[Clip]Những lưu ý khi đo đường huyết tại nhà Thể Thao - Sức Khoẻ
Sự tăng giảm của đường huyết có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, việc theo dõi và kiểm tra đường huyết, giữ đường huyết luôn ổn định là điều vô cùng cần thiết.
Tập 31 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng trên kênh THVL1. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thanh Huy, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Chương trình tuần này sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức khi tự đo đường huyết tại nhà.
Trong tình huống tuần này, người con gái muốn đưa mẹ mình đến bệnh viện để kiểm tra đường huyết định kỳ. Tuy nhiên, người mẹ lại từ chối vì cho rằng mình đã ăn uống rất kỹ càng, cả món ngọt mình yêu yêu thích như trà sữa cũng đã kiêng không đụng tới nên sức khỏe rất ổn, không cần đến bệnh viện. Lúc này, người con đề nghị sẽ mua máy đo đường huyết tại nhà để cha mẹ không cần mất công đến bệnh viện. Nghe vậy, người cha liền quyết định tìm đến chuyên gia để được tư vấn rõ hơn.
Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, bác sĩ Đặng Thanh Huy chia sẻ về những chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như: “Đường huyết lúc đói: <100mg/dl (<5,6 mmol/l); Đường huyết sau bữa ăn: <140mg/dl (7,8 mmol/l); Đường huyết buổi tối trước khi ngủ: 110 - 150mg/dl (6,0 - 8,3 mmol/l) và HbA1C: <5,7 %”.
Bác sĩ cho biết, biến chứng khi hạ đường huyết như: choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu,... Biến chứng khi tăng đường huyết như: Gây mù lòa, suy thận, ảnh hưởng đến tim mạch và hệ thần kinh; Đặc biệt là gây nhiễm toan ceton máu trên người bệnh đái tháo đường type 1; trên người bệnh đái tháo đường type 2 gây tăng áp lực thẩm thấu (mất nước, hôn mê, co giật).
Bác sĩ Đặng Thanh Huy nói thêm, việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp chủ động biết được sự biến động lượng đường trong máu để kịp thời thay đổi lối sống phù hợp khi đường huyết thay đổi. Vì vậy việc dù bị đái tháo đường hay không vẫn nên theo dõi, kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Theo bác sĩ: “Đối tượng cần thường xuyên theo dõi đường huyết thường xuyên bao gồm: Người bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường; Người từ 45 tuổi trở lên; Người có người thân bị đái tháo đường; Người thiếu ngủ; Phụ nữ mang thai có đái tháo đường thai kỳ; Người mắc các bệnh tim mạch; Béo phì, thừa cân; Người thường xuyên bị căng thẳng, ít vận động, hút thuốc lá; Người có dấu hiệu nghi ngờ đái tháo đường như uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân và mờ mắt”.
Những lưu ý trong việc chọn lựa máy đo đường huyết: Nên chọn mua máy có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, được bán tại các nhà thuốc uy tín, có dược sĩ tư vấn cách sử dụng và chọn máy được các Tổ chức Y tế Thế giới kiểm định và đánh giá đạt độ chính xác 99,9%; Nên chọn máy có giao diện dễ nhìn và tiện cho người cao tuổi dễ sử dụng; Có thể chọn máy đo đường huyết có các chức năng phụ tiện dụng như: Bộ nhớ lưu 512 kết quả, tự động tính kết quả trung bình của 7, 14 và 30 ngày sử dụng,...
Đặc biệt, để đo đường huyết tại nhà đúng và thu kết quả chính xác cần lưu ý: Đo vào buổi sáng khi ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ và nên đo sau khi ăn từ 1 đến 2 giờ; Rửa sạch tay và sát khuẩn trước khi đo; Lắp kim đúng cách và lấy đủ lượng máu; Không đo liên tục trên cùng một ngón, đo luân phiên ở các đầu ngón tay khác nhau và dùng khăn sạch ấn nhẹ vào ngón tay để cầm máu sau khi đo xong; Lắp que thử vào máy đúng cách; Không tiến hành lấy máu nếu cảm thấy đau nhức đầu ngón tay và không nên tái sử dụng que test khi thử.
Đón xem chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1, được đồng hành bởi hệ thống nhà thuốc Trung Sơn - Trung Sơn Pharma. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Tập 31.
Bin Bin (VDTonline.vn)
Viết bình luận