Câu Chuyện Cuộc Sống: Vợ chồng nên giữ tiền chung hay riêng Đời Sống - Tiêu Dùng
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng, chia sẻ những câu chuyện: Vợ chồng nên giữ tiền chung hay riêng, Đừng vì sự vô ý làm tổn thương người khác, Lạm dụng ‘chuyên gia tâm lý AI’ - Lợi bất cập hại.
Vợ chồng nên giữ tiền chung hay riêng?
Tiền bạc đôi khi là chuyện nhỏ nhưng lại có thể làm rạn nứt những điều lớn lao. Vậy trong hôn nhân, ai nên giữ tiền? Vợ hay chồng? Có người cho rằng vợ chồng sử dụng tiền chung là thể hiện lòng tin, nhưng cũng có ý kiến khác khẳng định rằng sử dụng tài chính riêng biệt giúp giữ được sự tự do và tôn trọng lẫn nhau. Vậy đâu mới là cách đúng?
Chị T.H.T (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nắm giữ chi tiêu trong gia đình, nhưng khi sử dụng tiền, tôi phải suy nghĩ kỹ vì trong gia đình còn nhiều thứ phải chi trả. Chồng tôi không giữ tiền nên đôi khi anh ấy không hiểu trong gia đình cần chi tiêu cho nhiều khoản. Anh ấy hay nói với tôi vì sao tiền anh đưa bao nhiêu cũng không đủ. Thực tế, là người giữ tiền, tôi có những áp lực riêng. Tôi đã cố gắng để vun vén sao cho gia đình đầy đủ nhất”.
Chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (TP.HCM) chia sẻ: “Thu nhập cá nhân của vợ chồng tôi đều được công khai cho nhau biết. Mỗi người sẽ đưa vào khoản chi tiêu chung của gia đình một số tiền nhất định, phần còn lại giữ để chi cho những việc cá nhân. Khi tiền bạc rõ ràng, vợ chồng tôi rất ít khi cãi nhau về vấn đề này”.
Thạc sĩ Vũ Kim Ngọc, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Đa phần trong gia đình, vợ có tài khoản riêng và chồng cũng vậy. Chúng ta cần xác định nguồn tiền chung, chi phí trong gia đình cần là bao nhiêu, và có thể thương lượng hay thảo luận với nhau về khoản tiền chung cũng như khoản tiền riêng. Việc chuẩn bị và tính toán giúp vợ chồng có phương pháp quản lý tiền bạc phù hợp, đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của mỗi thành viên. Tiền dù do vợ hay chồng giữ, người còn lại vẫn phải nắm được các khoản chi tiêu cụ thể. Các khoản tiền chung khi được chi ra, dù lớn hay nhỏ, đều cần có sự bàn bạc và thống nhất để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau”.
Hôn nhân là một hành trình dài, tài chính chỉ là phần nhỏ trong hành trình ấy. Khi hai người cùng nhau trao đổi thẳng thắn, đặt lợi ích gia đình lên hàng đầu và tôn trọng lẫn nhau, thì câu chuyện tài chính sẽ không còn là vấn đề lớn. Nói cách khác, sự đồng thuận chính là ngân hàng vững chắc giúp cuộc sống hôn nhân bền lâu.
Clip Vợ chồng nên giữ tiền chung hay riêng: https://youtu.be/Y61XINiG6aE
Đừng vì sự vô ý làm tổn thương người khác
Những điều tưởng chừng nhỏ bé lại có thể khiến người khác khắc sâu trong lòng. Đôi khi, chỉ vì một câu nói vô tư, một hành động bông đùa cũng có thể khiến đối phương chạnh lòng, thậm chí tổn thương mà chúng ta không hề hay biết. Trong cuộc sống hàng ngày, những lời nhận xét hay hành động vô tình, dù không có ý xấu, vẫn có thể chạm đến nỗi buồn, sự tự ti của người bên cạnh.
Anh T.M.T (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng đem ngoại hình một bạn nữ trong nhóm ra làm trò đùa. Lúc ấy, bạn không nói gì, nhưng khi về nhà, bạn đã chặn liên lạc của mọi người và nói rằng sẽ không bao giờ liên hệ với tôi nữa. Mặc dù tôi cảm thấy có lỗi và đã liên tục xin lỗi, nhưng đến nay tôi vẫn cảm thấy day dứt”.
