Minh Trường không cảm thấy lép vế khi mang cải lương thi thố với nhạc dance Đối Thoại
'Kép đẹp cải lương' Minh Trường gây bất ngờ khi hai lần giành giải nhất tuần sau 4 đêm thi. Anh trải lòng về khoảng thời gian khó khăn mới vào nghề, cũng như những dự định, ấp ủ tại sân chơi Tinh Hoa Hội Tụ.
Đêm thi thứ 4 với chủ đề Hiếu, Minh Trường trình diễn ca cảnh Trái tim người mẹ cảm động, đầy kịch tính, khiến nhiều khán giả rơi lệ. Tiết mục lấy ý tưởng từ vở cải lương Tiều phu bỏ mẹ kể về đứa con trai bỏ rơi người mẹ bị tâm thần ở rừng.
Sau tiết mục, Thanh Hằng nghẹn ngào cám ơn tác giả Tô Thiên Kiều đã viết ra một kịch bản ngắn mang đầy giá trị nhân văn. Thanh Hằng khóc: “Phần dàn đựng chỉ với hai mẹ con nhưng đều khiến chúng tôi rơi nước mắt, các diễn viên diễn xuất sắc, lấy cảm xúc khán giả”. Minh Trường nhận được 39,80 điểm, cao nhất trong đêm thi.
Trong đêm mở màn Tinh Hoa Hội Tụ, Minh Trường cũng xuất sắc thể hiện 3 nhân vật trên sân khấu để kể về những khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật cải lương và giành điểm cao nhất. Bằng tiết mục nội tâm xúc động, kết hợp với trích đoạn nhỏ Vụ án vườn Lệ Chi, Minh Trường khéo léo kết hợp với những câu hát ngọt ngào, truyền đi thông điệp “khi thể hiện niềm đam mê, là chính mình, anh sẽ không còn sợ hãi”.
Nhận được nhiều lời khen, hai lần nhất tuần sau 4 đêm thi, Minh Trường cho biết anh vui nhưng đầy áp lực bởi phải cố gắng nhiều hơn ở các đêm thi còn lại. Theo Minh Trường, những gì anh thể hiện là dịp anh giới thiệu sân khấu cải lương đến khán giả bằng các màu sắc khác nhau.
Minh Trường chia sẻ trước đây nhiều chương trình mời nhưng anh từ chối và Tinh Hoa Hội Tụ là chương trình đầu tiên anh tham gia với tư cách cá nhân. Anh mong muốn giới thiệu bản thân cũng như nghệ thuật đến với khán giả trẻ vì cải lương ngày nay không có nhiều kênh để khán giả tiếp cận. Thứ hai vì chương trình mang ý nghĩa thiện nguyện, các thí sinh đoạt giải nhất tuần đều trích một nửa tiền thưởng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Minh Trường trải lòng về khoảng thời gian khó khăn khi mới vào nghề. Những năm 2001 – 2002, anh đi múa và dạy cho một số học trò đã thành danh như Huỳnh Mến, anh còn là vũ công cho các ca sĩ và tham gia nhóm hát. “Ngày đó, tôi bươn chải và thấy sự cạnh tranh trong nghề quá lớn. Tôi bỏ cuộc, đi học quản lý nhà hàng khách sạn nhưng duyên nợ đưa đẩy đi thi Chuông Vàng Vọng Cổ. Từ đó, tôi nhận ra tình yêu dành cho bộ môn cải lương này”, anh kể lại.
Cải lương đã là năng khiếu nhưng từ nhỏ niềm đam mê anh dành cho sân khấu cải lương không nhiều dù anh là con nhà nòi của nghệ sĩ ưu tú Hoài Sơn, đang công tác ở Đoàn Văn công Đồng Tháp. Một thời gian dài chật vật tìm hướng đi thì câu vọng cổ lại là cái duyên giúp Minh Trường trở về với nghiệp Tổ. Anh giành được nhiều thành tích với: giải nhất Chuông vàng vọng cổ 2014, giải nhất Giọt nắng phù sa 2011, giải nhất Bông Lúa Vàng 2011, huy chương Bạc giải Tài năng trẻ toàn quốc 2012. Minh Trường có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả khi được Nhà hát Trần Hữu Trang mời về cộng tác để có cơ hội trau dồi nghề nghiệp.
