATD và VTV rất muốn nâng tầm ảo thuật và đưa bộ môn nghệ thuật thú vị này vươn ra thế giới. Đây là năm đầu tiên chương trình được thực hiện. Nếu thành công và tiếp tục được tổ chức, đơn vị sản xuất có thể sẽ mở rộng đối tượng thí sinh để các ảo thuật gia Việt kiều cũng có thể tham gia.
BTV Diệp Chi – đại diện VTV3:
Có rất nhiều lý do để VTV3 quyết định đồng hành cùng ADT sản xuất chương trình này. Trong đó lý do đầu tiên là mong muốn mang đến cho khán giả “món ăn” tinh thần mới giữa lúc nhiều chương trình gameshow ca nhạc đang được phát trên màn ảnh nhỏ. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức, chưa biết có hay hay không nhưng chắc chắn là lạ. Bản thân tôi khi xem những buổi ghi hình chương trình diễn ra vừa qua cũng thấy có rất nhiều cảm xúc. Theo dõi các thí sinh trình diễn mới thấy quả thực, ảo thuật không chỉ là ngôn ngữ biến hóa tài tình mà thông qua đó còn kể cho người ta nghe nhiều câu chuyện.
Đặc biệt, đằng sau ánh sáng lung linh của sân khấu còn là cuộc đời thật rất cảm động của nhiều thí sinh. Đó là những người vẫn đang ngày đêm mưu sinh ngoài đường, ở các hội chợ nhờ vào tài ảo thuật của mình mà chưa một lần được bước lên sân khấu lớn.Với tất cả những yếu tố văn hóa, nhân văn và có giá trị đó thì không có lý do gì VTV3 lại không đồng hành sản xuất chương trình này.
MC Nguyên Khang: Trong vai trò “host” của chương trình, Nguyên Khang cũng đã rất xúc động khi được biết câu chuyện đời thường của nhiều bạn thí sinh. Mọi người vẫn nghĩ ảo thuật là bộ môn của những người giàu có vì tiền mua đạo cụ thôi cũng rất đắt. Tuy nhiên trong cuộc thi này, khán giả sẽ thấy có thí sinh hoàn cảnh rất khó khăn – cha mẹ chia tay, một mình mẹ vất vả nuôi thí sinh này khôn lớn nhưng vẫn chạy vạy để có tiền cho con mua đạo cụ làm ảo thuật. Cũng bởi vậy, tôi rất mong chương trình lần này sẽ chắp cánh cho ước mơ đến với ảo thuật của những bạn thí sinh này.
Giám khảo Petey Majik:
Từng biểu diễn ảo thuật ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau, lần này đảm nhận vai trò giám khảo chấm thi các tiết mục ảo thuật, anh thấy có gì khác biệt?
- Khác nhiều chứ, tôi rất vinh hạnh được chọn vào vị trí giám khảo của chương trình. Gần 7 năm trước khi mới về Việt Nam, tôi dõi theo và nhận thấy ở Việt Nam có rất nhiều người giỏi về ảo thuật. Điều khác biệt lớn nhất là các ảo thuật gia của Việt Nam chủ yếu không được đào tạo bài bản qua trường lớp nào mà chủ yếu là tự mày mò, tự học qua sách vở, Youtube…Chỉ ngay việc tự học thôi đã cho thấy các bạn say mê bộ môn ảo thuật này thế nào. Bản thân tôi khi ngồi ghế giám khảo chấm chọn cũng nhận thấy mình có thể học được nhiều thứ từ chính các thí sinh.
