[Clip]Chàng thanh niên hát vì lời trăn trối của cha đạt giải 50 triệu đồng ở Hát Mãi Ước Mơ mùa 2 Đời Sống - Tiêu Dùng
Hát Mãi Ước Mơ tập 5 chứng kiến thầy giáo thể dục đem về giải thưởng 25 triệu đồng, dành tặng cô học trò mắc bệnh sắc tố da quái ác. Giải thưởng cao nhất 50 triệu đồng được trao cho cậu thanh niên hát cho tâm niệm cuối cùng của người cha quá cố.
Ở Hát Mãi Ước Mơ tập 5, Ốc Thanh Vân mong đợi tìm được một giọng hát đẹp. Trong khi đó, Trấn Thành lại hi vọng khách mời sẽ là một người thật “chịu chơi” để giúp đỡ thật nhiều cho những hoàn cảnh khó khăn. Khách mời của tuần này chính là ca sĩ Kyo York. Nam ca sĩ người Mỹ dành tặng khán giả ca khúc đầy ý nghĩa Khi cha già đi – một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
VÒNG ƯỚC MƠ
Câu chuyện thứ nhất: Cẩm Ly, Trấn Thành xót xa cô bé bị bạn bè gọi là “chó đốm” vì căn bệnh sắc tố da quái ác
Mở đầu chương trình là câu chuyện của giáo viên dạy thể dục của trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông. Thầy Trần Quang ngoài việc giảng dạy còn nhận thêm công tác sửa chữa, bảo trì các thiết bị trong trường và trực đêm để kiếm thêm thu nhập. Tuy cuộc sống khó khăn, thầy Quang vẫn đau đáu cho trường hợp của cô học trò lớp 3 Nguyễn Ngọc Thảo My. Cô bé có gia cảnh khó khăn, ông ngoại và mẹ phải làm thợ hồ ở xa, đến chủ nhật mới về nhà nên chủ yếu bé sống cùng bà ngoại. Hơn thế nữa, Thảo My từ nhỏ đã phải sống cùng căn bệnh sắc tố da quái ác, khiến những đốm đen nổi lên khắp người. Cô bé 8 tuổi luôn tủi thân vì bạn bè xa lánh, thậm chí bị trêu chọc là “chó đốm”. Theo lời bà của Thảo My, muốn chữa trị cho phần tay và mặt của bé sẽ tiêu tốn khoảng trăm triệu, vượt xa khả năng của gia đình chứ chưa dám nghĩ đến chữa cả người. Những đêm trở mình, Thảo My luôn đau nhức vì những đốm đen cấn vào lưng, bà ngoại phải chèn mền cho cháu đỡ đau. Không kiềm lòng được trước cô học trò luôn thui thủi một mình, thầy Quang mong hát để giúp Thảo My chữa bệnh, hòa nhập cùng bạn bè.
Thể hiện ca khúc Áo trắng ngời sáng tương lai, thầy Quang chinh phục khán giả tại trường quay nhờ giọng hát vang, cao vút và đặc biệt truyền cảm. Sau phần thi, bé Thảo My được mời lên sân khấu. Trấn Thành ân cần cho rằng, Thảo My chỉ là hơi kém may mắn hơn các bạn, khi các bạn lớn lên sẽ hiểu cô bé hơn. Nam giám khảo cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất không phải là gương mặt mà bản thân mình phải học giỏi, ngoan hiền, hiếu thảo và làm điều có ích cho đời. Bên cạnh đó, cô Hiệu trưởng trường Vàm Cỏ Đông cũng bày tỏ nguyện vọng khi chương trình phát sóng, các bác sĩ biết được hoàn cảnh của bé sẽ tìm ra hướng chữa trị, hỗ trợ cô học trò nhỏ có ngoại hình bình thường như các bạn khác, để cô bé tự tin tiếp xúc với bạn bè và xã hội. Kyo York thật sự xúc động cho sự dũng cảm của Thảo My và khen thầy Quang chọn bài hát đúng chủ đề về tương lai, về việc vươn lên trong cuộc sống. Nữ giám khảo Cẩm Ly mong các bạn của cô bé xem được chương trình sẽ hiểu, không sợ Thảo My nữa để cô bé hòa đồng, đỡ tủi thân hơn.
