'Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu' chiếu sớm dịp lễ 30/4 Văn Hóa
Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu chính thức tung teaser poster và teaser trailer của dự án. Bộ phim là dấu mốc cho hành trình 20 năm gắn bó với điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ, đồng thời cũng đánh dấu sự trở lại của anh với dòng phim ly kỳ sở trường.
Phim lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn khoảng 200 năm trước, khi nhân vật thám tử Kiên được mời tới một ngôi làng để điều tra vụ mất tích bí ẩn. Nhân vật Thám tử Kiên và bà Hai Mẫn có sự kết nối trước đó từ phim Người vợ cuối cùng. Cả hai tiếp tục đồng hành trong câu chuyện mới xảy ra sau 3 năm từ các biến cố của Người vợ cuối cùng, liên quan tới vụ việc Nga (cháu của Hai Mẫn) mất tích mà dân làng đồn đại liên quan tới ma da và câu chuyện rùng rợn về những cái xác không đầu trôi dạt vào bờ sông.
Teaser poster nhấn mạnh hình ảnh hai diễn viên chính: Thám tử Kiên (Quốc Huy) cùng Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) giữa không gian xơ xác: nhà lá tan hoang, rừng núi âm u. Phía trước cả hai là hình ảnh chiếc lu với hai bàn tay vươn ra trầy xước, máu me, đầy kinh dị.
Ngày dự kiến khởi chiếu mới được nhà sản xuất công bố vào dịp lễ 30/4/2025. Tại showcase phim tháng 8/2024, ngày dự kiến khởi chiếu từng được công bố trước đó là 16/5/2025. Việc chiếu sớm phim điện ảnh Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu được xem là nước đi thú vị của đạo diễn Victor Vũ cùng ekip, giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn xem phim trong dịp lễ dài ngày.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ về việc ekip chọn lịch chiếu phim mới ở giai đoạn 30/4: “Dời lịch chiếu sớm là quyết định chung của nhà đầu tư và phát hành, chúng tôi nghĩ dịp Lễ 30/4 là một thị phần rất tiềm năng cho phim Việt. Ra Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu mùa này, chúng tôi mong sẽ mang đến cho khán giả một khẩu vị khác, khiến cho bữa tiệc điện ảnh thêm phong phú”.
Cùng với teaser poster, teaser trailer cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng. Với độ dài hơn 1 phút, clip gây ấn tượng ngay từ khung cảnh đầu tiên khi Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) hốt hoảng chạy tới bờ sông. Ở đó có cái xác không đầu nổi lên bên bờ sông, gây hoang mang cho dân làng. Xuyên suốt trailer, nhà sản xuất cho thấy những khoảnh khắc lạnh sống lưng thông qua việc khéo léo kết hợp âm thanh rùng rợn với những cảnh quay bất ngờ giữa Thám tử Kiên (Quốc Huy) và Nga (Minh Anh). Nhịp phim nhanh, dồn dập với những khoảnh khắc kịch tính, đưa người xem vào một vụ án kỳ bí đầy ám ảnh. Cảnh hành động cũng được tô đậm đẹp mắt khi Thám tử Kiên có một cuộc đấu trong rừng để bảo vệ mạng sống.
Bên cạnh nội dung thuộc thể loại sở trường là dòng phim ly kỳ, bí ẩn, thách thức thần kinh và tâm trí khán giả thì phần hình ảnh của Kỳ án không đầu cũng là một điểm hấp dẫn. Những khung hình được quay tại Tuyên Quang, Cao Bằng thể hiện tính kỹ lưỡng, duy mỹ rất cao của Victor Vũ cùng ekip thân quen. Kết hợp với yếu tố cổ trang, bộ phim được kỳ vọng là một “món ăn” thú vị và hấp dẫn trong dịp lễ 30/4 sắp tới.
'Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu': Thử thách trong việc mang Việt phục vào phim
Diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp chia sẻ về sự chỉn chu, nghiêm túc trong việc chuẩn bị phục trang ở bộ phim điện ảnh Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu: "800 - 1.000 bộ phục trang, tất cả đều là may thủ công của đoàn phim, không phải phim thời nay để mượn hoặc mua dễ dàng. Tất cả trang phục trong phim, anh Ghia là người nhuộm từng miếng vải. Nếu mình mua vải ngoài chợ may lên thì sẽ có độ mới, lên hình sẽ bị giả. Còn trong phim, vải phải tẩy, rồi wash, rồi nhuộm thì mới lên đúng ý của anh. Tuy đây không phải phim lịch sử nhưng các anh chị đã nghiên cứu rất kỹ về phục trang dựa trên bối cảnh thời Nguyễn, không chỉ thể hiện đẳng cấp xã hội mà còn mang bản sắc văn hóa Việt.
Anh Victor Vũ và Giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam luôn tôn trọng tính trang nghiêm, tinh tế, có sự phân cấp rõ ràng giữa các tầng lớp xã hội, nhưng vẫn có nhiều phá cách riêng trong sáng tạo mỹ thuật điện ảnh. Áo ngũ thân của tầng lớp bình dân và quý tộc. Nón và khăn đóng dành cho nam giới và nữ giới khi ra đường. Người lao động mặc áo tứ thân giản dị hơn. Tầng lớp giàu có mặc áo dài lụa, nón quai thao hoặc đội khăn vấn".
Cách ekip sản xuất của đạo diễn Victor Vũ thể hiện sự sáng tạo trong điện ảnh luôn được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống. “Tôi luôn giữ lối tư duy: Mình phải nghiên cứu kỹ nhất có thể”, đạo diễn sinh năm 1975 chia sẻ.
Số lượng cổ phục, phục trang trong Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu chỉ có thể được miêu tả bằng từ “khổng lồ”. Tổ phục trang cần chuẩn bị cho cả tuyến chính lẫn tuyến phụ. Các diễn viên mỗi ngày mặc ít nhất là ba lớp áo, nhiều thì năm lớp, dù nắng nóng hay mưa lạnh cũng không được lược bỏ hay là đắp thêm một tấm vải nào. Hàng trăm người là hàng trăm bộ quần áo, giày, mũ... tất cả đều may mới chứ không thể mua hàng có sẵn.
Đinh Ngọc Diệp và Quốc Huy trong 1 cảnh quay phim Thám tử Kiên
Nhà sản xuất - diễn viên Đinh Ngọc Diệp trải lòng: "Từng đêm, các anh chị tổ phục trang phải thức khuya, dậy sớm, nhuộm từng tấm vải, làm handmade từng món phụ kiện và mỗi ngày phải giặt ủi, xử lý cho xuống màu cả trăm bộ đồ. Nhân sự của tổ cũng hạn chế lắm, 3 - 4 người trong một tổ đâu làm xuể hàng trăm đầu việc khác nhau. Có người chỉ chợp mắt một chút rồi lại làm tiếp. Phục trang cổ trang không chỉ giúp khán giả hiểu rõ hơn về văn hóa từng thời kỳ mà còn tạo nên dấu ấn riêng biệt cho mỗi bộ phim".
Đinh Ngọc Diệp mô tả bản thân "may mắn vì được mặc áo dài xuyên suốt 2 tháng trên phim trường". Nữ diễn viên cảm thấy mình thật đẹp, không chỉ vì lớp áo bên ngoài trau chuốt, mà còn "thấm đượm cả tinh thần hồn hậu từ sâu thẳm bên trong mình".
Diễn viên Anh Phạm (vai Tuyết) cũng tâm sự: "Được tham gia trong dự án Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, tôi vô cùng thích thú với tạo hình của Tuyết. Vốn dĩ đã thích áo dài, thế nên khi thấy trang phục của các nhân vật đều rất chỉn chu và tỉ mỉ nên càng khiến tôi phấn khích hơn. Đặc biệt, nhân vật Tuyết là một cô tiểu thư nên trang phục của Tuyết cũng được các anh chị phục trang ưu ái may bằng những loại vải đắt tiền nhất trong tất cả các nhân vật của phim. Tôi hi vọng Thám tử Kiên sẽ khiến khán giả cảm thấy hài lòng về phần nhìn cũng như lôi cuốn bởi nội dung của phim".
