[Clip]Đời Rất Đẹp: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay từng đào tạo gần 6.000 bác sĩ Đông y Đối Thoại
Tập 21 của chương trình Đời Rất Đẹp là câu chuyện truyền cảm hứng của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ (PGS.TS.BS) Nguyễn Thị Bay – Người Thầy của những người Thầy. Người đã góp phần đặt nền móng cho việc cải cách giáo dục Y học cổ truyền Việt Nam.
Mở đầu chương trình, MC Ngọc Lan cùng PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đến với miền kí ức đầu tiên, đó là một bức ảnh gia đình. Chia sẻ về bức ảnh, bà cho biết: “Ảnh này có mẹ tôi, người già nhất trong bức ảnh, tôi và em, cùng với tất cả con cháu trong gia đình. Tôi bắt đầu vào ngành Y học cổ truyền năm 1976, vào thời điểm đó tôi là trợ giảng bộ môn Đông y của khoa Y Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Nhân ngày đám giỗ cha, tôi về quê chụp hình kỉ niệm cùng gia đình. Mẹ tôi không biết chữ Quốc ngữ, chỉ biết chữ Nho, nhưng bà luôn muốn các con đi học, mẹ là người góp phần không nhỏ về việc thành đạt của chúng tôi sau này”.
Tâm sự về cơ duyên đến với ngành Y học cổ truyền, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay cho biết: “Tôi nghĩ đó là số phận, ý định ban đầu không phải như vậy. Khi học Y khoa, về kiến thức tôi đã được chắp cánh rất nhiều. Tôi học năm 1972, đáng lẽ đến năm 1978 ra trường, nhưng tôi tham gia các chiến dịch, đi làm công tác xã hội, đến năm 1976 mới học lại, học tiếp Y đa khoa và năm 1979 – 1980 phải chọn chuyên ngành. Tôi thích nhất là phẫu nhi nhưng cuối cùng bị đi Đông y. Bị đi Đông Y là số phận, nhưng đến lúc nghĩ ra việc này không thể thay đổi thì mất gần 10 năm. Trong thời gian 10 năm đó tôi tiếp tục học đa khoa để có nền tảng về y học hiện đại, vững chắc về sức khỏe. Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu y học cổ truyền, điều này giúp tôi có nền tảng vững chắc hơn so với các bạn ”.
Clip PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay từng bị bạn bè và gia đình coi thường vì đi học Đông y.
Đến với miền ký ức tiếp theo là cột mốc năm 1998, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay chia sẻ: “Năm 1998 là năm đầu tiên mở mã ngành đào tạo bác sĩ Y học cổ truyền của Đại học Y Dược TP.HCM. Tình yêu đối với Y học cổ truyền không phải từ năm này mà đã xuất phát sớm hơn từ năm 1991. Những năm đó tôi được cơ hội đi nước ngoài, đó là chuyện quá sức nhưng tôi phải cố gắng. Khi qua trao đổi văn hóa, tôi đã góp phần vào các hội đồng Tiến sĩ, trong khi tôi chưa học tiến sĩ”. Trong khi ở nước ngoài, bà nhận thấy có nhiều người Trung Quốc đi học Tiến sĩ. Vốn dĩ cái nôi của Y học cổ truyền là Trung Quốc nhưng tại sao họ lại đến đây học, nên bà đã đặt ra nhiều câu hỏi, học hỏi kiến thức và đọc nhiều sách như Nội kinh, Nạn kinh, Thương hàn luận,… Từ đó bà đúc kết, Y học cổ truyền không phải là chuyên khoa mà là một ngành, một nền Y học song hành với Y học hiện đại.