Câu chuyện thứ 2: Cẩm Ly ngưỡng mộ tình bạn đẹp của 3 người bạn lớn tuổi, đều bị khiếm thị ở Hát Mãi Ước Mơ
Kế đến là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Hạnh Dung, người khiếm thị, hát giúp đỡ cho người bạn cũng bị khiếm thị và khó khăn hơn mình là cô Nguyễn Thị Công. Cô Dung quê ở An Giang, lên Sài Gòn hát rong, bán vé số mưu sinh. Cô Dung có chồng đã bệnh mất cách đây 3 năm, hai người con trai đều đã lập gia đình nhưng chật vật về kinh tế nên cô ở một mình tự bươn chải kiếm sống để các con đỡ khổ. Cô tình cờ quen biết với cô Công, 69 tuổi, ở một mình đã 30 năm sau khi mẹ mất. Cô Công đang sống trong một căn nhà tình thương xập xệ, mỗi tháng được nhà nước trợ cấp vài trăm nghìn. Tuổi đã cao, mắt không thấy, cô Công chỉ loanh quanh ở nhà nên cũng không có thu nhập gì hơn. Nhiều đêm, cô Công tủi thân, suy nghĩ rồi buồn một mình vì đói hay no cũng chẳng có ai lo. Giờ đây, cô Công có cô Dung và một người bạn khác cùng chung số phận, có duyên và gặp gỡ nhau, xem nhau như chị em ruột thịt. Cô Dung muốn dùng giọng ca của mình giúp chị Công có một số tiền để trang trải thuốc men hàng ngày.
Cô Nguyễn Thị Hạnh Dung chọn ca khúc Bông điên điển để khoe chất giọng tình cảm, ấm ấp. Sau tiết mục, cô Dung tâm sự hát vì thấy cuộc đời bạn mình bất hạnh hơn, lớn tuổi hơn, không con, không cháu. Kyo York khen cô Dung có chất giọng ngọt ngào, đúng chất miền Tây và luyến láy tuyệt vời. Anh cũng nhận định âm nhạc là một phần rất lớn trong tâm hồn của cô Dung. Cẩm Ly bất ngờ vì cô Dung hát như chơi, thoải mái. Nữ giám khảo cũng ngưỡng mộ tình cảm đẹp của các cô dành cho nhau, ấm áp tuổi già.
Câu chuyện thứ 3: Kyo York cảm động với anh chàng hát cho ước mơ dang dở của người cha quá cố
Cậu thanh niên 22 tuổi Võ Thành Tài sẽ kể câu chuyện tiếp theo của chương trình. Thành Tài sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, ba là công nhân và mẹ gánh chè đi bán, cuộc sống cơ cực nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Năm Thành Tài lên lớp 8, cha cậu bị chẩn đoán ung thư và cuối năm lớp 8, cha cậu qua đời. Trước khi mất, cha đã dặn dò cậu con trai út hãy giúp cha hoàn thành ước mơ ca hát mà cha đã không thể làm được. Thành Tài ôm câu nói đó, học và tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật TPHCM, chuyên ngành thanh nhạc. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả, thương mẹ lớn tuổi vẫn buôn gánh, bán bưng, Thành Tài tạm gác lại ước mơ, đi làm công nhân như hai anh trai của mình để phụ giúp gia đình. Tham gia Hát Mãi Ước Mơ, Thành Tài mong được hát cho mẹ - người phụ nữ tần tảo sớm hôm nuôi cậu khôn lớn và hát cho hoài bão còn đang dang dở của cha.
Thành Tài bước lên sân khấu, đầy tâm trạng trong ca khúc Gánh hàng rong. Mẹ Thành Tài không giấu nổi niềm tự hào, khen con trai hát hay và giống cha ở khoản ca hát. Trấn Thành nhắc nhở Thành Tài nếu muốn trở thành ca sĩ thì điều trước tiên là phải có tự tin, trong khi cậu thanh niên lại co ro trên sân khấu. Nam giám khảo mong Thành Tài mạnh mẽ, có cá tính, đột phá, tự tin hơn vào bản thân mình. Trấn Thành còn “gây sốt” bởi câu nói: “nỗi đau là vết sẹo cho những người sợ nó nhưng là vũ khí cho những ai biết tận dụng nó”. Kyo York thấy được sự đặc biệt của Thành Tài ở nỗi đau, sự xúc động của cậu khi kể chuyện bằng bài hát. Kyo York cũng rưng rưng cho biết, được một lần hát, nhìn xuống thấy mẹ của mình cũng là mơ ước dang dở của bản thân anh.
