Đạo diễn Xuân Phước ra mắt dự án phim Miền ảo vọng Văn Hóa
Vừa qua, tại Khu du lịch Happy Land, Bến Lức, Long An, Hãng phim Xuân Phước đã tổ chức Lễ công bố dự án phim truyền hình Miền ảo vọng. Buổi lễ có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Long An, Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Long An, Đài PT-TH Long An, đại diện trường Đại hoc Văn Hiến, các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng cùng báo chí và truyền thông…
Miền ảo vọng là một dự án phim truyền hình dài 50 tập, được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và chất lượng hình ảnh. Phim khai thác câu chuyện diễn ra trong bối cảnh xưa từ thập niên 30 - 50, với những yêu thương, ghen hờn, oán giận, giữa thực và ảo đan xen, tạo nên những câu chuyện đầy kịch tính và nhân văn.
Phim được thực hiện bởi đạo diễn Xuân Phước, người đã có nhiều thành công trong các dự án phim truyền hình trước đây. Tham gia dự án còn có sự góp mặt của dàn diễn viên chuyên nghiệp như: NSND Trịnh Kim Chi, NSƯT Công Ninh, NSND Mỹ Uyên, Thanh Duy, Lương Thế Thành, Thúy Diễm, Dương Cẩm Lynh, NSƯT Kim Tuyến, ca sĩ Tim, Phương Dung, Hoa hậu Bích Trâm, Mai Hải Anh, Vân Thanh, Huỳnh Thanh Tùng, Nguyễn Sanh, Tú Vi, Mỹ Linh, Tấn Hùng, Thanh Tùng, Thanh Hiền, Vũ Ngọc Ánh…
Ekip phim |
Từ sức hút đặc biệt của dòng phim xưa
Trong vài năm gần đây, dòng phim xưa của Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ và thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ phía khán giả. Những bộ phim không chỉ đạt được thành công về mặt doanh thu mà còn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến phim xưa thu hút khán giả chính là khả năng đưa người xem trở lại với quá khứ, khám phá và trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Những bộ phim này thường tái hiện chân thực các giai đoạn lịch sử quan trọng, từ triều đại phong kiến, khai khẩn phương Nam, đến thời kỳ chiến tranh và đổi mới. Điều này không chỉ giúp người xem có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử mà còn giúp họ cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống.
Đạo diễn Xuân Phước và Giám đốc Sở VH-TT-DL Long An |
Phim xưa thường xoay quanh những câu chuyện đời thường nhưng lại chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc. Từ những mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn đến những khó khăn, thử thách mà nhân vật phải đối mặt, tất cả đều được khắc họa một cách chân thực và gần gũi. Những giá trị như lòng hiếu thảo, sự kiên trì, lòng dũng cảm và tình yêu thương được thể hiện rõ nét, giúp khán giả cảm thấy đồng cảm và xúc động.
Để tạo nên không khí xưa cũ, các nhà làm phim đã đầu tư kỹ lưỡng vào bối cảnh và trang phục. Từ những ngôi nhà cổ, làng quê yên bình đến những trang phục truyền thống, tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ, giúp người xem dễ dàng hòa mình vào không gian của bộ phim. Điều này không chỉ tăng thêm phần chân thực mà còn giúp khán giả cảm nhận rõ hơn về thời kỳ mà bộ phim muốn truyền tải.
Thanh Duy và đạo diễn Xuân Phước |
Mặc dù mang phong cách xưa, nhưng phim vẫn không thiếu những yếu tố hiện đại trong cách kể chuyện, quay phim và âm nhạc. Sự kết hợp này tạo nên một nét độc đáo, giúp phim xưa trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với khán giả trẻ.
Phim xưa Việt Nam không chỉ là một phần quan trọng trong bức tranh điện ảnh nước nhà mà còn là cầu nối giúp khán giả kết nối giữa hiện đại với quá khứ. Sự thành công của dòng phim này không chỉ là niềm tự hào của ngành điện ảnh Việt Nam mà còn là minh chứng cho sự quan tâm, yêu mến của khán giả đối với những giá trị truyền thống, lịch sử của dân tộc.
Dương Cẩm Lynh - Tim |
Góp phần phát triển du lịch địa phương
Trong những năm gần đây, công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng mà còn đóng góp quan trọng vào việc phát triển du lịch địa phương. Một trong những điểm sáng nổi bật của xu hướng này chính là loại hình du lịch phim trường tại Long An - nơi sở hữu và nhiều bối cảnh tự nhiên đẹp mắt. Những phim trường này không chỉ là nơi sản xuất những bộ phim ăn khách mà còn mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm.
Những bộ phim được quay tại Long An như Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cánh đồng bất tận và gần đây là Mắt biếc… đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ và du khách đến tham quan các bối cảnh trong phim. Nhờ đó, du lịch phim trường ở Long An không chỉ giúp quảng bá hình ảnh địa phương mà còn tạo ra nguồn thu lớn từ dịch vụ du lịch, giúp du khách hiểu thêm về nghệ thuật làm phim, quảng bá văn hóa và du lịch địa phương…
Thế nên, trong dự án phim truyền hình dài tập lần này, Hãng phim Xuân Phước đã lựa chọn Long An làm bối cảnh chính cho dự án phim Miền ảo vọng sẽ được phát sóng trên THVL, tận dụng những ngôi nhà cổ, những hàng cau, con sông, cánh đồng và những cả những con người hồn hậu. Qua đó, góp phần quảng bá danh lam, thắng cảnh, đất nước, con người Long An mến khách, nghĩa tình.
Đạo diễn Xuân Phước còn bật mí thêm: "Phim đã được chuẩn bị từ lúc diễn viên Kha Ly 'tính' lấy chồng, giờ sắp sanh em bé là đủ thấy chuẩn bị quá kỹ. Đặc biệt, các diễn viên sẽ được 'thay da dổi thịt' như Trịnh Kim Chi trước đây thường đóng vai hiền, bây giờ sẽ thành người… ác, danh hài Thanh Tùng sẽ… khóc, Kim Tuyến, Dương Cẩm Lynh có dịp thử thách mình qua những nhân vật hoàn toàn khác trước…".
Dự án Miền ảo vọng dự kiến sẽ bắt đầu khởi quay từ tháng 7/2024 và sẽ được phát sóng trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.
TGDA
Viết bình luận