CHIẾN DỊCH “THƯƠNG THÂN NHƯ THỂ THƯƠNG NGƯỜI” – ĐÃ ĐẾN LÚC GIỚI TRẺ HỌC CÁCH THƯƠNG MÌNH NHIỀU HƠN Đời Sống - Tiêu Dùng
Được khởi xướng Đường dây nóng Ngày Mai cùng T.S Đặng Hoàng Giang, chiến dịch Thương Thân Như Thể Thương Người nhận được nhiều sự hưởng ứng từ cộng đồng, với sự tham gia của người nổi tiếng nhằm khuyến khích người trẻ lắng nghe con tim của mình nhiều hơn. Hãy trở thành một người nuôi dưỡng tuyệt vời nhất của chính mình trước khi làm chỗ dựa, làm nguồn tình yêu cho những gì là quan trọng với mỗi người.
Nếu không phải bây giờ, thì là bao giờ?
Thuật ngữ sức khỏe tinh thần – mental health – vốn không phải là mới trên thế giới. Đi ngược lại dòng lịch sử, năm 1948, Đại hội Quốc tế đầu tiên về sức khỏe tinh thần đã được tổ chức bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO diễn ra ở London. Thậm chí xa hơn nữa, các tài liệu tham khảo về sức khỏe tinh thần được tìm thấy bằng tiếng Anh từ trước thế kỷ 20. ..
Nhìn sang một đất nước Châu Á có nhiều nét văn hóa tương đồng với chúng ta như Đài Loan, vào năm 1981, chính phủ đã ủy quyền cho một tổ chức sức khỏe tâm thần tư nhân xây dựng dự thảo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần. Điều này đã cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc, bài bản, có khoa học và trách nhiệm của các cấp ban ngành nước sở tại từ rất sớm.
Tại Việt Nam, phải cho tới khi đại dịch Covid 19 xảy ra, mọi người mới quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần của chính mình nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn lại các sự kiện đã xảy ra gần đây như cha mẹ thiếu phương cách đồng hành với con trong câu chuyện tăng sức đề kháng khi đối diện với áp lực, hay việc cộng đồng kêu gọi gỡ bỏ một sản phẩm nghệ thuật vì một vài khung hình được cho là ảnh hưởng xấu tới tinh thần người trẻ, chúng ta mới thấy xã hội hiện nay chưa sẵn sàng để đối thoại một cách cởi mở về chủ đề này. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Nếu không phải bây giờ, thì là bao giờ?
Các thành viên của Đường dây nóng Ngày Mai
Gen Z và câu chuyện đối xử khó khăn hơn với chính mình vì những điều thực sự quan trọng
Thế hệ Gen Z, ai cũng có một điều gì, một người nào mà họ tin là quan trọng hay có ý nghĩa với bản thân mình để phấn đấu, để theo đuổi hay để hoàn thành bằng cách này hay cách khác. Đó có thể là giá trị tình cảm gia đình; Đó cũng có thể là sự khẳng định năng lực trong công việc. Đó có thể là sự chấp nhận giới tính của cộng đồng hay chỉ đơn giản là sự gắn kết với một loài động vật nào đó. Đó là động lực sống, cống hiến và phát triển của mỗi người. Cứ như thế, gen Z cố gắng, phấn đấu cho những niềm tin, giá trị sống ở ngoài kia. Nhưng cũng chính họ lại chọn đối xử một cách khó khăn hơn với bản thân ở hiện tại.
Họ chấp nhận giữ hình tượng bản thân là một người luôn nói về những điều tích cực bởi vì ngoài kia có bao nhiêu người đang theo dõi ta. Cho dù nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi vô định, cô độc trên con đường của mình, nhưng thật khó để chia sẻ, lắng nghe;
Họ không cho phép bản thân mình được một lần “rũ bỏ” trách nhiệm chỉ vì suy nghĩ: Nếu chúng ta không làm thì ai làm
Họ không cho phép bản thân mình được tức giận vì một khi đã quyết định xây dựng là một người tài năng trong tương lai, thì một người tài năng sẽ luôn biết giải quyết vấn đề mà không kêu ca.
Nhưng các bạn quên mất rằng, những gì quan trọng đối với chúng ta chỉ có thể tồn tại hay trở nên có ý nghĩa nếu như nền tảng cốt lõi của điều đó tồn tại. Và nền tảng đó, không ai khác, đó chính là bản thân mỗi con người chúng ta.
Lời ngỏ từ Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Sau hơn 400 ngày hoạt động, Ngày Mai đã nhận được 2,500 cuộc gọi với hơn 42,000 phút đàm thoại, hàng ngàn tin nhắn inbox. Những con số ấy là nguồn động viên lớn và dấu hiệu đáng mừng rằng vấn đề sức khoẻ tinh thần đang dần được quan tâm. Mặt khác, chúng cũng chứng minh cho thực trạng mà Ngày Mai vẫn quan ngại: có rất nhiều người trẻ đang vật lộn với khủng hoảng trong bóng tối.
