[Clip]Võ sĩ giác đấu II đầu tư khủng, xây dựng lại đấu trường La Mã bằng 60% bản gốc Văn Hóa
Thành Rome cổ đại cùng đấu trường La Mã sẽ sớm xuất hiện trở lại trên màn ảnh rộng. Võ sĩ giác đấu II (tựa gốc: Gladiator II) sẽ đến với khán giả Việt Nam trong tháng 11 này. Đến từ đạo diễn Hollywood kỳ cựu Ridley Scott, phần phim gốc ”Võ sĩ giác đấu” ra mắt vào năm 2000 được hoan nghênh nhiệt liệt với hiệu ứng hình ảnh và thiết kế sản xuất. Sau 24 năm, thương hiệu này trở lại hứa hẹn đem đến đại cảnh thậm chí còn hoành tráng hơn nữa, với trang phục tinh tế, hiệu ứng kinh ngạc và cảnh chiến đấu ngoạn mục, tái hiện chân thực một địa điểm lịch sử khốc liệt.
Một Đấu trường La Mã hoàn toàn mới
Võ sĩ giác đấu II được quay tại Ma-rốc và Malta, với một số cảnh quay tại Shepperton Studios ở ngoại ô London. Malta cũng là nơi thực hiện các cảnh quay trong phần phim gốc. Để giám sát việc thiết kế và xây dựng thành Rome cổ đại, đạo diễn Ridley Scott đã hợp tác với người cộng sự lâu năm của mình, nhà thiết kế sản xuất Arthur Max.
Nếu như “Napoleon” cần khoảng 900 người, Max ước tính khoảng hơn 1000 nhân sự làm việc tại nhiều quốc gia đã tham gia vào quá trình sản xuất cho Võ sĩ giác đấu II. Theo Max, đây chắc chắn là sự hợp tác tham vọng nhất của họ từ trước đến nay. “Mọi thứ lớn hơn và phức tạp hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng làm trước đây,” ông nói. “Ridley tham gia vào mọi giai đoạn, mọi bộ phận. Làm việc với ông ấy có thể là một thử thách, bởi vì ông ấy yêu cầu rất nhiều. Và tôi thì thích thử thách.”
Kế hoạch là kết hợp công nghệ hiện đại với kỹ thuật thủ công truyền thống ở một cấp độ chưa từng có. Ridley Scott nhận ra việc dựng mô hình thực tế sẽ chân thực và tiết kiệm hơn việc dựa hoàn toàn vào phong xanh (kỹ xảo vi tính). “Vì vậy, tôi đã xây dựng Đấu trường La Mã lớn hơn đáng kể so với trước đây, bằng 60% so với kích thước thật.”. Chỉ riêng bối cảnh ngôi nhà xa hoa của Macrinus đã rộng gần 11.000 feet vuông (khoảng 1.021m2), với một giếng trời, một khoảng sân, một hồ bơi và một cầu thang khổng lồ. Ngôi nhà chứa hơn 1.000 mảnh đá cẩm thạch giả được sơn thủ công.
Scott, người tự nhận là "đứa con thời chiến" sinh năm 1937 có cha là sĩ quan cấp cao trong Lực lượng Công binh Hoàng gia, ở tuổi 86 không hề có dấu hiệu phai nhạt tham vọng. Mặc dù có quy mô hoành tráng như vậy, Scott cũng chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã quay bộ phim này trong 51 ngày vì tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ”. Khi được hỏi ông lấy động lực từ đâu để làm ra một tác phẩm với lớn đến “nhức đầu như thế” trong một khoảng thời gian “không tưởng”, Scott trả lời: “DNA”.
Diễn viên 2 lần giành tượng vàng Oscar, Denzel Washington (vai Macrinus) chia sẻ trong hậu trường của bộ phim: “Tôi nghĩ đây là bộ phim lớn nhất tôi từng tham gia. Họ đã xây dựng lại Colosseum. Thật hoành tráng, ngoạn mục.” Joseph Quinn (vai Hoàng đế Geta) cũng đã choáng ngợp với bối cảnh phim: “Khi chúng tôi đến thì thấy bối cảnh được xây dựng ở đó. Và tôi đã phục sát đấy với việc họ xây dựng lại thành Rome cổ đại. Một điều mà ta chỉ được chứng kiến một lần trong đời.”
Sự khốc liệt của các trận chiến trong đấu trường được tái hiện chân thật nhất
Điểm nhấn của bộ phim là một trận đánh dưới nước tàn khốc, khi đấu trường được làm ngập với đấu sĩ trên thuyền cùng các loài săn mồi dưới nước được thả vào. Do đó, các thiết kế của đấu trường cũng được chỉnh sửa công phu như nâng nền, tăng kích thước của các cổng để thuyền có thể tiến vào.
Hơn 500 diễn viên quần chúng đã được huy động để đóng vai người dân La Mã chen chúc trong đấu trường. Ridley Scott, nổi tiếng với việc sử dụng bốn máy quay cùng lúc, đã sử dụng từ tám đến mười hai máy quay cho những cảnh quay này, cộng thêm các drone và camera hành trình. Mỗi cảnh quay, theo ông, được dàn dựng như một vở kịch, với hàng loạt hành động diễn ra đồng thời trên khắp bối cảnh.
