Quốc Tân – Làm nghề đừng tưởng chỉ có… hào quang Đối Thoại

Trải dài trên 10 năm “lầm lủi” ở phim trường, đóng gần 30 phim trên đủ các màn ảnh lớn nhỏ. Giờ đây niềm vui của anh chàng có vẻ “đạo mạo” là mỗi khi ra đường được nhiều khán giả nhận ra và hỏi : Anh có phải là diễn viên không? Tôi thích anh đóng phim lắm, nhất là các vai Công an và những vai hiền hậu.

Nếu gặp Quốc Tân ngoài đời, bạn sẽ thấy đây là một chàng trai độc thân vui tính, hoà đồng, trẻ trung nhưng… khó tính. Khán giả dễ dàng nhận ra ông Tâm, một người cha giàu có ở thành phố goá vợ nhưng sống nhân hậu với mọi người, tình nghĩa với bạn thân (Nguyễn Hậu). Ông luôn là người hết lòng lo cho con gái (Lê Bê La) ăn học, lấy chồng trong bộ phim Duyên nợ miền tây của đạo diễn Trần Ngọc Phong. Việt, chàng công an hình sự phá rất nhiều vụ án ly kỳ trong phim Luật giang hồ của cố đạo diễn NSUT Bùi Cường. Vai Thuận, bạn thân Huỳnh Văn Nghệ (Huỳnh Đông) trong phim đình đám Vó ngựa trời nam của đạo diễn Lê Cung Bắc. Ngoài ra còn một số phim khán giả yêu thích như Mỹ nhân sài thành, Đất mặn (đạo diễn Tường Phương), Ánh sáng thiên đường, Tình thù hai mặt... Với lượng phim tham gia như thế, rõ ràng Quốc Tân đã là một gương mặt kỳ cựu của làng phim truyền hình phía nam. 

 

Từng bỏ nghề vì gia đình bị… phá sản

Với anh hạnh phúc nhất là được khán giả nhận mặt nhớ vai, được nhiều khán giả xa gần xin được chụp hình lưu niệm, hỏi thăm vài ba câu xã giao… đó là một niềm vui khó tả. Bởi được sống trọn với niềm đam mê sau một thời gian dài ngắt quảng là một điều anh không dám mơ đến.

Quốc Tân sinh ra ở Biên Hoà - Đồng Nai, 7 tuổi lên Sài Gòn sống cùng gia đình. Những tưởng “cậu ấm” sẽ được thăng hoa với cái mộng làm diễn viên khi anh đăng ký vào khoá học của trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật với những gương mặt hiện nổi tiếng như: Mai Hoa, Hoàng Trinh, Mỹ Khanh, Dị Thảo, Minh Trí, Hương Giang… Đây là khoá đào tạo để bổ sung các diễn viên chính cho hai đoàn Kịch trẻ và đoàn Cửu Long giang thời bấy giờ.

Sau ba năm mài dùi kinh sử, đang bước vào giai đoạn làm bài thi để tốt nghiệp, thì nổi buồn ập đến: công việc làm ăn của Ba Má Quốc Tân bị kiệt quệ, nợ nần. Nên buộc anh phải nghỉ học để lo cho gia đình. Lần nghĩ học đó, Cô Bạch Lan trưởng đoàn kịch nói trẻ, chủ nhiệm lớp thông báo một cách “nặng nề”: “Em nghĩ như vậy là vi phạm hợp đồng, 3 năm trời nhà nước nuôi em ăn học, em chưa đóng góp được gì… em ơi, suy nghĩ lại nhe!”

Lúc đó Quốc Tân chỉ còn biết năn nĩ cô giáo: “Con nghỉ để đi làm nghề khác lo cho gia đình bớt khó khăn, chứ không phải con phản bội theo đoàn khác, mong cô thương tình cho hoàn cảnh của con… Nếu cô đền hợp đồng, con cũng không có tiền để mà đền, cô ơi!”.

