Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường type 2 Thể Thao - Sức Khoẻ
Đái tháo đường type 2 là căn bệnh mạn tính phổ biến trong cộng đồng, hiện đã có nhiều loại thuốc được sử dụng để làm ổn định lượng đường trong máu cần được lưu ý nhiều hơn.
Tập 30 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thanh Huy, chuyên khoa Nội - trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức khi sử dụng thuốc điều trị bước 1 bệnh đái tháo đường type 2.
Trong tình huống tuần này, người phụ nữ bị đái tháo đường type 2 và được kê thuốc uống theo toa của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, sau một thời gian thì cảm giác bị đau bao tử nên muốn ngừng uống thuốc và được người chồng ủng hộ. Ngược lại, cô con gái lại cho rằng mẹ nên tuân thủ theo lời bác sĩ điều trị nên đã nhờ chuyên gia tư vấn để mẹ yên tâm hơn.
Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, bác sĩ Đặng Thanh Huy cho biết: “Đái tháo đường type 2 là dạng thường gặp nhất của bệnh đái tháo đường, chiếm 90% tổng số bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân gây bệnh là do tình trạng suy giảm về số lượng và chức năng hormone insulin làm tăng lượng đường trong máu”.
Đái tháo đường type 2 có những biểu hiện như: Khát nước, khô miệng, tiểu nhiều, giảm cân bất thường và vết thương lâu lành. Bác sĩ nói thêm, biến chứng của bệnh đái tháo đường cấp tính như: Nhiễm toan ceton máu hoặc tăng áp suất thẩm thấu. Biến chứng mạn tính như: Nhồi máu cơ tim, suy tim; tổn thương thận, suy thận; nhồi máu não, xuất huyết não, suy giảm trí nhớ; tê bì, mất cảm giác bàn tay, bàn chân, nguy cơ đoạn chi; Với phụ nữ đang mang thai có thể thai nhi nặng cân, hạ glucose máu đột ngột dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ, mục tiêu điều trị đái tháo đường type 2 là ổn định lượng đường trong máu về mức bình thường HbA1c > 7% trong 3 tháng; Đường huyết khi đói duy trì trong mức 4.4 - 7.2 mmol/L; Đường huyết sau ăn 2 giờ < 10 mmol/L; Duy trì huyết áp < 90/140 mmHg, nếu có biến chứng thận thì HA <80/130 mmHg… Các nhóm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường type 2 phổ biến hiện nay bao gồm: Nhóm Biguanide, nhóm Sulfonylurea, nhóm ức chế DPP-4,...
Bác sĩ Đặng Thanh Huy cho biết thêm: “Công dụng của nhóm thuốc Biguanid (Metformin) khi điều trị đái tháo đường type 2 như: Ức chế quá trình tổng hợp glucose ở gan, hạn chế quá trình đẩy glucose từ gan vào máu, làm tăng độ nhạy cảm của hormone insulin. Vì vậy, Metformin trở thành nhóm thuốc được khuyến cáo nên sử dụng ở bước 1 trong điều trị đái tháo đường, trong hầu hết các phác đồ điều trị của bệnh nhân đái tháo đường tiếp 2”.
Chuyên gia lưu ý thêm, khi sử dụng thuốc Metformin có thể có các tác dụng phụ như: Đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy,... Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ngưng thuốc vì sẽ làm bệnh khó điều trị và tiến triển nặng hơn.
Theo bác sĩ, nên dùng thuốc Biguanid (Metformin) trong bữa ăn hoặc sau khi ăn để hạn chế tác dụng phụ; Nên chọn thuốc dạng bào chế phóng thích kéo dài (XR) cải thiện tác dụng phụ trên đường tiêu hóa 58%. Đặc biệt, không được sử dụng thuốc lá, rượu bia; Uống thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, vận động hợp lý, hạn chế căng thẳng để có kết quả điều trị tốt nhất.
Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi Văn phòng đại diện Merck tại Việt Nam cùng hệ thống nhà thuốc Trung Sơn - Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận