[Clip]Hành trình 16 năm "vang dội" của loạt phim hoạt hình ăn khách Kung Fu Panda Văn Hóa

Thương hiệu hoạt hình Kung Fu Panda sắp trở lại với phần 4 đặc sắc, tiếp tục viết nên hành trình chinh phục “đỉnh cao mới” của chú gấu trúc Po. Suốt 16 năm qua, loạt phim Kung Fu Panda đã ghi dấu ấn đậm nét trên màn ảnh rộng và trong lòng khán giả toàn cầu.

Loạt phim “khủng từ chất đến lượng”

Kung Fu Panda ra mắt phần 1 vào năm 2008, qua đó tạo nên hiệu ứng “gây sốt” toàn cầu. Phim ban đầu được chiếu tại LHP Cannes, sau đó “càn quét” rạp chiếu với doanh thu khủng (gấp gần 6 lần kinh phí). Kung Fu Panda là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất năm 2008, đứng thứ 3 nói chung và giúp DreamWorks lấy lại vị thế đỉnh cao sau Shrek. Bộ phim đến từ John Stevenson được đánh giá cao về chất lượng, mang về 2 đề cử cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar lẫn Quả cầu vàng.

Thành công vang dội của phần 1 đã đặt nền móng cho phần 2 và phần 3 ra mắt lần lượt vào năm 2011 và 2016. Kung Fu Panda 2 cho đến nay vẫn là phần có doanh thu cao nhất series, mang về 665 triệu USD, cũng như tiếp tục được đề cử Oscar nhờ chất lượng đảm bảo. Sau đó, phần 3 ra mắt và lần đầu tiên được phát hành với những suất chiếu đặc biệt tại thị trường Trung Quốc trước khi ra mắt chính thức toàn cầu. Với 521 triệu USD kiếm được, Kung Fu Panda 3 là phim phát hành vào tháng 1 có doanh thu cao thứ nhì mọi thời đại, cũng như được giới phê bình tán dương, chốt hạ chuỗi “cà tươi” với con số cao nhất, ngang với phần 1 là 87%.

Cách DreamWorks tạo ra Kung Fu Panda

Dự án về loạt phim Kung Fu Panda đã được DreamWorks phát triển từ năm 2004. Đạo diễn phần 1 John Stevenson bày tỏ sự yêu thích với dòng phim võ thuật, mong muốn mang nó trở lại đỉnh cao nhưng với một nhân vật hoạt hình. Ông đã tham khảo nhiều siêu phẩm như Tuyệt Đỉnh Kungfu của Châu Tinh Trì, Anh Hùng, Ngọa Hổ Tàng Long, Thập Diện Mai Phục… để Kung Fu Panda tiệm cận văn hoá Trung Hoa nhất có thể.

Ban đầu đội ngũ DreamWorks muốn đây là một dự án “hài parody”, nhưng Stevenson đã kiên quyết giữ cho phim đúng tinh thần võ hiệp. Về phần nhân vật chính Po, hình tượng gấu trúc đại diện cho sự phá vỡ khuôn mẫu về võ sư trên màn ảnh. Cao thủ võ lâm không cần 6 múi, mảnh khảnh, trái lại có thể to lớn, ham ăn như Po nhưng vẫn vô cùng xuất chúng. Po ở tiếng Trung có nghĩa “báu vật”, và trùng hợp thay gấu trúc chính là “quốc bảo” của đất nước tỷ dân.

Ngoài ra, Po suýt nữa được xây dựng theo hướng ngỗ ngược, đáng ghét. Thế nhưng sự thể hiện đỉnh cao, duyên dáng của nam diễn viên Jack Black đã khiến ekip đổi ý, biến Po thành chú gấu trúc đáng yêu, hài hước và lương thiện. 

Gấu trúc Po: Từ "no name" đến nhân vật "quốc dân" 

Hình tượng chú gấu Po đã tinh tế len lỏi vào trái tim hàng triệu khán giả toàn cầu nhờ cách xây dựng gần gũi, truyền cảm hứng. Phần 1 của Kung Fu Panda là hành trình để Po đi tìm về bản ngã của mình. Một chú gấu trúc thích ăn bánh bao, được kỳ vọng sẽ kế thừa… xe mì của bố lại mang trong mình đam mê mãnh liệt với kung fu. Sau khi trở thành học trò của Sư phụ, Po từng bước chinh phục những đỉnh cao của bộ môn võ thuật với tốc độ tiếp thu thần kỳ, còn đánh bại kẻ ác và khiến nhóm Ngũ Đại Hào Kiệt phải bái phục.

Sang phần 2, Po tiếp tục vượt qua những khó khăn mới, đối mặt với “bóng ma” quá khứ và những thứ khiến cậu nghi ngờ vào bản thân. Việc đánh bại tên công độc ác đã giúp Po có được niềm tin, dùng quá khứ làm “nhiên liệu” cho tương lai. Sang đến phần 3, việc tìm lại gia đình “gốc” đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Po trở thành anh hào đáng tin cậy của Thung lũng Bình Yên, và là người xứng đáng trở thành Thần Long Đại Hiệp trong truyền thuyết. Po thật sự trưởng thành sau gần 10 năm, song Po vẫn là Po - tốt bụng, trong sáng và đáng học hỏi.

Ở Kung Fu Panda 4, khán giả sẽ có dịp thấy một Po khác xưa khá nhiều. Đối mặt với kẻ thù khó lường như , Po không hề nao núng nhờ tin tưởng tuyệt đối vào chính mình. Hành trình “tuyển dụng” hậu bối của Po chắc chắn sẽ thú vị, khiến màn ảnh rộng tháng 3 tới phải rung chuyển!

Kung Fu Panda 4 khởi chiếu 08.03.2024.

Trailer.

Bin Bin (VDTonline.vn)

Viết bình luận