Diễn viên Quốc Huy (vai Thám tử Kiên) cho rằng từng bộ trang phục được khoác lên người trong lúc tham gia bộ phim điện ảnh Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đều mang đến cho anh cảm giác kết nối với lịch sử, văn hóa, cội nguồn dân tộc. Diễn viên Quốc Anh (vai Thạc) khẳng định việc khoác những bộ phục trang này giúp anh dễ dàng hóa thân vào nhân vật hơn.
Trong thời gian tham gia phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, Minh Anh (vai Nga) được mặc rất nhiều chiếc áo dài và có những họa tiết khác nhau. Mỗi chiếc áo dài của nữ diễn viên đều được ekip phục trang làm rất chỉn chu từng đường kim mũi chỉ. "Kỷ niệm nhớ nhất của tôi trong quá trình quay chắc là khi dàn cast đi đến đâu, xuất hiện cùng tạo hình nhân vật đều được người dân ở Cao Bằng và Tuyên Quang khen và xin chụp ảnh rất nhiều. Có chú lại chỗ tôi còn hỏi: Áo dài này có mua được không con, chú mua về tặng con gái", Minh Anh tâm sự.
Gần đây, tại sự kiện Tóc xanh vạt áo 2025, dàn diễn viên Quốc Huy, Quốc Anh, Anh Phạm, Võ Điền Gia Huy, Minh Anh và bộ đôi đạo diễn - nhà sản xuất Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả khi xuất hiện với những bộ trang phục truyền thống. Nhiều người qua đường phấn khích, ngỡ ngàng khi thấy những diễn viên nổi tiếng khoác lên mình chiếc áo cổ phục, trở thành khách mời và trực tiếp giao lưu.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ đầy tâm huyết trong sự kiện lần này: "Cổ phục Việt Nam rất đẹp và phong phú. Tôi luôn muốn tôn vinh vẻ đẹp này trong các bộ phim của mình. Hôm nay, tôi rất tự hào khi được mặc những bộ cổ phục này. Tôi rất vui khi có một ngày như hôm nay để tôn vinh những vẻ đẹp của cổ phục Việt Nam".
Diễn viên Đinh Ngọc Diệp khẳng định bản thân vốn rất thích mặc áo dài ngay từ khi còn nhỏ. "Sau khi tham gia Người vợ cuối cùng, tôi để ý rằng mọi người, mọi nhà đều có thể mặc cổ phục rất thoải mái. Chiếc áo này có thể ứng dụng được rất nhiều, không chỉ những dịp lễ Tết hay cưới hỏi. Tôi ngày càng yêu hơn những bộ cổ phục, áo dài. Tôi tự hào vì được là một người phụ nữ Việt Nam", nữ diễn viên chia sẻ.
Hai vợ chồng Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp cũng khẳng định 2025 là một dịp rất đặc biệt khi đánh dấu cột mốc 50 tuổi của đạo diễn bộ phim Người vợ cuối cùng. Nam đạo diễn trải lòng: "Tôi cũng đã làm phim rất lâu và thấy nền điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tôi mong nền điện ảnh sẽ ngày càng phát triển, có nhiều tiếng nói và màu sắc hơn từ những người làm phim".
Từ phim Người vợ cuối cùng cho tới Thám tử Kiên, hai phim đều mang nét văn hóa của cả 3 miền (tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ...), song cũng đồng thời thể hiện được cá tính điện ảnh của từng nhân vật. Không chỉ để tạo nên một phông nền đủ thuyết phục cho nội dung phim, nỗ lực này còn là cách Victor Vũ giúp khán giả hiểu rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người Việt Nam. Có thể thấy rằng, bề dày văn hóa độc đáo của Việt Nam chính là nguồn cảm hứng và động lực của bộ đôi đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất - diễn viên Đinh Ngọc Diệp thực hiện những dự án nghệ thuật tạo ra nhiều tiếng vang lớn trong thời gian gần đây.
VDTonline.vn:Văn hóa- Tiêu dùng

Viết bình luận