Chúng ta hay lựa chọn vật lộn âm thầm, một mình, bởi định kiến xã hội nói rằng hãy “sống lý trí lên”, đừng “bị cảm xúc chi phối”, rằng ta như vậy vì “chưa đủ cố gắng", ta “quá nhạy cảm.” Định kiến cũng khiến nhiều người có khủng hoảng tâm lý hay trầm cảm kỳ thị bản thân, thấy mình “kém cỏi", “vô dụng", “gây phiền hà".
Thêm nữa, nhiều người trong chúng ta từ nhỏ đã bị đưa vào đầu thông điệp đạo đức rằng phải sống thế nào để cha mẹ “mát mặt" và “được nhờ,” phải luôn hy sinh cho người khác, nghĩ tới bản thân mình là ích kỷ.
TS. Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng đường dây nóng Ngày Mai_
Những điều này khiến chúng ta có thể cạn kiệt, suy sụp mà không dám bộc lộ ra hay tìm tới sự giúp đỡ.
Vậy nên, Ngày Mai muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: các bạn xứng đáng được yêu thương, sức khoẻ tinh thần của bạn cũng cần được quan tâm như cách bạn quan tâm tới người khác.
Hãy tìm tới Ngày Mai để bạn được trải lòng, được lắng nghe, được khóc. Và chúng ta sẽ cùng nhắc nhở nhau rằng, đừng quên yêu thương, trắc ẩn với chính mình. Hãy THƯƠNG THÂN NHƯ THỂ THƯƠNG NGƯỜI!
“Thương Thân Như Thể Thương Người” – Đã đến lúc giới trẻ học cách thương mình nhiều hơn
Các vấn đề về sức khỏe được sinh ra trong mỗi con người, một vấn đề phát sinh từ nội tại thì người chủ động giải quyết nó vẫn phải chính là mỗi người trong số chúng ta. Không phải chờ đợi xã hội, các nhà chuyên môn hay nhà trường mà chính từng cá thể trên đất nước này cần thay đổi. Chúng ta làm điều này đầu tiên là vì chính bản thân mình.
Được khởi xướng từ Đường dây nóng Ngày Mai, “Thương Thân Như Thể Thương Người” khuyến khích người trẻ được bộc lộ con người bên trong của mình ra bên ngoài, Dù bạn có đang kìm nén bất cứ điều gì, hãy giải phóng nó ra. Dù bạn muốn chối bỏ bất cứ điều gì, hãy nhìn nhận, trân trọng nó.
Hãy chia sẻ một điều mà bạn chưa bao giờ nói với một người, chưa bao giờ nói ra với một thứ, mà bạn nghĩ người ấy, thứ ấy đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe tinh thần cho bạn. Đó có thể là một khát khao, một bí mật, hoặc một niềm tiếc nuối hay nỗi thất vọng với đồng nghiệp, sếp. Thậm chí, đó có thể chỉ là những điều mà bạn nghĩ là “vặt vãnh” trong cuộc sống thường nhật của hai người. Hãy đẩy những cảm xúc, suy nghĩ, ra ngoài cơ thể. Chúng ta. cùng nhau, không đặt nặng việc kỳ vọng mọi người sẽ hiểu và thay đổi theo ý ta; mà là chúng ta nói ra vấn đề đó, thừa nhận tiếng lòng của bản thân, không chối bỏ những cảm xúc của chính mình - đó mới chính là điều quan trọng. Bằng việc cho phép tiếng nói bên trong được bộc lộ, Lần đầu tiên, chúng ta ngắm nhìn những cảm xúc, suy nghĩ ấy, một cách rõ ràng, một cách chính thức bằng tất cả tình yêu thương và sự trân trọng, như một con người.
Hãy trở thành một người nuôi dưỡng tuyệt vời nhất của chính mình trước khi làm chỗ dựa, làm nguồn tình yêu cho những gì là quan trọng với bạn.
Các thành viên của Đường dây nóng Ngày Mai
Đường dây nóng Ngày Mai là một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khoẻ tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm và người thân của họ.
Qua việc cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết, đường dây nóng giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tinh thần. Dịch vụ miễn phí với người sử dụng. Chi phí vận hành được trang trải qua hoạt động gây quỹ từ cộng đồng và đóng góp tuỳ tâm của người nhận tư vấn.
Hotline: 096 306 1414 Email: hotlinengaymai@gmail.com Fanpage: https://www.facebook.com/duongdaynongngaymai Ủng hộ quỹ cho người trầm cảm qua BST #Thương Thân Như Thể Thương Người tại: https://boo.vn/bo-suu-tap/boo-x-ngay-mai |
Hoàng Hà
VDTonline.vn: Văn hóa- TIêu dùng
Viết bình luận