Chị N.T.K.L (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng bị người khác đem chuyện cá nhân ra làm trò đùa một cách không hay. Về sau, tôi không còn tiếp xúc với người đó nữa, dù trước đó cả hai từng rất thân thiết”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Ông bà ta có câu: ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’. Trong cuộc sống, nếu vô tình lỡ lời với ai đó, hãy lập tức xin lỗi và sửa sai. Một lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn một mối quan hệ. Trước khi nói điều gì, hãy để ý đến nội dung và hoàn cảnh giao tiếp. Nghĩ kỹ rồi hãy nói, thì mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đừng vì sự vui vẻ nhất thời hay chủ quan mà làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ quý giá”.
Không ai hoàn hảo và sự vô ý đôi khi là điều khó tránh. Nhưng điều chúng ta có thể làm là học cách lắng nghe, suy nghĩ trước khi nói và đặt mình vào vị trí của người đối diện. Chỉ cần một chút tinh tế khi giao tiếp, một sự nhẹ nhàng khi góp ý, hay lắng lòng để thấu hiểu, chúng ta đã góp phần làm dịu đi những tổn thương không đáng có. Tử tế không khó – đó là việc chúng ta không hỏi người khác điều họ không muốn nói, không đùa cợt trên nỗi buồn của người khác, và luôn dành cho nhau sự tôn trọng.
Clip Đừng vì sự vô ý làm tổn thương người khác: https://youtu.be/ywPqdnYqL6o
Lạm dụng ‘chuyên gia tâm lý AI’
Khi công nghệ phát triển, “chuyên gia tâm lý AI” đang dần trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều người. Họ không còn nhu cầu đến gặp chuyên gia hay bác sĩ, chỉ cần vài thao tác là đã có người sẵn sàng lắng nghe họ 24/7. Nhưng liệu rằng sự đồng hành này có thực sự an toàn và đáng tin?
Bạn B.T.H (TP.HCM) chia sẻ: “Chuyên gia tâm lý AI an ủi tôi rất hiệu quả. Ở thời điểm ấy, tôi cần được tâm sự và AI đã phản hồi ngay nhu cầu đó. Nhưng nếu tôi gặp các vấn đề tâm lý nặng hơn, nhất định tôi sẽ đến gặp chuyên gia hoặc bác sĩ thật. Bởi vì có những vấn đề AI không thể thấu hiểu, và nếu đưa ra những lời khuyên sai lệch, khi tâm lý không ổn định thì điều đó có thể khiến bệnh nặng thêm”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hải – Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam – nhận định: “Chuyên gia tâm lý AI rất thông minh. Tuy nhiên, AI được xây dựng dựa trên các thuật toán, cơ sở dữ liệu và mô phỏng về mặt ngôn từ. Sự khác biệt lớn giữa chuyên gia thật và AI chính là trái tim và cảm xúc. Khi làm việc với thân chủ, người thật sẽ lắng nghe không chỉ những điều được nói ra mà cả những gì không được nói – thể hiện qua giọng điệu, ánh mắt, cử chỉ, sự ngập ngừng... Theo tâm lý học, chỉ 7% điều con người muốn truyền đạt là bằng lời nói, còn lại 93% là phi ngôn ngữ”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên – Chuyên gia đào tạo ứng dụng AI tạo sinh, Học viện Kỹ năng VITALK – cho biết: “Hiện nay, nhiều người tìm đến AI như một người bạn để tâm sự hoặc tham vấn những vấn đề cá nhân. Điều này thể hiện nhu cầu rất nhân văn: con người muốn được lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm. AI đáp ứng được nhờ tính tiện lợi, bảo mật và chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu người dùng không biết cách tương tác đúng với AI, không đưa ra câu lệnh phù hợp, họ có thể nhận lại thông tin sai lệch. AI không thấu hiểu bối cảnh giao tiếp hay kinh nghiệm trong các tình huống thực tế, nên không thể giải quyết toàn diện vấn đề”.
Trong thời đại công nghệ, AI chưa thể phân biệt ranh giới giữa nỗi buồn thông thường và một dấu hiệu tâm lý nguy hiểm. Một câu trả lời hời hợt hay một gợi ý sai có thể khiến người dùng hiểu lầm về tình trạng của bản thân. Đó là điều các chuyên gia tâm lý cảnh báo: Đừng để AI trở thành chuyên gia duy nhất trong những cuộc đối thoại.
Clip Lạm dụng ‘chuyên gia tâm lý AI’: https://youtu.be/9niDCPAzAUI
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
VDTonline.vn

Viết bình luận