Giám khảo Palmas Nguyen: Được làm giám khảo chương trình lần này là niềm vinh hạnh đối với Palmas. Tôi theo ngành nghề này tại Mỹ đã khá lâu, diễn ảo thuật cho các trung tâm ở hải ngoại và sau có duyên được đề cử làm Chủ tịch Hiệp hội Ảo thuật I.M.S tại VN. Lúc đầu, tôi cũng do dự khi được mời vào chiếc ghế Chủ tịch Hiệp hội này nhưng sau thấy ở VN cso ảo thuật gia giỏi tài nhiều, phần đông tự học nhiều qua Youtube, Facebook…Phần đông tự học nên tôi nhận làm Chủ tịch Hiệp hội Ảo thật I.M.S tại Việt Nam với mong muốn có thể làm đường dây kết nối ảo thuật Việt Nam với thế giới. Bản thân tôi rất muốn đưa nhân tài, những người siêu giỏi về ảo thuật ở Việt Nam vươn tầm ra quốc tế. Chương trình này chính là cơ hội đó, sân chơi đúng nghĩa ảo thuật cho các bạn đam mê bộ môn này thật sự.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng – đạo diễn chương trình:
Mặc dù chương trình được Việt hóa từ một gameshow nước ngoài nhưng đã được dàn dựng lại theo cách rất riêng. Tôi tin rằng sau khi xem, nhiều người sẽ cảm nhận được sự sáng tạo riêng đó. Tất cả ngôn ngữ về màu sắc văn hóa đưa vào ảo thuật để kể câu chuyện một cách sinh động, vừa mang tính nhân văn, lại vừa mang tính giải trí cao. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả có cơ hội tiếp cận với một chương trình gameshow giải trí về ảo thuật được dàn dựng công phu không chỉ về kỹ thuật mà còn cả yếu tố nghệ thuật, có tính giải trí rất cao. Thí sinh trong Nam ngoài Bắc cùng so tài trên một sân chơi.
GIAO LƯU BÁO CHÍ:
1, Khi thực hiện chắc hẳn sẽ có các tiết mục, màn trình diễn ảo thuật căng thẳng và mạo hiểm, làm thế nào để đảm bảo yếu tố hài hòa khi lên sóng mà vẫn không làm giảm bớt sự hấp dẫn?
2, Từ trước đến giờ các gameshow của VTV3 chủ yếu ghi hình ở phía Nam, lần này quay ở Hà Nội có phải là bước khởi đầu cho thấy, VTV3 sẽ tập trung phát triển mảng gameshow quay ở ngoài Bắc hay không?
- BTV Diệp Chi: Nhiều người cứ nghĩ việc ghi hình các gameshow ở ngoài Bắc có lợi nhiều hơn nhưng thực sự việc di chuyển lượng nghệ sĩ chủ yếu ở trong Nam ra ngoài này để ghi hình là nỗ lực rất lớn của nhà sản xuất. Mong muốn của VTV3 khi chương trình này lên sóng là không chỉ đem đến cho khán giả cả nước “món ăn” tinh thần mới mà còn tạo ra làn sóng nho nhỏ với khán giả Thủ đô. Trên thực tế, dù địa điểm ghi hình khá xa (nhà thi đấu huyện Thanh Trì) nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nhiệt tình đến cổ vũ và xem các buổi ghi hình. Vì vậy tôi nghĩ việc ghi hình ở đâu không quan trọng bằng việc sau khi lên sóng, chương trình sẽ đến được với bao nhiêu khán giả.
3, Trong 3 giám khảo, có giám khảo sinh sống nước ngoài nhiều năm. Trong khi giám khảo trên truyền hình cần sự hoạt ngôn, sợ các giám khảo chưa thực sự hoạt ngôn, bí từ, không được tự nhiên lắm hay không?
- BTV Diệp Chi: Đó cũng là lo lắng của người dẫn chương trình chuyên nghiệp và hoạt ngôn như Nguyên Khang. Khi dẫn chương trình này, lúc nào giám khảo nói tiếng Anh thì Nguyên Khang lập tức có thể chuyển ngữ sang “phụ đề” tiếng Việt. Nói vui vậy chứ với 2 vị giám khảo nam, tuy sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng cũng chung sống với bộ môn ảo thuật từ nhỏ nên việc đưa ra nhận xét khi theo dõi một tiếc mục ảo thuật trên sân khấu cũng không có gì quá khó khăn.
Mai Thủy
VDTOnline.vn (Văn hóa - Doanh nhân - Thể thao)
Viết bình luận