Câu chuyện thứ 4: Trấn Thành không kiềm được nước mắt trước gia đình có 7 người con thì đến 3 người chết vì căn bệnh viêm cầu thận
Câu chuyện cuối cùng thuộc về chú Huỳnh Quốc Sỹ, hát cho người bạn là chú Nguyễn Đức Ngọc và vợ là cô Hưởng. Vợ chồng chú Ngọc – cô Hưởng có 7 người con, gồm 5 trai, 2 gái. Bi kịch ập đến với gia đình khi những đứa con lần lượt mắc bệnh viêm cầu thận và 3 đứa đã qua đời. Đôi vợ chồng luôn day dứt vì không có điều kiện cho các con khám, chữa bệnh đến nơi, đến chốn. Vậy mà, cuộc đời chẳng buông tha khi chú Ngọc cũng mắc bệnh và phải cắt 2 bên thận, cổ hư, chỉ uống chứ không thể ăn và cũng không thể nói được. Hơn thế nữa, chú Ngọc còn bị tai biến, chỉ ngồi một chỗ, bao nhiêu gánh nặng dồn lên vai người vợ. Đến năm 2012, cô Hưởng suy sụp hơn nữa khi bản thân cũng bị chẩn đoán suy thận. Cuộc sống khó khăn, bệnh tật đến nỗi cô chẳng dám ước mơ gì. Cô chỉ mong có tiền đưa những đứa con đi khám vì sợ chúng lại bị đau rồi lại ra đi. Chú Quốc Sỹ xót xa cho hoàn cảnh của gia đình, mong hát để giúp đỡ cô Hưởng phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Chú Huỳnh Quốc Sỹ thể hiện ca khúc Về đi em. Chú Sỹ tỏ ra khá hồi hộp và lo lắng vì từ trước đến nay, chú Sỹ chỉ thỉnh thoảng góp vui ở đám cưới và hát trong nhà thờ. Cô Hưởng bước lên sân khấu, chia sẻ rằng hiện nay đang sống nhờ vào cộng đồng giúp đỡ. Hàng tháng, gia đình được trợ cấp vài trăm nghìn và các con thì chưa có công việc ổn định. Trấn Thành xót xa khi những cái xui cứ ập đến gia đình chị. Nam giám khảo cũng hi vọng những thành viên còn lại không mắc bệnh và động viên cô Hưởng không nên nghĩ đến những chuyện buồn, suy nghĩ tích cực hơn. Bản thân Cẩm Ly là một người mẹ nên cô hiểu sự lo lắng của cô Hưởng cho những đứa con còn lại. Chị Tư mong cô Hưởng đưa các con đi khám một lần để an tâm hơn. Kyo York thấy bài hát và cách thể hiện rất dễ thương tuy chú Sỹ còn hơi nhút nhát.
Trải qua 4 phần trình diễn, thầy Trần Quang đạt được số điểm 77, cô Hạnh Dung đạt 74 điểm, Thành Tài đạt 79 điểm và chú Quốc Sỹ đạt 76 điểm. Như vậy, với số điểm thấp nhất, cô Hạnh Dung là thí sinh đầu tiên chia tay với chương trình cùng giải thưởng trị giá 7 triệu 400 nghìn đồng.
VÒNG CHINH PHỤC
Ở vòng Chinh Phục, thầy Trần Quang chọn ca khúc Đứa bé, Thành Tài hát Mẹ tôi và chú Quốc Sĩ trình diễn ca khúc Chuyến đò quê hương. Kyo York nhận thấy Thành Tài có khiếu và cũng đã học qua thanh nhạc nhưng cần làm sắc nét khoảng trầm để khán giả có thể nghe rõ hơn. Nam ca sĩ cho rằng thầy Trần Quang có cột hơi tốt hơn, có lẽ vì thầy… tập thể dục hàng ngày. Anh cũng góp ý chú Quốc Sỹ nên bình tĩnh hơn trên sân khấu để khán giả có thể cùng hòa mình vào bài hát.
Sau vòng Chinh Phục, thầy Trần Quang nhận được số điểm 80 điểm, Thành Tài đạt 82 điểm và chú Quốc Sỹ đạt 75 điểm. Như vậy, chú Quốc Sỹ là thí sinh tiếp theo phải rời cuộc chơi cùng số tiền thưởng tổng cộng sau 2 vòng là 15 triệu 100 nghìn đồng.
VÒNG TOẢ SÁNG
Ở vòng thi này, Thành Tài thể hiện ca khúc ý nghĩa về tình ca con Ba kể con nghe. Thầy Trần Quang lại đầy tâm trạng trong ca khúc Vùng lá me bay. Cẩm Ly dành lời khen cho thầy Quang vì dám chọn một màu sắc âm nhạc khác hẳn. Hơn thế nữa, bài này thường ít được thể hiện bởi một giọng ca nam vì sự luyến láy nhiều. Có lẽ, thầy Trần Quang hát không quen nên hơi cứng ở những câu đầu nhưng những chữ cuối luyến rất ngọt. Trấn Thành khen ngợi bài hát về cha rất xúc động của Thành Tài và chúc cậu thanh niên may mắn trên con đường sắp tới.
Kết thúc vòng Chinh Phục, Thành Tài nhận được 58 điểm từ Giám khảo trong khi thầy Trần Quang đạt 55 điểm. Sau khi khán giả bình chọn, Thành Tài có tổng điểm 97, thầy Trần Quang đạt 96 điểm. Như vậy, thầy Trần Quang sẽ ra về cùng giải thưởng 25 triệu đồng dành tặng cho cô học trò nhỏ Thảo My. Thành Tài với số điểm cao hơn, đạt giải Nhất của chương trình với giải thưởng 50 triệu đồng.
Đón xem tập 6 của Hát Mãi Ước Mơ mùa 2, phát sóng vào lúc 20g25, thứ Sáu, 06/04/2018 trên HTV7.
Clip: https://youtu.be/w68kHdbUp_0
Bin Bin (VDTOnline.vn)
Viết bình luận