Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ “góc khuất” của bệnh viện trong đại dịch Covid-19 khiến khán giả xúc động Thể Thao - Sức Khoẻ

Dù không có kỹ năng, kiến thức về điều trị dịch bệnh Covid-19, các y bác sĩ đã tranh thủ học ngay lúc nghỉ trưa để cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Tập 14 chương trình Hát cho ngày mai lên sóng lúc 19h30 chủ nhật vừa qua trên kênh HTV7 là số phát sóng đặc biệt với chủ đề “Tri ân lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.02” đã giúp khán giả nhìn lại chặng đường khó khăn vừa qua của đất nước khi phải oằn mình chống dịch. Hơn nữa, đây cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới các y bác sĩ, bộ đội, công an, các tình nguyện viên (TNV) đã dốc sức vì một tương lai tươi sáng, không dịch bệnh.

Chương trình có sự tham gia của diva Thanh Lam, diva Mỹ Linh, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, ca sĩ Tạ Quang Thắng và đặc biệt có sự xuất hiện của bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM), bác sĩ Lê Anh Tuấn (PGĐ bệnh viện Hồi sức Covid-19, bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP.HCM), bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn (PGĐ bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM) cùng nhiều y bác sĩ, TNV tuyến đầu chống dịch.

Đến với chương trình, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết đã chia sẻ những “góc khuất” của bệnh viện Hùng Vương trong đại dịch khiến người nghe xúc động và cảm phục. Theo lời bác sĩ Tuyết chia sẻ, nhân viên y tế cũng là những người dân bình thường, họ đều sợ Covid-19 nhưng phải vượt qua nỗi sợ đó để dấn thân cùng ngành y tế tham gia vào các mặt trận chống dịch. Trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ, nhân viên y tế tại bệnh viện Hùng Vương đã phải làm việc với năng suất gấp 2 gấp 3 lần bình thường. Nhân sự của bệnh viện thiếu trầm trọng do phải “xẻ người” ra nhiều nơi để làm các công tác phòng chống dịch khác nhau. Không chỉ thế, bệnh viện Hùng Vương lúc đó còn phải chia ra làm hai phân khu, một bên dành cho điều trị các bệnh nhân thường, một bên điều trị cho các thai phụ nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Diễm Tuyết xúc động chia sẻ: “Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa, nếu như trước đây, những bệnh nhân bị viêm phổi do Covid-19 thì chúng tôi sẽ chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị. Ở thời điểm đỉnh dịch, chúng tôi không thể nào chuyển bệnh nhân qua bệnh viện khác được nên chúng tôi quyết định sẽ phải làm gì đó để cứu người bệnh chứ không thể để họ chết trong tay mình. Lúc đó, về cơ sở vật chất phục vụ cho điều trị Covid-19, về kiến thức cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân chúng tôi hầu như không có gì cả. Tôi nhớ, vào thời điểm đó, cứ tới giờ nghỉ trưa thì các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh đều phải học online để có thêm kiến thức, thêm kĩ năng về điều trị loại dịch bệnh này”. Khi được hỏi muốn quên đi điều gì nhất thì nữ giám đốc bệnh viện Hùng Vương đã lập tức cho biết muốn “xóa sạch” những ngày tháng khốc liệt vì dịch bệnh Covid-19.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy

Lắng nghe những lời chia sẻ của bác sĩ Diễm Tuyết, MC Quyền Linh cũng bồi hồi nhớ lại quãng thời gian anh đã xông pha vào tuyến đầu chống dịch. “Linh đã từng chứng kiến ở những khu cách ly, các bác sĩ đã ẵm từng bệnh nhân, đút cơm cho từng bệnh nhân. Những điều dưỡng gần như kiệt sức vì công việc quá nhiều. Thậm chí, khi Quyền Linh đem những hộp cơm vào, các bác sĩ cũng hỗ trợ đi phân phát từng nơi cho người bệnh. Những hành động đó không bao giờ Linh quên được”, nam MC kể lại.

Nói đến sự hết mình, sự hy sinh của lực lượng y tế trong giai đoạn đất nước lâm nguy vì dịch bệnh, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn – PGĐ bệnh viện Trưng Vương cũng chia sẻ một câu chuyện của chính nhân viên tại bệnh viện đã chạm tới trái tim của nhiều khán giả. Theo chia sẻ của bác sĩ Ngọc Hớn, từ lúc bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (Khoa Cấp cứu) đã phải gửi con 10 tháng tuổi về quê để yên tâm chăm sóc người bệnh. Lúc đó, bệnh viện Trưng Vương đã tiếp nhận một trường hợp của ba cha con F0, trong đó có một đứa bé mới chỉ 7 tháng tuổi, còn mẹ của bé thì bị suy hô hấp đang điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. “Bé 7 tháng tuổi không có sữa bú, với sự đồng cảm sâu sắc, bác sĩ Thúy đã vắt sữa của mình để nuôi em bé. Và câu chuyện này làm cho chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Ngọc Hớn xúc động chia sẻ. Được biết, câu chuyện của bác sĩ Thanh Thúy cũng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và nhiều người cũng gửi lời cảm ơn, tri ân tới nữ bác sĩ này.

Tại chương trình, diva Thanh Lam, diva Mỹ Linh, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, ca sĩ Tạ Quang Thắng cùng các thí sinh đã góp mặt trong chương trình Hát cho ngày mai cũng đã gửi những lời ca, tiếng hát thay cho lời cảm ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới đội ngũ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Cũng trong dịp này, Tập đoàn Hoa Sen đã dành tặng hơn 4 tỷ đồng cho các đơn vị, cá nhân có những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, hơn 2,6 tỷ đồng được trao tặng đến 41 đơn vị tiêu biểu có đóng góp trong cuộc chiến chống Covid-19. Các đơn vị này trực thuộc các bệnh viện dã chiến thuộc Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện tuyến Trung ương và lực lượng vũ trang và các đơn vị hỗ trợ ngành y tế TP.HCM tham gia phòng, chống dịch. Riêng 2 gia đình của cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, công tác tại Trạm Y tế xã Phước Lộc, H. Nhà Bè và cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hi sinh trong đợt chống dịch vừa qua, mỗi gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng.

Chương trình Hát cho ngày mai phát sóng lúc 19h30 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7 và được công chiếu lúc 20h cùng ngày tại kênh YouTube Golden Moon Network. Chương trình do Công ty Golden Moon phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện, với sự đồng hành của Hệ thống siêu thị Vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen).

Hoàng Hà

VDTonline: Văn hóa - Tiêu dùng

 

Viết bình luận