 

Một thời khốn khó

Nhớ lại giai đoạn này, Quốc Tân bùi ngùi: “Thời mộng mơ của một nghệ sĩ trẻ nó tăng động lắm, nhưng đứng trước một thực tế nghiệt ngã buộc mình phải bỏ nghề, đau lắm, xót lắm nhưng chỉ biết cắn răng mà chịu!”

Bởi với anh, những buổi học diễn xuất, những đêm lén đi dán poster quảng cáo trên các ngã đường, đọc lời giới thiệu kịch truớc giờ diễn, rồi những vai “nháng xẹt” trên sân khấu với đồng lương ít ỏi… mãi mãi là những kỷ niệm đẹp khó quên.

Nhưng trước cảnh nhà thiếu trước hụt sau, anh chỉ nghĩ đến học cái nghề gì nhanh nhất để kiếm tiền. Anh chọn học ngành du lịch, học luôn nghề tài xế. Song song đó học luôn ngoại ngữ tiếng Anh và Hoa ngữ với mục đích rất rõ ràng: Kiếm tiền lo cho gia đình.

 

Sau hai năm rưỡi tiếp tục vừa học vừa làm các công việc lao động phổ thông để có tiền đóng học phí, cầm trên tay bằng lái xe, bằng ngoại ngữ và đặc biệt là bằng hướng dẫn viên du lịch, Quốc Tân hớn hở vào đời.

 

Anh nhớ mãi cái lần đi với người bạn để thi tuyển vào một khách sạn 5 sao. Phải đợi gần 2 tiếng, hổng hiểu sao người bạn của Tân run quá nên bỏ thi. Ngay lúc cô thư ký hỏi có muốn dự thi không, Tân đánh liều bước vào thi thử với tâm lý thi cho biết, cho có kinh nghiệm người nước ngoài phỏng vấn thế nào. Vậy mà, cuối cùng gần 200 người thi, Tân lọt vào danh sách 2 người thi đậu với số điểm cao nhất.

Đi làm với tinh thần của một thanh niên mới vào đời, Quốc Tân tận dụng sức trẻ, nhận một lúc 2 công việc ở hai nơi khác nhau, với phương châm “cày” để kiếm tiền. Cứ 6 giờ sáng làm đến 2 giờ trưa, rồi chạy qua khách sạn kiếm chỗ nào đó chợp mắt khoảng 15 phút là thay đồ nhận ca mới. Về tới nhà bước lên giường ngủ là gần 1 giờ sáng. Vất vả suốt mấy năm trời, với Tân đây là thời gian phụ giúp gia đình một cách trọn vẹn nhất bằng số tiền lương anh kiếm được qua công sức của chính mình.

Riêng khoảng thời gian thành đạt nhất là lúc anh làm trưởng phòng đại diện cho một công ty lớn ở Hàn Quốc, chuyên cung cấp các loại xe chuyên dụng trong ngành xây dựng cầu đường, các loại xe khách, xe tải, xe ben... đã qua xử dụng cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Thời điểm này, anh bay qua Hàn Quốc, Philippine như cơm bữa để đàm phán hợp đồng kèm theo nhiệm vụ phiên dịch. Đây là thời điểm giúp anh tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và một số vốn kha khá, tạo dựng “cơ đồ” cho mình sau này.

Khi giám đốc làm… diễn viên

Khi kinh tế ổn định phần nào, nổi đam mê, lòng yêu nghề lại trổi lên sau 18 năm xa cách và anh quyết tâm tìm cách quay lại với nghề diễn với phương châm: Không phải để nổi tiếng, mà để thực hiện được đam mê của mình. Năm 2004 đọc báo thấy tin bộ phim Dưới cờ đại nghĩa tuyển diễn viên, trong lòng chộn rộn khó tả, vậy mà anh cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, rồi lại tạm gác qua. Mãi một năm sau có người rủ anh đi đóng phim quảng cáo, anh mừng như bắt được vàng. Mới sáng sớm, anh chạy xe hơi, mặc áo vest ra hiện trường. Đợi suốt buổi sáng sao chẳng thấy ai nói đến mình, đến khi nghe tay trợ lý la to giữa đám đông: “Ai đóng quần chúng thì khỏi trang điểm, vô thay quần áo…”. Lúc đó, anh biết phận của mình quá nhỏ nhoi, nên lẳng lặng ra xe trốn về mà không dám nói với một ai!

