Mối nguy hiểm tiềm ẩn của tiền đái tháo đường Thể Thao - Sức Khoẻ
Tiền đái tháo đường không có triệu chứng cụ thể vì vậy cần tầm soát thường xuyên và có phương pháp phòng tránh hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
Tập 24 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Đình Hưng, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức về mối nguy hiểm của tiền đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn tiền đề dẫn đến đái tháo đường, giai đoạn này có thể kéo dài 10 năm hoặc sớm hơn và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị tiền đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn ngừa đái tháo đường type 2 và những biến chứng nguy hiểm. Trong tình huống tuần này, người vợ muốn ăn bánh ngọt nhưng người chồng không đồng ý vì sợ vợ ăn nhiều đồ ngọt sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Lúc này, cô cháu gái đến chơi và phát hiện người vợ có vẻ tăng cân nên đề nghị đi tầm soát bệnh, tránh nguy cơ tiền đái tháo đường. Để hai vợ chồng tin tưởng và yên tâm đến bệnh viện tầm soát bệnh, cô cháu gái đã nhờ đến chuyên gia tư vấn rõ hơn.
Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Cao Đình Hưng cho biết: “Tiền đái tháo đường là thuật ngữ chỉ những người có mức đường huyết cao không đủ ở mức bị tiểu đường nhưng đã có những rối loạn về đường trong máu. Đây là tiền đề để bệnh phát triển thành đái tháo đường nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời”.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2021 Việt Nam có 4 triệu bệnh nhân đái tháo đường nhưng có đến 5.9 triệu bệnh nhân tiền đái tháo đường. Ước tính đến năm 2045, số lượng bệnh nhân tiền đái tháo đường ở Việt Nam có thể lên đến khoảng 8 triệu người.
Bác sĩ cho biết: “Tiền đái tháo đường có thể dẫn đến đái tháo đường và những biến chứng nguy hiểm về sau như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận”.
Tiền đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm vì vậy xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất để có thể xác định - thử glucose trong máu khi đói. Theo bác sĩ, đối tượng nguy cơ cần được xét nghiệm tầm soát tiền đái tháo đường gồm: “Người trong độ tuổi 35 tuổi trở lên; Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ; Người trưởng thành thừa cân BMI lớn hơn 23 kg/m2 và có thêm một trong những yếu tố như: Bệnh tim mạch, huyết áp cao, mỡ máu cao, người ít vận động, hệ chứng buồng trứng đa nang hoặc gia đình trực hệ (cha, mẹ) mắc đái tháo đường”.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2022, thay đổi lối sống với các trọng tâm là chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, giảm cân nặng là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong quản lý tiền đái tháo đường.
Bác sĩ Cao Đình Hưng nói thêm, người bị tiền đái tháo đường và chưa bị tiền đái tháo đường đều cần lưu ý tuân thủ chế độ sinh hoạt tích cực như: Chế độ dinh dưỡng hợp lý: tăng rau xanh, tăng nước uống, giảm muối, chất béo (mỡ), giảm lượng đường tiêu thụ và giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể; Có chế độ luyện tập thể dục thể thao cụ thể, nên tập luyện 30 phút/ngày, 5 lần/tuần tùy theo thể trạng; Hạn chế sử dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia; Đồng thời kiểm soát và điều trị huyết áp đều đặn.
Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi Văn phòng đại diện Merck tại Việt Nam cùng hệ thống nhà thuốc Trung Sơn - Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận