[Clip]Người Thứ 3: Em dâu giàu vu khống chị dâu nghèo trộm nhẫn cưới Đối Thoại
Chương trình Người Thứ 3 tuần này là câu chuyện của chị B - 27 tuổi, sống tại quận 2 cùng gia đình chồng. Mối quan hệ chị em bạn dâu tưởng chừng thân thiết lại trở thành ngòi nổ cho hàng loạt mâu thuẫn.
Trò chuyện cùng tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị B kể lại mối bất hòa với em dâu tên Ngọc - lớn hơn ba tuổi, có công việc ổn định và xuất thân từ gia đình khá giả. Dù chị B quen chồng được 5 năm, nhưng em dâu Ngọc về nhà chồng trước một năm. Chị B chia sẻ, công việc của em chồng không ổn định, còn em dâu thì giống như sếp, thu nhập cao. Riêng chị B thì thu nhập cũng không bằng em dâu Ngọc. Sự chênh lệch về hoàn cảnh kinh tế khiến em dâu Ngọc nhiều lần tỏ thái độ, không phụ giúp việc nhà còn thường xuyên buông lời chê bai chị dâu B là không làm gì,
Gia đình chồng của chị B sống theo mô hình tam đại đồng đường với ba mẹ chồng, hai con trai, hai nàng dâu và ba đứa cháu nhỏ. Tuy “không quá đông thành viên”, không gian sống vẫn phải chia sẻ - mỗi gia đình ở một tầng, dùng chung bếp và phòng khách. Dù ít chạm mặt do lịch sinh hoạt khác nhau, mâu thuẫn vẫn thường xuyên phát sinh.
Đỉnh điểm là khi em dâu Ngọc lớn tiếng vu khống chị B ăn cắp nhẫn cưới khiến cả nhà nghi ngờ. Vài ngày sau, một người quen tìm lại được chiếc nhẫn và minh oan cho chị B. Dù sự thật được sáng tỏ, nhưng tổn thương lòng tin vẫn còn nguyên.
Không chỉ mối quan hệ với em dâu rạn nứt, chị còn cảm thấy bị mẹ chồng đối xử bất công. Trong một dịp họ hàng tụ họp, mẹ chồng thẳng thừng nói: “Con trai tôi học hành thành tài, lương cao, mà lấy con dâu nghèo, lại không sinh được con trai”.
Trong nhà người thường xuyên trò chuyện với chị nhiều nhất là em chồng - chồng của Ngọc. Chồng chị B bận rộn với công việc quản lý nhân sự tại một công ty truyền thông, ít để tâm đến những khúc mắc trong gia đình. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định: “Bận chưa bao giờ là một lý do thuyết phục, quan trọng là họ có quan tâm hay không”.
Những điều chị B làm cho gia đình chồng từ việc nấu nướng, lo lắng và chia sẻ lúc khó khăn, chưa từng được công nhận. “Có những lần mẹ chồng khóc, chỉ có tôi đến an ủi. Tôi chở mẹ đi mua sắm, nấu ăn,… nhưng dường như mọi cố gắng đó đều không được ghi nhận”, chị B nghẹn ngào.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khẳng định: “Mối quan hệ chị em bạn dâu là một kiểu liên kết gia đình rất nhạy cảm. Những khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh, xuất thân và giá trị sống không được định hình rõ ràng, mọi xung đột sẽ trở thành cuộc chiến ngầm đầy tổn thương. Và nếu không có hệ quy chiếu chung trong một gia đình nhiều thế hệ, thì sự bình an là điều rất khó giữ”.
Theo nữ tiến sĩ, vấn đề không xuất phát từ em dâu hay mẹ chồng mà nằm ở chính mối quan hệ giữa chị B và chồng, sự thờ ơ và thiếu hiện diện của người bạn đời khiến chị B cảm thấy đơn độc, dù chung sống trong một mái nhà. Việc chị B không thể xác định rõ vai vế và cách gọi với em dâu Ngọc - lúc gọi chị, lúc gọi tên, lại cho thấy sự thiếu nhất quán và niềm tin vào chính mình. “Em không tin bản thân có giá trị, ngay cả việc gọi em dâu cũng không rõ ràng - điều đó thể hiện em đang lúng túng và mất phương hướng trong chính cuộc sống của mình”, nữ tiến sĩ nhận xét.
Chị B bày tỏ, muốn ra ở riêng trong vòng một năm tới để tránh xung đột, nhưng gặp phải sự phản đối từ ba mẹ chồng - xem đó là hành động chối bỏ gia đình. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A tư vấn: “Nếu em không có một niềm tin vững chắc vào bản thân, thì ngay cả khi ra riêng, em vẫn mang theo tất cả những tổn thương đó đi”.
Cuối chương trình, chị B từ chối bật đèn vì không muốn làm phiền mọi người trong gia đình. Khoảng thời gian này chị sẽ nhìn lại chính mình, để củng cố nội lực lấy lại sự tự tin của bản thân.
Chương trình Người Thứ 3 phát sóng định kỳ vào lúc 20h Thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.
Tập 207.
VDTOnline.vn

Viết bình luận