Năm 1993 – 1994, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trở lại Nhật, một người thầy đã giữ bà lại học tiếp Y học cổ truyền. Bên cạnh sự thành công hiện tại, khi nhắc về quá khứ, bà thổ lộ: “Rất nhiều lần tôi muốn bỏ Đông y, vì lúc đó không được xã hội tôn trọng, người ta xem Đông Y là một người lam lũ, hái thuốc trong rừng, hoặc chỉ là tiếp nối truyền thống gia đình. Chính tôi cũng bị gia đình nghi ngờ về năng lực: “Phải chăng bản thân học tệ quá nên mới theo Đông Y?”. Từ xã hội, gia đình và bạn bè đều xem thường ngành của tôi, tôi phải hứng chịu nhiều lời dèm pha từ mọi người. Khi tôi đứng trên diễn đàn khoa học báo cáo, tôi bị rất nhiều đánh giá tiêu cực. Tâm lý của một người trẻ mới 27-28 tuổi như tôi khi đó, làm sao có thể vững vàng được nên tôi chỉ muốn rời bỏ. Thầy của tôi nói rằng: “Không lẽ em bỏ công sức của cha mẹ nuôi dạy, bỏ công sức bao nhiêu năm học tập, bỏ nghề bác sĩ hay sao?”. Thầy là người đã hun đúc cho tôi tiếp tục theo nghề. Năm 1998 là thời điểm thành lập khoa Y học cổ truyền, bắt nguồn từ bộ môn Đông Y và trường Tuệ Tĩnh. Việc thành lập khoa để đào tạo bác sĩ chính quy, thầy tôi là Giáo sư Bùi Chí Hiếu có tâm nguyện từ rất lâu. Sau khi tham khảo chương trình đào tạo của các nước, tôi nghĩ người thầy thuốc phải có kiến thức về Y học cơ sở, tức Y học hiện đại. Vì vậy khi xây dựng chương trình, tôi đề xuất 60% thuần Y học khoa học hiện đại và 40% Y học cổ truyền. Tôi xây dựng chương trình đến 320 tín chỉ, khiến các học trò rất khổ sở vì môn này. Bằng tất cả sự đam mê và nhiệt huyết, tôi đã quyết tâm làm nên chương trình”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay rất biết ơn người thầy đầu tiên của mình - Giáo sư Bùi Chí Hiếu. Thầy rất tâm huyết để xây dựng nên chương trình này, nhưng đến năm 1997 thầy bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người nhưng các học trò vẫn tiếp tục theo đuổi tâm huyết của thầy. Đến năm 1998 khi Khoa Y học cổ truyền chính thức được phê duyệt, thầy tiếp tục bị tai biến lần thứ hai, khi học trò nhận được quyết định về trình cho thầy, thầy không nói được gì và khóc nức nở đến nỗi bị rối loạn cảm xúc. Sau khi khóc thầy lại cười, cười đến mức bị trật khớp thái dương hàm. “Cảm xúc niềm vui đó lớn lao lắm, không thể nào quên”, vị phó giáo sư xúc động.
MC Ngọc Lan cùng bác sĩ Nguyễn Thị Bay đến với miền ký ức cuối cùng đó là bằng khen Nhà giáo Tiêu biểu của Đại học Y Dược TP.HCM dành cho PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay. Bà cho biết, 32 học trò đầu tiên của bà đã thành công trong nghề nghiệp của mình, có thể kể đến như Cục phó Cục Y học cổ truyền, Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, Giám đốc các bệnh viện Y học cổ truyền cấp tỉnh,…
Kỉ niệm đáng nhớ gần đây của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay là năm 2023, vào ngày 20/11 có một học trò từ tỉnh xa đến thăm bà vào tối muộn. Sau khi nói chuyện hỏi thăm sức khỏe thì người học trò ấy đứng dậy thưa với bà: “Thưa cô, em xin đại diện cho 5.796 bác sĩ xin chúc cô sức khỏe”. Đến khi ấy, vị phó giáo sư mới biết mình đã đào tạo gần 6.000 bác sĩ Y học cổ truyền cho cả nước, con số lớn lao mà bản thân bà chưa từng thống kê.
Tập 21 Đời Rất Đẹp 2024 với câu chuyện của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 thứ bảy 30/11/2024 trên VTV9. Chương trình Đời Rất Đẹp do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.
VDTonline.vn
Viết bình luận