Minh Trường thổ lộ những nghệ sĩ cải lương như anh dù không “ồn ào” nhưng sống tốt với nghề. Anh “ổn” về nghề và kinh tế bởi sân khấu cải lương không có cạnh tranh khốc liệt như ngành khác. Nam nghệ sĩ thổ lộ trước giờ anh ngại thi chương trình vì các cô chú cải lương trong nghề không có cái nhìn thiện cảm về gameshow. “Các chương trình trên truyền hình không phải xấu nhưng người làm chương trình, người thi phải ý thức mang đến khán giả những điều tốt đẹp, những gì mà nghệ thuật sân khấu cần truyền tải”, anh nói.
Minh Trường cho biết mức cát-xê của nghệ sĩ cải lương khi hát trên sân khấu một đêm cao hơn các diễn viên sân khấu kịch. Nghệ sĩ cải lương gạo cội được trả cát-xê cao nhưng ít đi sự kiện bên ngoài so với ca sĩ hay diễn viên.
“Ngày xưa các đào, kép chánh kí hợp đồng về đoàn của các bầu show thường sẽ nhận khoản tiền tương đương 1 căn nhà hoặc xe hơi, có khi cả hai. Còn ngày nay, sao hạng A của cải lương đi sự kiện cát-xê cao nhất tầm 50 triệu đồng trong khi các sao hạng A của ca nhạc, hài kịch thường là vài trăm triệu”, anh tiết lộ.
Các sân khấu xã hội hóa đang hoạt động tốt nên tần suất nghệ sĩ hát sân khấu được cải thiện hơn. Sân khấu ít nhưng nghệ sĩ có thể kiếm sống từ các show đám tiệc, nhất là dịp cuối năm và Tết. Nghệ sĩ ai cũng mong hát trên sân khấu lớn nhưng phải tùy lịch nhà hát, có ngày diễn nhiều, có ngày lại… nằm không.
Minh Trường chia sẻ cảm xúc khi đi hát đám: “Tôi thấy cải lương đang trở về cái nôi của đờn ca tài tử ngày xưa, hát chủ yếu phục vụ cho vua chúa hay một bộ phận địa chủ giàu có. Gia đình người ta mời tôi đến, khách thích nghe thì tôi hát nhiều, không thích thì hát ít. Nếu khán giả thật sự yêu mến thì bao nhiêu tiền cũng hát, còn không tôn trọng thì có cho vàng tôi cũng không đi. Ai cũng mong mình được tôn trọng nhất là nghệ sĩ và nghề nghiệp của mình”.
Lên Sài Gòn gần 20 năm để làm nghề, trải qua quãng thời gian đứt quãng với nghề và 8 năm đứng trên sân khấu cải lương, Minh Trường đang chắt lọc cơ hội tại Tinh Hoa Hội Tụ. Anh không cảm thấy “lép vế” khi mang cải lương thi thố với các lĩnh vực khác như nhảy múa, ca nhạc, hài kịch. Anh tin rằng sau mỗi tiết mục, khán giả sẽ nhìn khác đi về sân khấu cải lương.
Các đêm thi tới, anh ấp ủ mang những nét đặc trưng của sân khấu: các tuồng cổ, cải lương xã hội và đa dạng vai gồm hiền, ác hoặc hài lẳng. Bên cạnh đó, anh sẽ làm 1, 2 tập có màu khác với nhân vật của mình, để tiếp cận đối tượng khán giả khác. Anh chia sẻ không áp lực khi danh ca Phương Dung làm giám khảo, bởi anh tự tin với kinh nghiệm bản thân. “Tôi muốn qua những tiết mục mang đến làn gió lạ, khán giả có những cái nhìn mới mẻ hơn về sân khấu cải lương. Nếu tôi mãi ôm cái cũ, không dám thử thách thì sân khấu cải lương mãi mãi khó tiếp cận với mọi người”, anh thổ lộ.
Mai Thủy - VDtOnline.vn
Viết bình luận