Gặp lại bạn … hiền

Nhớ nhất lần gặp lại bạn học cũ là nữ đạo diễn Mỹ Khanh đang làm phim U6 & U7, Quốc Tân mạnh dạn xin vai: “Bạn có thể cho mình đóng phim không? vai gì cũng được, mình thèm quay lại làm diễn viên quá”. Thế là anh được Mỹ Khanh ưu ái tạo cho cơ hội. Mới đầu đạo diễn chỉ giao vai nhỏ hai ba phân đoạn, nhưng may mắn lúc đó có anh diễn viên đàn anh do bận việc đột xuất không tham gia được, thế là Quốc Tân được đôn lên thế vai đó cộng thêm một diễn viên khác cùng tuyến nhân vật cũng vì lý do bất khả kháng bỏ vai nữa chừng nên dạo diễn dồn thêm số phân đoạn còn lại cho Quốc Tân. Đây được xem là cơ hội vàng để anh có nhiều đất diễn để chứng minh khả năng diễn xuất của mình. Lần đầu tiên đóng phim, Quốc Tân được diện kiến toàn “cao thủ” như: Mạc Can, Hồ Kiểng, Việt Anh cô Kim Chi, Lê Bình, Bo Bo Hoàng, Trần Vịnh, Lương Mỹ, Tuyền Mập... Đây được xem là vai diễn Bác sĩ dài hơi đầu tiên của anh chàng Quốc Tân.

Đến phim Muối mặn gừng cay, Quốc Tân được chọn vào vai thứ, một ông chủ hãng dệt ở miền quê hiền lành, chân chất. Anh tốt bụng yêu đơn phương một cô gái xinh đẹp cá tính. Quốc Tân tâm sự: “ Phải nói là tôi luôn thầm biết ơn chị Hoàng Mai phó đạo diễn đã giới thiệu tôi với đạo diễn Lê Ngọc Linh. Lần đó, dù bị đạo diễn chê mập, tôi đã kiên trì giảm ốm được 5 ký trong vòng 22 ngày và tôi đã được lên đường ra tận Quảng Nam… đóng phim suốt một tháng trời.

Lớn lên từng vai diễn

 

Đến phim Trò chơi sinh tử Quốc Tân vào vai cán bộ Trần văn Thời, một nhân vật có thật ngoài đời khiến Quốc Tân tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu để làm tròn vai diễn. Đến phim Luật giang hồ Anh được cố đạo diễn NSUT Bùi Cường ưu ái giao anh vào vai chiến sĩ công an, phá rất nhiều vụ án hấp dẫn, khiến khán giả nhớ nhiều về anh công an hình sự tuyệt vời và được các đạo diễn tiếp tục tin tưởng giao những vai công an trong nhiều phim sau này như Đường chân trời (đạo diễn Nam Quang ), Truy tìm hung thủ (đạo diễn Minh Cao), Con đường hoàn lương (đạo diễn Nhâm Minh Hiền)... và cũng từ đây anh đã tạo nên “thương hiệu”: Tân công an.

 

Ấn tượng nhất phải kể đến vai diễn trong phim Ký sự pháp đình, khi anh lần đầu được làm việc với đạo diễn tên tuổi, nghiêm túc trong nghề - NSUT Tường Phương.