Đội âm thanh, bao gồm kỹ sư âm thanh sản xuất Stèphane Bucher, đã khuếch đại sự căng thẳng và hào hứng của các trận đấu bằng âm thanh phát trực tiếp trên trường quay đấu trường. “Chúng tôi muốn các diễn viên trải nghiệm cảm giác chân thực nhất. Các loa lớn được xếp xung quanh đấu trường, pha trộn tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng gào thét được khuếch đại. Các diễn viên có thể cảm nhận được sức ép của đám đông xung quanh khi họ bước vào”.
“Thật khó để nói hết quy mô to lớn của dự án Võ Sĩ Giác Đấu II,” nhà sản xuất Lucy Fisher chia sẻ. “Tầm vóc của nó thật choáng ngợp. Tại Ma-rốc, có hơn 80 chiếc lều khổng lồ dành riêng cho việc làm tóc và trang điểm của các diễn viên quần chúng, cùng với việc lưu trữ vô số đạo cụ và trang phục. Tại Malta, chúng tôi đã xây dựng đấu trường, cung điện và cả những khu phố của thành Rome cổ đại. Thậm chí có cả một bức tượng kích thước thật của Pedro Pascal trên lưng ngựa. Trong thế giới của kỹ xảo và AI, có lẽ đây sẽ là công trình hiệu ứng thực tế cuối cùng hoành tráng như vậy trong ngành điện ảnh.”
Hàng nghìn bộ trang phục cầu kỳ, đậm chất La Mã cổ đại
Cũng trở lại trong đội ngũ làm phim của Scott là nhà thiết kế trang phục Janty Yates, người đã nhận được Giải Oscar cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất với phần phim gốc. Đối với các thiết kế phục trang trong phần tiếp theo, Yates đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của các họa sĩ như Jean-Joseph Benjamin-Constant và Jean-Léon Gérôme. Trong đó, đặc biệt nhất là những bộ trang phục công phu cho Macrinus của Washington, một người đàn ông quyết tâm tìm mọi cách lấy lòng các hoàng đế Geta (Joseph Quinn) và Caracalla (Fred Hechinger) để giành lấy quyền lực. Đối với hai vị hoàng đế, Yates nói, "Họ hoàn toàn điên rồ, vì vậy chúng tôi cố gắng đẩy vẻ ngoài của họ “đi xa nhất có thể và sử dụng những loại vải tuyệt đẹp với nhiều họa tiết thêu, vàng trên vàng, bạc trên bạc.”
Làm việc cùng Yates là David Crossman, người thiết kế áo giáp và trang phục chiến đấu cho tất cả các võ sĩ giác đấu trong phim. "Crossman phải làm việc với 150 võ sĩ giác đấu, và mỗi người đều có sự khác biệt", Yates ngạc nhiên. “Tuy nhiên, mọi thứ Crossman đã làm đều tuyệt vời.” Cũng như mọi thứ khác trong phim, Crossman đã tự tay tạo ra toàn bộ áo giáp và trang phục, làm việc với các nhóm thợ cắt, thợ thuộc da và kim loại, thợ kim hoàn và thợ thêu để chế tác các bộ áo giáp, phản ánh những gì mà tất cả những võ sĩ giác đấu thực sự từng mặc trước khi bước vào trận chiến tại đấu trường.”
Hơn 2.000 bộ trang phục đã được các nghệ nhân trên khắp thế giới tạo ra dưới sự giám sát của Crossman và nhóm của ông. “Đây là cơ hội tuyệt vời để tái hiện La Mã cổ đại,” Crossman nói. “Quân đội La Mã có những người lính, đội trưởng và sĩ quan giám sát. Các sĩ quan cấp cao mặc áo giáp vảy đắt tiền hoặc áo giáp xích, và phần còn lại của quân đội chiến đấu trong bộ áo giáp phân đoạn. Bộ quân phục của Acacius được trang trí công phu hơn nhiều vì ông là một vị tướng. Nó có lớp hoàn thiện bằng kim loại, với đầu Medusa khổng lồ và những đầu rắn trải dài khắp tấm giáp ngực. Đối với người Numidia, chúng tôi sử dụng da sơn và vải dệt để họ trông đơn giản nhất có thể khi so sánh với người La Mã.”
Lấy mốc thời gian hơn 15 năm sau phần phim gốc, Võ sĩ giác đấu II xoay quanh câu chuyện về Lucius Verus (Paul Mescal) - người bị bắt tới đấu trường để chiến đấu mua vui cho cư dân thành Rome. Hành trình của anh gợi nhắc con đường vinh quang của Maximus năm nào, nhưng đồng thời cũng hé lộ chân dung một anh hùng mới. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên đình đám gồm Paul Mescal, Pedro Pascal, Connie Nielsen và Denzel Washington.
Võ sĩ giác đấu II khởi chiếu tại rạp từ ngày 15.11.2024.
Trailer.
VDTonline.vn
Viết bình luận