Tân kể: “Một vai luật sư tuy ngắn, nhưng đòi hỏi tâm lý, khả năng diễn  xuất cao. Quốc Tân cũng phải trầy trật vì những yêu cầu của đạo diễn. Lần đó, trước khi được phân vai, phó đạo diễn Nam Yên cũng phải  đứng ra bảo lảnh, anh mới được chấp nhận vào vai. Đến giờ đã hơn 10 năm Tân vẫn còn nhớ như in: Cảnh anh quay lưng đi lửng thửng từ toà án ra ngoài, từng bước chân bước xuống cầu thang, ra tới sảnh với tâm trạng nặng nề khi không bảo vệ được thân chủ. Anh khoắc khoải lo âu về tính công minh về mặt pháp lý của vụ án, rồi cả mạng người… Có vào cuộc mới hiểu được sự khó khăn khi thể hiện đúng tâm lý của nhân vật theo đúng yêu cầu của đạo diễn. May mắn, sau cảnh quay này đạo diễn đã đến xin số điện thoại của Tân, ông bảo: “Tốt lắm Tân, lần sau em “chơi” tiếp với anh nhe!”. Đây được xem là một vinh dự và một  tín hiệu tốt đối với một diễn viên mới như Quốc Tân.

Đến phim Vó ngựa trời Nam của đạo diễn Lê Cung Bắc. Nhờ biết lái xe, anh được cố diễn viên Nguyễn Hậu giới thiệu vào vai Thuận, bạn thân của nhân vật chính Huỳnh Văn Nghệ. Quốc Tân tâm sự: “Tôi với anh Hậu biết nhau trong lần đóng phim Chuyện tình công ty quảng cáo. Lần đó, thấy anh Hậu ngồi một mình, tôi tới tỉ tê làm quen: Nghề diễn viên mình cực khổ, thu nhập thấp, sống chật vật lắm  phải không anh? Cứ tưởng lời tâm sự, ai dè Nguyễn Hậu phán ngay: “Ụ mẹ, tao làm mấy chục năm nay vẫn sống khoẻ có sao đâu, mày mới vào nghề tầm đó mà đã than rồi, thì làm sao vô nghề!”.

Chỉ qua câu nói này mà Quốc Tân cảm thấy mình quá bé nhỏ. Từ đó, anh cứ “nhè” ngay Nguyễn Hậu mà chơi, cái gì chưa biết thì hỏi, cái gì hay hay Nguyễn Hậu kêu tới nhà, hai anh em tâm tình suốt buổi. Cũng từ mối tri kỷ này, mà Quốc Tân đã học được thêm cả khối kinh nghiệm với nghề làm phim của đàn anh quý mến.

Thoáng chốc đã hơn chục năm với nghề, từ một anh chàng mê nghệ thuật đi học bài bản, có lúc Quốc Tân tưởng chừng mình đã rẻ ngang con đường khác. Nhưng từ lòng đam mê và nghiệp diễn đã hun đúc, đưa đẩy anh từng bước đến với từng vai diễn nặng ký. Anh bảo: “Làm nghề phim, ai cũng tưởng là vầng hào quang toả sáng, nhưng ai ở trong nghề thì mới hiểu, cực lắm, phê lắm không dễ ăn! Có lúc chạy thẳng ra Long Hải từ lúc 5 giờ sáng, đợi tới ngày hôm sau mới được quay cảnh toàn đứng xa xa nhìn ánh bình minh với tâm trạng đầy ưu tư. Mới đây, trong phim Lưới trời, anh vọt thẳng lên Tây Ninh, cũng phải đợi suốt buổi để được quay cảnh gặp cô thôn nữ mình yêu trên đường. Nghề làm phim là như vậy, cả một tập thể như một cái xã hội nhỏ tập trung lại, đôi lúc phải lệ thuộc lịch quay của nhiều người, phải ảnh hưởng vào bối cảnh… Nếu không yêu nghề, không kiên nhẫn thì khó mà làm nghề chứ đừng nói là nổi danh.

 

Phạm Lữ

 

Viết bình luận